Góc nhìn: Manchester United sau 10 năm dưới quyền sở hữu của nhà Glazer (Kỳ 1)

00:18 Chủ nhật 17/05/2015

(TinTheThao.com.vn) - Trong tuần vừa qua là thời gian chính thức đánh dấu thời gian 10 năm câu lạc bộ bóng đá Manchester United hoạt động dưới quyền sở hữu và điều hành của nhà Glazer. Những ông chủ người Mỹ đã đến Old Trafford và giờ là thời điểm thích hợp để nhìn nhận lại thời gian đã qua và những điều họ đã làm được ở một trong những câu lạc bộ của môn thể thao vua hùng mạnh nhất thế giới hiện nay.

10 năm trước, tỷ phú đến từ nước Mỹ, Malcolm Irving Glazer thông báo ông chính thức trở thành chủ sở hữu Manchester United sau khi mua lại câu lạc bộ với giá 750 triệu bảng. Quyền sở hữu và điều hành câu lạc bộ được chia đều cho các thành viên gia đình nhà Glazer. Phần lớn trong số tiền mà họ bỏ ra để mua lại United đều được vay từ ngân hàng và với bản chất là những con buôn, nhà Glazer – chủ sở hữu của câu lạc bộ bóng đá kiểu Mỹ là Tampa Bay Buccaneers hiểu rằng United sẽ là con gà đẻ trứng vàng dành cho họ.

Tức giận, nhạo báng nhưng phải công nhận về khả năng kinh doanh và tầm nhìn xa của những ông chủ người Mỹ trong suốt 10 năm đã qua ở Manchester. Từ danh hiệu đến chuyển nhượng, các khoản nợ đến các nguồn tài trợ, lợi nhuận đến sự hâm mộ trên toàn thế giới. Đó là những khía cạnh phải xem xét, đánh giá về sự tác động lên câu lạc bộ sau một thập kỷ tiếp quản đầy tranh cãi, dị nghị của nhà Glazer.

Danh hiệu

Không thể phủ nhận Manchester United đã có giai đoạn thành công nhất trên sân cỏ trong vòng mười năm qua. Họ đã giành được 15 danh hiệu lớn nhỏ và trở thành câu lạc bộ nước Anh thành công nhất trong thời gian này. Chỉ có Chelsea có thể đến gần với United với 13 danh hiệu dưới sự đầu tư mạnh tay của tỷ phú người Nga Roman Abramovich trong khi gã hàng xóm ồn ào Manchester City đứng thứ ba với 5 danh hiệu.

Trong đó nổi bật nhất sẽ là chiến tích United vượt mặt Liverpool trở thành câu lạc bộ dành nhiều danh hiệu vô địch quốc gia nhất sau chức vô địch Premier League lần thứ 20 vào mùa giải 2012-2013 và vô địch Champions League mùa 2007-2008. Đáng nhẽ họ có thể nâng cao hơn thành tích ở đấu trường danh giá nhất câu lạc bộ nếu không thất bại trong hai trận chung kết tiếp theo trước cùng một Barcelona cực thịnh. Nhìn rộng ra United dưới quyền sở hữu của nhà Glazer giành được nhiều danh hiệu hơn trước đó dù cũng tính trong quãng thời gian 10 năm.

Tuy nhiên dù thường xuyên đạt được những thành tích nổi trội ở đấu trường trong nước suốt thập kỷ qua nhưng hai năm gần đây Quỷ đỏ lại bị thụt lùi so với các đối thủ. Điều đó được giải thích bởi sự ra đi của chiến lược gia vĩ đại nhất lịch sử câu lạc bộ là Sir Alex Ferguson và United đang trong quá trình tái thiết. Ở châu lục, M.U vẫn tụt hậu so với các ông lớn khác.

Đơn cử như với Barcelona, câu lạc bộ xứ Catalan đã giành được 19 danh hiệu trong cùng kỳ, trong đó có ba chức vô địch Champions League danh giá vào các năm 2006, 2009 và 2011. Họ cũng đang có cơ hội lớn dành được chiếc cúp bạc thứ 4 khi đã giành quyền chơi trận chung kết ở mùa giải năm nay. Một câu lạc bộ khác là “Húm xám” nước Đức Bayern Munich cũng đã giành được 17 danh hiệu trong một thập kỷ qua.

Chuyển nhượng cầu thủ

Đối lập với sự bạo chi trong việc giành quyền sở hữu câu lạc bộ là sự thiếu tương đối của nhà Glazer dành cho United trong việc chuyển nhượng cầu thủ. Cho đến khi David Moyes phá vỡ kỷ lục câu lạc bộ khi bỏ ra 37,5 triệu bảng để ký với Juan Mata từ Chelsea vào tháng Một năm 2014 thì Quỷ đỏ mới có một năm chuyển nhượng vượt quá 50 triệu bảng kể từ năm 2005.

Ngay cả khi Louis van Gaal đến và chi ra khoản tiền 160 triệu bảng để mua sắm nhằm hồi sinh câu lạc bộ, trong đó có bản hợp đồng phá kỷ lục chuyển nhượng của cả Premier League là Angel di Maria với giá 59,7 triệu bảng thì United cũng chỉ có chi tiêu ròng là 274,6 triệu bảng so với 370,7 triệu bảng của Chelsea trong suốt thập kỷ qua.

Nhiều người cho rằng việc M.U thành công là nhờ phần lớn vào khả năng cầm quân tài tình của Sir Alex Ferguson, đặc biệt vào thời gian sau khi họ phải bán cầu thủ xuất sắc nhất của mình là Cristiano Ronaldo cho Real Madrid với giá 80 triệu bảng.

Tuy nhiên thực tế lại cho rằng các ông chủ người Mỹ lại rất hào phóng và huấn luyện viên của United sẽ được cung cấp tiền khi họ muốn. Các trường hợp của Nani, Anderson, Owen Hargreaves năm 2007, Berbatov năm 2009 hay mùa chuyển nhượng kỷ lục vừa qua dưới triều đại của Van Gaal là minh chứng cho điều đó.

Quan điểm này được củng cố bởi Tehsin Nayani, người đã trải qua sáu năm làm phát ngôn viên chính thức của nhà Glazer. "Không bao giờ có bất cứ rào cản tài chính để các huấn luyện viên mua sắm, kể cả đó là Sir Alex Ferguson," Nayani nói.

Tựu chung lại United dưới quyền Glazer trong mười năm qua có thể mua sắm khá ít nhưng một khi đã mua thì đều là những bom tấn, ít nhất về giá cả chứ chưa nói đến khả năng đóng góp và cống hiến cho câu lạc bộ. (Còn tiếp)

(Bạn đọc: Anh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục