Góc nhìn: Lò HAGL JMG và nỗi ám ảnh kiểm soát bóng

15:00 Thứ tư 08/06/2016

(TinTheThao.com.vn) - Các học viên khóa 3 của lò HAGL Arsenal JMG vừa có trận đấu với U16 Nhật Bản, dù chỉ là trận giao hữu của lứa trẻ nhưng vẫn nhận rất nhiều sự quan tâm của người hâm mộ.

Có thể thấy, việc lứa trẻ HAGL thua đậm U16 Nhật Bản là kết quả được dự báo trước và không có gì ngạc nhiên, dù gì Nhật vẫn là nền bóng đá hàng đầu châu Á, cách đây hai năm cũng chính họ đã đưa lứa Công Phượng, Tuấn Anh,... từ chỗ đang bay bổng với sự tung hô của người hâm mộ trở về mặt đất. Họ vẫn hơn chúng ta từ đẳng cấp cho đến thể hình thể lực, trong đó nổi bật một điều quan trọng, “tư duy chiến thuật”.

Các cầu thủ khóa 3 của HAGL vẫn cho thấy điểm nổi bật về kĩ thuật và khả năng xử lý bóng. Ảnh: Internet.

Thực tế qua trận giao hữu vừa rồi, các cầu thủ trẻ HAGL vẫn cho thấy họ giống những đàn anh ở khả năng làm chủ trái bóng quá truyệt vời, những lỗi sơ đẳng gần như không có. Thế nhưng họ chỉ dừng lại ở mức độ đó mà thôi, tức là cố gắng nhận bóng đúng kỹ thuật, tìm người và chuyền, miễn sao bóng không lọt vào chân đối thủ. Nói đơn giản, đó là “đá ma” trên toàn mặt sân. Điều đó dẫn đến việc các cầu thủ trẻ không triển khai được một lối chơi rõ ràng, ví như thay vì đưa quả bóng hướng đến việc tấn công, các cầu thủ lại hướng đến kiểm soát nó một cách an toàn nhất.

Nhưng chỉ hướng tới kiểm soát bóng là chưa đủ. Các cầu thủ của lò HAGL cần phải tăng cường tư duy chiến thuật. Ảnh: Internet.

Có thể giải thích vấn đề trên bằng nguyên nhân là các cầu thủ này vẫn còn trẻ, vừa mới được tập với giày đá bóng cách đây chưa lâu, và họ chưa được tập chiến thuật. Vậy nên họ chỉ biết dùng khả năng của mình để giữ bóng mà thôi. Điều đó rất có lý, tuy nhiên, nếu nhìn vào đội một của HAGL hiện tại, chúng ta sẽ nhận ra rằng, các cầu thủ lớn cũng chơi bóng một cách “ngây thơ” tương tự như vậy. Điều này càng rõ ràng hơn khi ba cầu thủ tài năng nhất của khóa 1 là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường ra nước ngoài, khiến cho đội bóng của họ trong nước thi đấu càng thêm bế tắc. Các cầu thủ vẫn giữ bóng tốt, thỉnh thoảng ngoặt bóng vặn lưng đối thủ, tạo ra tiếng “ồ” trên khán đài, nhưng chỉ như thế mà thôi, các đường tấn công đều có quá ít tính đột biến.

Hãy nhìn U16 Nhật Bản thi đấu. Họ có đủ khả năng kỹ thuật, thể lực tranh chấp để giành quyền kiểm soát bóng, nhưng họ không bị ám ảnh bởi điều này. Có những lúc họ có thể nhường đất cho đối thủ “diễn”, nhưng mỗi đường lên bóng của họ đều rất sắc bén, cầu thủ thực hiện nhanh, gọn gàng, ít chạm, không động tác thừa và đặc biệt là những người tham gia pha bóng biết chạy chỗ, chọn vị trí để có thể nhận bóng trong tư thế tấn công.

U16 Nhật Bản luôn biết cách chọn thời điểm và triển khai tấn công một cách hợp lý. Ảnh: Internet.

Mỗi triết lý bóng đá có cái hay riêng của nó, tuy nhiên, theo cá nhân người viết, CLB HAGL nên có thêm những chương trình huấn luyện chuyên sâu về tư duy chiến thuật cho các cầu thủ trẻ. Những sản phẩn của lò JMG nhìn chung là rất tốt về nền tảng kỹ thuật, và với sự đầy đủ về dinh dưỡng, tập luyện thì chắc chắn thể hình thể lực sẽ có nhiều tiến bộ trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần phải đặc biệt chú trọng đến phát triển tư duy, tránh việc cầu thủ bị ám ảnh bởi kiểm soát bóng, dẫn tới rập khuôn và máy móc trong lối chơi sau này.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

14:40 08/06/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục