Bản chất của bóng rổ là môn thể thao có tính đối kháng cao, cầu thủ có thể sử dụng bất cứ bộ phận nào trên cơ thể để tham gia vào trận đấu, để cản phá trong khuôn khổ của luật bóng rổ. Bạn nên biết người biết ta tránh bị chơi xấu, ra trận mới đảm bảo tính toàn vẹn của bản thân được.
Giả như đương lúc nhảy lên ném bóng mà đối phương không thèm nhảy lên cản phá, chỉ chực chạy ra gần mình rồi chìa cái bàn chân thần thánh ra ngay bãi đáp thì thôi là lật đau điếng luôn. Cái đó thì luật nào mà cấm được, trọng tài nào mà bắt được khi mà đã cố tình (hay vô tình), còn đa số chúng ta cho đó là xui xẻo và đành… ngậm bồ hòn làm ngọt.
Sau khi đọc bài này và ý thức được điều này thì ngay lập tức dang chân ra tiếp đất gọn gàng, an toàn tránh cái bàn chân kia trước, ném vô hay không tính sau. Chấp nhận bỏ một pha bóng còn hơn mất luôn cả trận đấu, thậm chí cả mùa giải. Quả là không đáng đúng không?
Hay như, đang đứng yên không có gì tự nhiên chạy phát là thấy vương vướng chỗ cái túi quần là hiểu rồi đó, có khi rách quần luôn chứ chả chơi. Gặp mấy anh như thế thì tốt nhất đừng manh động, giả vờ như ko biết gì “nhẹ nhàng” dùng tay gạt ra vài lần là mấy ảnh tự thấy đau mà bỏ thôi. Đâu cãi gì được.
Vậy đấy, bất cứ khi nào cơ thể bạn đang trên không thì hãy bật đèn đỏ đề cao cảnh giác bất kể là ta hay địch, lo cho bản thân trước rồi cái gì tính sau. Lúc nào cũng phải có đường lui (kiếm điểm tựa) hay tiếp đất an toàn, nhiều bạn cứ lên rổ là bay thẳng vô cột như xe tăng trong khi lúc học bao giờ ông thầy cũng chỉ phải dựng thẳng người ở bước dậm nhảy, chuyển quán tính từ phương ngang sang thẳng đứng, vừa cao vừa an toàn. Mà muốn làm được vậy hãy tập cơ bắp chân cho chắc trước đã.
Hãy cố gắng kiếm điểm tựa, bất cứ điểm tựa nào có thể để có thể đáp xuống, một cách từ từ và nhẹ nhàng, đừng manh động xoay người mà “cắm đầu” hoặc gãy tay. Hoặc nếu trường hợp cảm thấy không còn điểm tựa nào nữa bạn hãy dùng tay ôm chặt đầu (não) để cho vai tiếp đất trước rồi đến lưng (phổi) rồi đến hông (lá lách), lúc này người bạn sẽ cong lại để giảm chấn tối đa nhất, đây cũng là cách các bạn bên Judo hay áp dụng. Mục đích cuối cùng là hạn chế nhiều nhất chấn động đến vùng đầu.
Hãy nhớ tiếp! Giữ khoảng cách một cánh tay cho người phòng thủ vòng ngoài và dùng một tay vừa để thủ người một tay vừa để thủ bóng đối với người phòng thủ bên trong khu cấm địa. Đảm bảo tránh được 90% những cái “cùi chỏ” nhỏ nhắn xinh xắn nhưng uy lực vô cùng.
Vậy đó, đừng để đối phương có cơ hội chơi xấu mình là cách tốt nhất để tránh bị chơi xấu đúng theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Và cũng nên nhớ, cố tình chơi xấu người khác là hành động chả đẹp đẽ gì, trọng tài có thể không thấy nhưng hàng trăm cặp mắt khán giả bên ngoài họ thấy rõ mồn một. Thế là ngay lập tức hình ảnh bóng rổ xấu đi trong mắt người xem. Rồi để hạn chế xung đột thì trọng tài phải nhạy còi hơn, đụng cái là thổi. Riết tan nát trận đấu chả ai muốn xem.
Bài viết này không phải cổ súy các bạn học cách chơi xấu để chơi xấu, mà thông qua đó giúp các bạn hiểu hơn và biết cách phòng tránh những chiêu trò tiểu xảo trong lúc thi đấu, đừng để đến lúc chấn thương mới khôn ra.