Giản đơn hai chữ M.U

13:38 Thứ hai 09/09/2013

Chuyện có đông người hâm mộ nhất thế giới với những người yêu M.U có lẽ chỉ là một niềm tự hào theo kèm, chứ không phải lý do để thỏa mãn. Đó là đội bóng được yêu bởi rất nhiều lý do chứ không chỉ vì sự hào nhoáng của vinh quang.

Giản đơn hai chữ M.U

Thật gọn nhẹ để các Manucian gọi tên đội bóng của họ nếu muốn, một đội bóng có quá nhiều những cái tên: Manchester United, “Man U”, Quỷ đỏ, Man đỏ, Man United, và M.U. Chỉ hai chữ cái giản đơn và có phần trơ trọi, đa nghĩa khi đặt một mình, nhưng nó là tình yêu, là niềm vui, là máu thịt của hàng triệu những con người yêu bóng đá.

Có lẽ không ít người từng ít nhất một lần có sự liên tưởng, một thoáng bâng khuâng khi nhìn những cụm từ viết tắt của “Miss You” hay tên một game nổi tiếng là “M.U” được sử dụng khắp nơi, đơn giản là nó chạm vào một cảm xúc đặc biệt trong cơ thể họ. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, lĩnh vực gì, hai chữ cái M, U đi liền nhau luôn khiến các fan Quỷ dễ dàng nhớ tới câu lạc bộ mà họ yêu thích. Nó gần gũi, giản dị đến không thể hơn được, cho dù cái tên đầy đủ cũng là một thương hiệu cực kêu, thuận tai, và rực rỡ: Manchester United.

Đội chủ sân Old Trafford là đội bóng thành công nhất nước Anh trong 20 năm qua. Ảnh: Internet

“M.U đá mấy giờ?”, “M.U hôm qua thế nào?”, “Cuối tuần ra quán xem M.U đi”… những câu nói ấy đã trở thành phản xạ, thành những câu cửa miệng của người xem bóng, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi sức ảnh hưởng của đội bóng áo đỏ là cực lớn. Là fan M.U, người ta có thể tận hưởng sự thoải mái khi ngoài quán, tivi luôn chọn phát những trận M.U đá, khách ngồi xem cũng phần lớn là fan M.U. Tất nhiên, ngược lại, khi M.U thua, đó lại là sự trầm lắng, than thở của hàng chục người giữa tiếng hò reo vui mừng của một số ít người khác.

Ngày nay, các đại gia Anh khác cũng có rất nhiều fan, nhưng M.U đến sớm hơn, duy trì đẳng cấp ổn định hơn, liên tục giành những chiến tích, bởi thế lượng fan của họ vẫn tiếp tục gia tăng và luôn đông đảo nhất. Văn hóa chiến thắng, văn hóa vượt khó, văn hóa lâu bền, tất cả hội tụ vào chiếc logo được thiết kế rất đặc trưng trên nền áo đỏ, trở thành một chất keo gắn kết những cổ động viên trung thành.

Không phải nói quá, M.U là câu lạc bộ duy nhất giữ được mình trên tầm cao lâu đến thế - 20 năm, mà không phải mua bán ồ ạt mỗi mùa hè như các ông lớn thành công khác. Bình thường không mấy ai để ý tới chuyện đó, nhưng để có được sự dung hòa, giao thoa giữa “nguyên liệu” và kết quả như thế, cái tên Alex Ferguson xứng đáng là một huyền thoại.

Chiếc bóng của Sir Alex

Khi nhìn bức ảnh Sir Alex bên chiếc cup Premier League đầu tiên và so sánh với hình ảnh của ông bên chiếc cup Premier League cuối cùng trước khi thoái ẩn, ta sẽ thấy chỉ có một chi tiết duy nhất là đổi thay: màu tóc của ông. Chính tình yêu, nhiệt huyết, đam mê không thay đổi, không suy suyển của ông là hình mẫu, là kim chỉ nam dẫn dắt những trái tim cổ động viên ngày một gắn bó với M.U. Họ nhìn thấy một đội bóng đầy kiêu hãnh ngay cả khi đội hình không mạnh, một “ông già bảy chục” dù trong những lúc ê chề nhất vẫn liên tục vươn mình đến những đỉnh cao, cập nhật và biến hóa với những gì mình có.

Tượng đài và khán đài, Sir Alex có chỗ đứng và cả chỗ ngồi to lớn, duy nhất, bao trùm dấu ấn khi người ta nhìn vào Old Trafford. Rất khó để miêu tả, và miêu tả là thừa thãi, chờ đến khi một khán đài tiếp theo của Old Trafford được lấy theo tên một người, và thêm một tượng đài được dựng lên bên ngoài sân vận động, chúng ta sẽ nhìn lại và nhận ra Sir Alex vĩ đại đến thế nào. Còn hôm nay ư, ông là một huấn luyện viên già về hưu, trước đó thì hay nóng tính quát tháo trên sân và từng run tay trong trận chung kết.

Cái hay là Sir Alex già là thế, thành công là thế, nhưng ông vẫn có gì đó rất dung dị, rất con người, đến mức có lẽ những người không ưa cũng chẳng tôn trọng gì ông lắm. Nhai kẹo luôn mồm ư? nhảy nhót như đứa trẻ con trước mỗi bàn thắng ư? không giống một “ông trùm” bao quát tất cả từ chiến lược đến chuyên môn, ấy vậy nhưng ông là thế, ai đã ghét thì thấy rất bình thường, nhưng ai đã dõi theo và yêu mến thì sẽ vô cùng ngưỡng phục.

Thử hỏi đã có một nhà cầm quân nào dựng xây một đế chế hàng đầu thế giới từ một đội bóng đang trụ hạng? Có người nào sẽ có thể vô địch Premier League 13 lần trong 20 năm tiếp theo? Mặc cho những gò bó trong chuyện mua bán, M.U vẫn thường thể hiện được đẳng cấp trước những đối thủ “đắt giá” hơn rất nhiều. Sự thật là có những cầu thủ của M.U mà các đại gia sẽ chẳng bao giờ ngó ngàng tới, nhưng dưới bàn tay Sir Alex, hay bao quát hơn là với sức mạnh tập thể mà Sir Alex dựng xây, M.U vẫn luôn là một trong những câu lạc bộ ở đẳng cấp cao nhất, liên tục cạnh tranh vị trí cao nhất ở Anh, và nhiều lần tiến sâu tại Champions League.

Người M.U gọi ông đơn giản là Sir. Đó là một từ danh xưng chung, nhưng quá đủ để phân biệt Alex Ferguson với những nhà huấn luyện khác. “Sir” cũng đơn giản, dễ thuộc nằm lòng như “M.U” vậy. Những thương hiệu đọc lên ngắn gọn mà bao hàm cả một giáo phái bóng đá với hàng trăm triệu tín đồ, đúng với cái chất phổ cập, đại trà, không lấp lánh mà luôn thành công ổn định của Quỷ đỏ thành Man. Giờ đây, “Moyes” là từ tiếp theo được thêm vào từ điển, và trách nhiệm của ông là tiếp tục duy trì một M.U như thế, tiếp tục chỉ với hai chữ cái mà làm rung động những con tim yêu bóng đá khắp toàn cầu.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục