Ông Rupert Stadler, giám đốc điều hành hãng ô tô Đức Audi, vừa bị bắt giữ để điều tra do liên quan đến bê bối gian lận khí thải.
Cơ quan công tố Đức ngày 18/6 cho biết Giám đốc điều hành hãng xe Audi, công ty con của Volkswagen, ông Rupert Stadler đã bị bắt giữ do nghi ngờ dính líu đến bê bối gian lận khí thải ở Volkswagen.
Phát ngôn viên hãng Volkswagen (công ty mẹ của Audi) xác nhận ông Rupert hiện đã bị giam giữ.
Công tố viên thành phố Munich cho biết họ phải hành động bắt giữ vì lo ngại ông Stadler có thể tìm cách tiêu hủy các bằng chứng.
Theo nguồn tin từ Vnews, bê bối gian lận khí thải của tập đoàn Volkswagen đã xuất hiện từ ba năm trước khi xuất hiện thông tin những chiếc xe hơi được cài thiết bị nhằm gian lận kiểm tra khí thải.
Các thiết bị ban đầu được phát hiện trong những chiếc xe hơi của hãng VW, nhưng Audi cũng liên quan đến bê bối này.
Vào đầu tháng 5 vừa qua, Cơ quan Vận tải liên bang Đức (KBA) đã mở cuộc điều tra hành vi gian lận đối với các mẫu xe trên.
Audi thừa nhận 60.000 mẫu xe A6 và A7 chạy động cơ diesel của hãng chạy bằng diesel tại Liên minh châu Âu (EU) có vấn đề với phần mềm khí thải. Trong đó, có 33.000 xe tại Đức.
Audi đã phải triệu hồi 850.000 chiếc xe của hãng vào năm ngoái, trong đó chỉ có một số chiếc được phát hiện yêu cầu cần sửa đổi.
Công tố viên thành phố Munich cũng cho biết ông Stadler sẽ bị thẩm vấn vào hôm thứ Tư (20/6), sau khi ông này có những trao đổi với luật sư.
Bê bối gian lận khí thải ”dieselgate” của tập đoàn Volkswagen lần đầu tiên bị phơi bày vào tháng 9/2015.
Volkswagen thừa nhận gần 600,000 xe bán tại thị trường Mỹ đã cài ”những thiết bị gian lận” nhằm qua mặt các cuộc kiểm tra khí thải.
Nhà sản xuất ô tô cho biết họ đã cài phầm mềm trong 11 triệu chiếc xe hơi chạy động cơ diesel trên toàn cầu. Các phần mềm này có thể tiết lộ lượng khí thải chỉ khi những chiếc xe hơi bị kiểm tra và cắt giảm đi được lượng khí thải thực tế.
Khi xe đi trên những con đường rộng lớn và không bị kiểm tra, lượng khí thải trên thực tế sẽ cao hơn gấp 40 lần so với điều kiện trong phòng thí nghiệm. KBA đã yêu cầu gỡ bỏ các thiết bị bất hợp pháp và sửa chữa số xe sử dụng những thiết bị này theo đúng quy định.
Vụ bê bối đã khiến Volkswagen tốn 25 tỷ USD tiền phạt, bồi thường và mua lại sản phẩm, chủ yếu là ở Mỹ.