Giấc mơ Paris Saint-Germain

19:17 Chủ nhật 02/06/2013

Hệt như một sự sắp đặt của số phận, PSG hành quân đến Lyon, đánh bại cựu hoàng của bóng đá Pháp để chính thức giành chức vô địch Ligue 1 thứ ba trong lịch sử còn non trẻ của họ. Sân Gerland đêm 12/5 đánh dấu một thời khắc chuyển giao trọng đại của bóng đá Pháp, khi quyền lực của Lyon, đội bóng thống trị trong thập niên đầu tiên thế kỷ 21 nhờ tiền của trùm tư bản Jean-Michel Aulas, rơi vào tay PSG của những người Qatar.

PSG, trong niềm vui chiến thắng - ảnh Getty

Sau bảy mùa giải liên tiếp vô địch Ligue 1 của Lyon, Bordeaux, Marseille, Lille và Montpellier đã lần lượt giành đĩa bạc Hexagoal, nhưng không một ai trong số ấy đủ năng lực bảo vệ danh hiệu và xây dựng quyền lực của mình. Bóng đá Pháp đã không có vua suốt bốn năm qua, cho tới khi PSG xuất hiện và hội tụ đầy đủ mọi điều kiện cho sự thống trị: tiền bạc, một dàn siêu sao, một sân bóng có lượng khán giả trung bình 40.000 mỗi trận, một khát vọng không có điểm dừng… Với ngân sách 300 triệu euro mỗi năm, tham vọng của những ông chủ Qatar là Champions League nhưng vô địch Ligue 1 vẫn là bước đệm quan trọng trong sự trưởng thành của gã khổng lồ thành Paris.

19 năm chờ đợi

Tháng 5/1994, người Paris ăn mừng chức vô địch Pháp lần thứ hai trong lịch sử. Túi tiền của ông trùm truyền hình Canal+ đã giúp PSG đưa về dàn ngôi sao George Weah, Valdo, Bernard Lama, David Ginola, Rai, Vincent Guerin… và giúp họ đánh bại Marseille để lần thứ hai giành đĩa bạc. Hai năm sau, Les Parisiens tiếp tục vô địch Cúp C2 để trở thành một trong hai câu lạc bộ Pháp từng giành cúp châu Âu.

Sự ra đời của luật Bosman năm 1995 đã khiến đời sống bóng đá châu Âu biến động dữ dội, Ligue 1 là một trong những giải đấu bị ảnh hưởng lớn nhất khi các ngôi sao lũ lượt ra đi. PSG cũng không tránh khỏi dòng chảy ấy. Trong 19 năm qua, Les Parisiens không một lần vô địch quốc gia, những gì họ giành được chỉ là năm Cúp quốc gia và ba Cúp liên đoàn. Sau khi Canal+ sang tên cho Colony Capital, đội bóng thủ đô thậm chí còn đối mặt với nguy cơ rớt hạng. Đối nghịch với sự trầm lắng trên sân cỏ là những xung đột trên khán đài, những va chạm đổ máu dẫn tới cái chết của hai cổ động viên.

Sự chuyển giao quyền sở hữu cho Qatar Sports Investments (QSI) hai năm trước đã mở ra những hy vọng mới cho cổ động viên PSG. Từ tư thế một đội bóng chiến đấu giành vé trụ hạng, đội chủ sân Parc des Princes bỗng trở thành một thế lực mới không chỉ giới hạn trong khuôn khổ bóng đá Pháp. Người Qatar muốn xây dựng đội bóng theo cách của Manchester City. Nếu như Sheikh Mansour trong 5 năm qua đã rót 580 triệu euro vào Man City thì QSI thậm chí còn mạnh dạn hơn với ngân sách 300 triệu euro trong hai năm đầu.

Phản ứng của các đổ động viên cho thấy người Qatar được ủng hộ, sân Các hoàng tử luôn không còn chỗ trống mỗi khi PSG thi đấu và thay thế Velodrome trở thành sân bóng sôi động nhất nước Pháp. Tarik Lizati, một cổ động viên trung thành của PSG suốt 10 năm qua, hét to trong màn ăn mừng trên đại lộ Champs-Elysées: “Nếu ba năm trước ai đó nói với tôi rằng đội bóng sẽ có (Zlatan) Ibrahimovic và (David) Beckham, tôi sẽ không bao giờ tin. Tôi không thể tin là PSG đã vô địch sau gần 20 năm và trở thành một đội bóng hùng mạnh của châu lục”.

Bước đi nào tiếp theo

Vô địch Ligue 1 sớm hai vòng, vào tới tứ kết Champions League và chỉ bị loại sau hai trận hòa với Barcelona, đó có thể xem là một kết thúc thành công cho mùa giải của PSG. Nhưng tham vọng của những ông chủ Qatar, những người đã chi tới 250 triệu euro cho chuyển nhượng trong hai năm qua, không dừng lại ở đó. Các cổ động viên cũng chưa hài lòng. Laurent Cargnelutti, một người hâm mộ trung thành tự đặt ra nhiệm vụ cho đội bóng của mình: “Mùa giải tới, chúng tôi phải vào bán kết Champions League và giành cú đúp”.

Michel Kollar, tác giả cuốn từ điển về PSG, tỏ ra bất bình với cách những ngôi sao ngoại quốc xem thường hai chiếc cúp quốc nội, đặc biệt là thất bại bạc nhược trong trận tứ kết Cúp quốc gia gặp Evian. Tại Cúp liên đoàn, đội bóng của huấn luyện viên Carlo Ancelotti cũng sớm dừng bước từ tứ kết sau khi để thua St-Etienne trong loạt sút luân lưu. “Một số cầu thủ như Marco Verratti không hiểu về văn hóa của câu lạc bộ. Ở Anh, Cúp quốc gia (FA Cup) luôn được ưu tiên”, Kollar than thở. Nhưng đừng mong PSG thay đổi thái độ với mặt trận cúp bởi mục tiêu của Les Parisiens lớn lao hơn thế. Nói như giám đốc điều hành Jean-Claude Blanc thì tham vọng của người Qatar là biến PSG trở thành một thương hiệu thể thao toàn cầu như Manchester United, Los Angeles Lakers hay New York Yankees.

“Ibrahimovic cộng Thiago Silva cộng Beckham, công thức ấy đã giúp quảng bá hình ảnh của đội bóng ra phạm vi thế giới”, Blanc hỉ hả. Cũng vì tham vọng ấy mà tháng 2 vừa qua, đội bóng Paris đã quyết định thay đổi lo-go. Hình ảnh cái nôi của vua Louis XIV (sinh ra tại Saint-Germain-en-Laye, gần đại bản doanh câu lạc bộ) đã biến mất, một dấu hiệu cho thấy những giá trị truyền thống không có ý nghĩa nhiều đối với người Qatar. Năm thành lập (1970) cũng không còn hiện diện trên lo-go nữa bởi các ông chủ đội bóng không muốn cả thế giới biết đến lịch sử ngắn ngủi của mình.

PSG đã lột xác nhờ tiền đầu tư của những ông chủ mới. Lượng khán giả trung bình 29.000/trận năm 2010 đã được nâng lên 43.000/trận trong mùa giải này bất chấp giá vé tăng cao. Đó là dấu ấn không thể chối bỏ mà người Qatar đã làm được. Nhưng sự đổi thay ấy cũng đem đến nỗi buồn cho những cổ động viên gạo cội, chẳng hạn như Jeremy Laroche, người tin rằng có đến một nửa số khán giả ở Parc des Princes chỉ là những “fan phong trào” đến sân vì hiếu kỳ hơn là vì hâm mộ đội bóng. “Bầu không khí ở mùa giải 2007-08, khi chúng tôi chiến đấu để trụ hạng còn cuồng nhiệt hơn là ở những trận đấu ở Champions League mùa này”, Laroche thở dài. Còn theo lời nhà báo Michel Kollar, Parc des Princes hiện nay giống với một khu vui chơi giải trí với chuỗi nhà hàng, rạp chiếu phim… hơn là một sân bóng.

Nhưng cuộc cách mạng của PSG vẫn sẽ tiếp tục bất chấp sự hoài cổ của một bộ phận người hâm mộ. Vì ước mơ, khát vọng và tham vọng làm giàu bằng bóng đá của những người Qatar, PSG vẫn sẽ phải hi sinh những giá trị truyền thống vốn có của mình.

Những cột mốc của Paris Saint-Germain

1970. Paris Saint-Germain ra đời.

1974. Lần đầu tiên tham dự Ligue 1.

1986. Lần đầu tiên vô địch Pháp.

1991. Canal+ trở thành cổ đông chính.

1994. Vô địch Ligue 1 lần hai.

1996. Vô địch Cúp C2 châu Âu.

2006. Colony Capital mua lại PSG.

2011. Chuyển giao cho chủ sở hữu mới Qatar Sports Investments (QSI).

2013. Lần thứ ba vô địch Ligue 1.
Nguyễn Đỉnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục