“Gặt lúa non” liệu có “bội thu”?

00:32 Thứ tư 17/12/2014

(TinTheThao.com.vn) - Câu hỏi này xem ra thật ngớ ngẩn nếu đem áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, đó là viễn cảnh có thể xảy ra trong nay mai đối với nền bóng đá nước nhà khi các cầu thủ U19 sẽ trở thành hạt nhân trong đội hình U22 và U23 quốc gia.

Không thể phủ nhận các cầu thủ U19 quốc gia mà nòng cốt là các học viên trưởng thành từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG đã để lại nhiều ấn tượng vô cùng tốt đẹp trong lòng người hâm mộ. Lối chơi đẹp mắt, ngẫu hứng và đầy hiệu quả của U19 đã thổi một làn gió tươi mát vào “cánh đồng khô hạn” của bóng đá nước nhà sau những tiêu cực cả trong và ngoài sân cỏ. Những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường… nổi lên như những niềm hy vọng vàng của bóng đá Việt Nam trong tương lai.

Chỉ trong vòng gần hai năm ngắn ngủi, U19 đã tạo thành một hiệu ứng có sức thu hút mạnh mẽ đối với những nhà chuyên môn, giới truyền thông cũng như dư luận trong cả nước. Nhiều người còn cho rằng U19 đã trở thành “đại sứ văn hóa” cho Việt Nam. Những ngày U19 thi đấu thực sự là những ngày hội, khán giả đến sân cổ vũ còn tưng bừng hơn cả đội tuyển quốc gia. Đó thực sự là một tình huống có lẽ hiếm gặp ở các nền bóng đá khác trong khu vực và trên thế giới.

Thế rồi mới đây, sau thất bại ở AFF Suzuki Cup 2014, một làn sóng dư luận đề nghị Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cần ưu tiên sử dụng các cầu thủ từ đội hình U19 quốc gia cho các đội tuyển ở cấp độ cao hơn. Cầu được ước thấy. Hôm qua, VFF đã có buổi làm việc với huấn luyện viên Toshiya Miura để bàn về kế hoạch cho các đội tuyển quốc gia năm 2015. Theo đó, hai bên đã thống nhất phương án ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ để xây dựng đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu trong năm 2015; đặc biệt là đội tuyển U22 tham dự vòng loại U23 châu Á vào tháng 3/2015 (tại giải này Việt Nam ở bảng I cùng các đối thủ U23 Nhật Bản, U23 Malaysia, U23 Macau – Trung Quốc) và đội tuyển U23 tham dự SEA Games 28 vào tháng 6/2015 tại Singapore.

Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi như thế chúng ta sẽ tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu các trận đấu quốc tế chính thức để tích luỹ kinh nghiệm; đồng thời tạo tiền đề để xây dựng một bộ khung cho đội tuyển quốc gia có tính ổn định lâu dài. Thế nhưng, việc “gặt lúa non” như thế có trái với quy luật phát triển tự nhiên của các cầu thủ trẻ? Đành rằng lãnh đạo VFF và huấn luyện viên Miura xác định không đặt nặng vấn đề thành tích trước mắt mà tập trung xây dựng một đội tuyển ổn định, có khả năng cạnh tranh thành tích trong một số năm.

Thế nhưng, việc cọ xát và tích lũy kinh nghiệm phải được tiến hành từng bước một theo từng cấp độ khác nhau. Việc thay đổi có tính chất nhảy vọt ấy có thể khiến các cầu thủ trẻ chịu nhiều sức ép và không thể thi đấu với phong độ cũng như khả năng cao nhất. Đây là điều đã từng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Đơn cử như nước Anh, quê hương khai sinh ra môn bóng đá, việc tung hô và sử dụng các cầu thủ trẻ từ quá sớm khiến các “thần đồng” của nền bóng đá nước này không thể phát triển theo đúng kỳ vọng cũng như tiềm năng vốn có.

Cuối cùng, nhiều tài năng trẻ đã “lụi tàn” do không đủ bản lĩnh, kinh nghiệm để vượt qua sức ép. Một ví dụ khác cũng rất đáng để chúng ta nghiền ngẫm. Xét về khả năng phát triển các cầu thủ trẻ, lò đào tạo La Masia của Barcelona luôn là cái nôi sản sinh ra rất nhiều siêu sao thế giới. Thế nhưng, trước khi đi vào đội hình 1, các tài năng ấy đều được thử nghiệm một cách tuần tự. Chưa hết, khi vào đội hình 1, họ cũng được sử dụng vừa phải và được các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ. Messi trước khi nổi danh như hiện nay cũng đi theo con đường như thế và khi lên đội hình 1 của Barca, anh có một hình mẫu để học tập và noi theo là Ronaldinho.

Đó là những ví dụ điển hình mà chúng ta nên tham khảo trước khi sử dụng lứa cầu thủ mà chúng ta đã tốn rất nhiều tâm huyết để đào tạo và đặt kỳ vọng rất lớn về một sự “lột xác” của bóng đá nước nhà trong tương lai.

(Bạn đọc Trần Hải Đoàn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục