Dwyane Wade và cuộc cách mạng chiếm lĩnh Trung Quốc của các sao trẻ NBA

10:53 Thứ tư 14/03/2018

TinTheThao.com.vnDwyane Wade chính là cầu thủ đã đặt những viên gạch quan trọng để xây dựng con đường đưa những sao trẻ NBA đến chinh phục Trung Quốc như ngày hôm nay.

Còn nhớ lần đầu đứng hàng nghìn người tại Bắc Kinh đặt bút ký bản hợp đồng làm đại diện cho một trong những hãng đồ thể thao lớn nhất Trung Quốc, Dwyane Wade chỉ có thể nghỉ đến duy nhất một điều: "Ồ, nơi này lớn quá".

 Dwyane Wade và đôi Li-Ning Way of Wade.

Vào năm 2012, sau khi có được chức vô địch NBA thứ 2, cầu thủ MVP này đã quyết định chấm dứt hợp đồng với thương hiệu Jordan và tìm đến một công ty cách quê nhà Miami hơn 12.800 km.

Olympic mùa hè năm 2008, Wade đã có dịp được gặp gỡ Li Ning, chủ sở hữu thương hiệu thể thao cùng tên, khi ông thực hiện nghi thức thắp lửa cho ngọn đuốc Olympic. Và giờ đây, Wade đã sẵn sàng để ký bản hợp đồng quảng cáo 10 năm vô cùng quan trọng trong sự nghiệp với thương hiệu này.

"Bạn cho rằng mình hiểu rõ tầm nhìn của bản thân, hiểu rõ đang ký vào thứ gì. Thế nhưng khi nhìn xung quanh, mọi thứ vẫn khiến cho bạn có cảm giác như đây sẽ là một điều gì đó đặc biệt hơn mình nghĩ", Wade chia sẻ về thời điểm ký hợp đồng.

 Wade luôn biết rằng, việc này mang ý nghĩa to lớn hơn những gì anh từng nghĩ đến.

Thật ra, Wade không phải người đầu tiên quyết định bắt tay với Trung Quốc. Shaquille O'Neal và Kevin Garnett thật ra đã ký với đất nước đông dân này nhiều năm trước. Tuy nhiên, họ đều là big man. Phải biết rằng ở thời điểm này, big man vẫn chưa có được chỗ đứng trong cuộc chiến về sneakers ở Mỹ. Trong khi đó, người khổng lồ Yao Ming đã trở thành một trong những biểu tượng thể thao của Trung Quốc.

Thị trường NBA lúc này vẫn chịu ảnh hưởng khá nhiều từ hiệu ứng ngôi sao của những vị trí hậu vệ ghi điểm. Chính vì thế mà các thương hiệu lớn ở Mỹ như Nike, Adidas, Under Armour vẫn ưu tiên hơn cho các hậu vệ.

Wade chính là hậu vệ đầu tiên tuy đang ở phong độ đỉnh cao vẫn quyết định bỏ qua những lời chào mời hấp dẫn từ các ông lớn nội địa để tiến ra thế giới, đến với Trung Quốc. Trước đây chưa hề có tiền lệ.

 Thời điểm ấy, không ai tin rằng Wade lại bỏ qua những lời chào mời béo bở của các ông lớn trong nước.

Hậu vệ ngôi sao của Miami Heat đã là gương mặt đại diện cho thương hiệu Jordan trong nhiều năm. Michael Jordan là thần tượng của Wade. Thế nhưng Li Ning đã đề xuất cho anh bản hợp đồng 10 năm, 8 triệu USD mỗi năm kèm theo những điều khoản có lợi và tất nhiên là phần trăm doanh thu bán giày. 

Cuối cùng, Dwayne Wade đã quyết tâm sẽ đưa hình ảnh của mình đến thị trường đầy tiềm năng với 300 triệu người chơi bóng rổ. "Số cầu thủ chơi bóng ở Trung Quốc còn nhiều hơn dân số nước Mỹ", Wade hài hước.

Nước đi này của Wade đã tạo nên một làn sóng trong ngành công nghiệp sneakers trên toàn thế giới. Nó cho các ngôi sao trẻ tại NBA thêm lựa chọn cho những bản hợp đồng quảng cáo và định vị thương hiệu cho bản thân.

Hiện nay đã có hàng tá cầu thủ NBA ký hợp đồng với các thương hiệu thể thao Trung Quốc như Anta, Li Ning, Peak. Và đa phần trong đó đều là các hậu vệ. Đây rõ ràng là một cuộc cách mạng bên ngoài sân bóng của các cầu thủ trong thập kỷ qua.

 Rajon Rondo nối gót Wade mở rộng thị trường.

Chỉ một năm sau khi Wade chuyển thị trường sang Trung Quốc, Rajon Rondo đã ký hợp đồng 6 năm với Anta, đi theo người đồng đội của mình là Kevin Garnett.

Khi xạ thủ của Golden State Warriors, Klay Thompson nhận được đề nghị hợp tác của Anta, người đầu tiên anh được gợi ý đến để xin tư vấn chính là Rajon Rondo. "Đợi đến khi cậu tới đó mới thấy được họ nồng nhiệt đến mức nào", Rondo ủng hộ Klay.

Được biết, vào năm 2014, sau khi bản hợp đồng với Nike của Klay hết hạn, rất nhiều thương hiệu khác nhau đã ngỏ ý muốn hợp tác với anh. Trong số đó, Anta nhanh chóng gây ấn tượng với Klay bởi đề xuất hợp đồng 2 triệu USD mỗi năm, sản xuất giày riêng cho Klay và cả phần trăm doanh thu bán giày.

"Tôi biết với những hãng giày khác ở Mỹ, là Nike hay Adidas thì cũng rất khó để tôi có được đôi giày riêng cho mình. Với Anta, tôi có thể đưa sự sáng tạo của mình vào chính đôi giày dành riêng cho bản thân. Tôi sẽ là một Michael Jordan của Anta", Klay Thompson chia sẻ.

 Anta nhanh chóng gây ấn tượng với Klay bởi đề xuất hợp đồng 2 triệu USD mỗi năm.

Trong 4 năm đầu "ăn nằm" với Nike, Klay Thompson chỉ thường ra sân với các dòng Hyperdunk phối màu Warriors. Trong khi đó, Anta ngay từ năm đầu đã kết hợp chặt chẽ với Klay trong các khâu vận hành thương hiệu và đặc biệt là tạo ra đôi Anta Klay Thompson.

"Chúng tôi đã từng đề nghị Klay tự tay xây dựng ý tưởng cho một đôi giày từ đầu tới cuối để anh ta có thể hiểu rõ các công đoạn tạo ra một đôi giày. Qua đó, Klay sẽ nhìn nhận rõ hơn những điểm nhấn, yếu tố chất lượng và công nghệ bổ trợ mà anh ta cần", Ben Tsai, giám đốc Anta mảng giày dép chia sẻ.

Sau khi ra mắt 2 đôi "KT" đầu tiên, Klay Thompson đã khiến người hâm mộ nức lòng với phong độ All-Star của mình. Lập tức, Anta tiếp tục thể hiện sự dứt khoát của mình khi nhanh chóng đề xuất với Klay bỏ bản hợp đồng cũ để ký kết một thỏa thuận mới lâu dài hơn, thời hạn đến tận năm 2026.

"Ý nghĩ rằng mình sẽ trở nên nổi tiếng ở một đất nước như Trung Quốc thật sự rất tuyệt vời. Bạn biết đấy, đôi khi thị trường giày ở Mỹ đã bão hòa. Vậy tại sao chúng ta không tiến ra toàn cầu?", Klay Thompson thể hiện quan điểm của mình.

Anta hiện đang có hơn 8.000 cửa hàng và hứa hẹn sẽ bán ra được hàng triệu đôi giày KT ở thị trường châu Á. Bên cạnh đó, Anta cũng có những sản phẩm khác mang thương hiệu KT đang nhận được sự quan tâm của fan bóng rổ.

 Klay Thompson đã vô cùng nổi tiếng ở Trung Quốc.

Sau Wade, rồi đến Klay Thompson, rõ ràng những bản hợp đồng triệu USD này đang cho thấy tương lai của các cầu thủ trẻ ở NBA. Các thương hiệu lớn của Mỹ như Nike, Adidas, Under Armour đều tập trung vào các ứng cử viên MVP như LeBron James, Kevin Durant, Stephen Curry, James Harden... Chính vì vậy mà không ít ngôi sao NBA đang muốn tiến về Trung Quốc.

Cho dù không phải là MVP, bạn vẫn được đối xử không khác gì MVP, đó chính là cách những nhãn hàng Trung Quốc hấp dẫn các cầu thủ NBA. Klay Thompson đã tận hưởng điều đó trong chuyến thăm Trung Quốc 7 ngày - 5 thành phố vào mùa hè vừa qua.

Cho dù là đấu trình diễn ở sân ngoài trời tại Trường Sa cùng các cầu thủ địa phương hay gặp mặt giao lưu các fan tại trung tâm thương xá ở Trịnh Châu, Klay Thompson đều bị choáng ngợp bởi cách mà mọi người ở đây chào đón anh.

 Klay luôn được mọi người ở Trung Quốc chào đón.

Giống như Klay, Dwyane Wade cũng luôn nhận được sự tiếp đón nhiệt tình của người hâm mộ tại Trung Quốc. Với Li-Ning, anh thậm chí còn đạt được thỏa thuận tùy ý sử dụng logo thương hiệu "Way of Wade" của mình. Đơn cử như hầm rượu vang mang thương hiệu Wade.

Ngôi sao NBA gia nhập thị trường Trung Quốc gần đây nhất chính là CJ McCollum với bản hợp đồng 5 năm cùng Li-Ning. Bên cạnh đó, trước khi ký với Nike vừa qua, Giannis Antetokounmpo cũng đã được Li-Ning tiếp cận với bản hợp đồng 10 triệu USD mỗi năm. 

Rõ ràng, cũng với việc lấn sân sang thị trường Trung Quốc, các ông lớn của đất nước đông dân này cũng đã chủ động lôi kéo các cầu thủ NBA ở mọi đẳng cấp. Và chắc chắn, người đầu tiên đã mở đường cho cuộc cách mạng này chính là Dwyane Wade.

 Liệu ngôi sao NBA nào sẽ tiếp tục đi theo Wade và Klay để chiếm lĩnh thị trường châu Á.

"Tôi đã nói với vợ rằng tôi rất giỏi kinh doanh mà. Thương hiệu Wade đã lớn lên rất nhiều và đã trở thành một phần trong thị trường thể thao Trung Quốc. Việc tiến ra toàn cầu đã giúp tôi mở rộng tầm mắt hơn rất nhiều", Wade chia sẻ.

Tuyết Kỳ - Trích nguồn: Bongro24h.vn | 07:00 14/03/2018
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục