Những ngày qua báo chí nói rất nhiều về quyền chủ tịch CLB bóng đá TP Hồ Chí Minh – Lê Công Vinh – khi anh liên tục có những phát ngôn hay việc làm trên cương vị mới của mình. Có khen có chê nhưng ai cũng thừa nhận rằng việc làm của vị lãnh đạo trẻ này đang tạo làn gió mới cho nền bóng đá Việt Nam. Nhưng về lâu về dài, đường lối và tâm huyết của anh có thành công hay không chưa thể có câu trả lời bây giờ.
Từng có hơn 10 năm gắn liền quần đùi áo số và đã được chơi bóng tại những nền bóng đá phát triển như Bồ Đào Nha hay Nhật Bản, không khó hiểu vì sao Lê Công Vinh đang hành xử và quản lý đội bóng theo triết lý …khác lạ với nền bóng đá Việt Nam. Từ việc sửa phòng thay đồ, tiếp theo là cải tạo những …nhà vệ sinh tại SVĐ hay gần đây là thưởng 200 triệu cho CLB dù thua trận cho thấy “bầu Vinh” đang nhắm vào yếu tố tinh thần trước hơn là khía cạnh chuyên môn.
Nhưng dù là sửa phòng thay đồ, xây thêm nhà vệ sinh hay thưởng cho cầu thủ thì đều cần phải có tiền. Với 60 tỷ nhận được từ nhà tài trợ trước khi mùa bóng khởi tranh, không khó để cựu ngôi sao bóng đá Việt Nam mạnh tay và dứt khoát như vậy. Người khen thì cho rằng Lê Công Vinh hiểu nỗi khổ cầu thủ, tôn trọng từng giọt mồ hôi của họ nên có sự khích lệ cần thiết. Hơn nữa, dù sao CLB TP Hồ Chí Minh vẫn là đội bóng mới mẻ nên cần lắm sự chăm lo.
Bên cạnh đó, việc quan tâm đến chi tiết nhỏ như nhà vệ sinh cho thấy tầm nhìn xa của Lê Công Vinh nhằm kéo khán giả đến sân nhiều hơn. Bởi theo nhiều ý kiến rằng CĐV không phải không muốn đến sân nhưng suốt hơn 1 tiếng tại SVĐ thì người ta cũng cần “giải quyết nỗi buồn” nhưng nhìn chung các SVĐ tại Việt Nam khá “vô tâm” về việc tế nhị này. Điều này trái với Châu Âu như tại Old Trafford với sức chứa 90.000 chỗ ngồi và cũng có hơn 2.000 nhà vệ sinh. Tỷ lệ 1/45 dù sao vẫn quá tốt so với 1/1000 (thậm chí hơn) tại các SVĐ của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có không ít cái bĩu môi cho rằng Lê Công Vinh đang dùng tiền để đánh bóng thương hiệu mình trên cương vị mới. Điều này thiết nghĩ cũng chẳng sai hoàn toàn bởi vị quan mới nào không muốn đặt dấn ấn của mình trong giai đoạn cầm quyền kia chứ, nhất là những việc mà trước giờ chưa ai làm. Thế nhưng điều gì cũng có hai mặt của nó.
Việc Lê Công Vinh cho sửa phòng thay đồ và dự kiến xây thêm nhà vệ sinh tại SVĐ, về cơ bản đó là điều nên làm. Như đã nói, đó là thể hiện sự quan tâm đến cầu thủ và CĐV - những người đóng vai trò sống còn với đội bóng. Nhưng thưởng tiền cho đội bóng, ngay cả khi đội thua trận thì cần phải xem lại. Sau hai trận đã đấu, đội bóng của Lê Công Vinh chưa thắng nhưng các cầu thủ vẫn được thưởng 500 triệu (hòa 300, thua 200).
Có lẽ những nhà tài trợ cũng không muốn thấy những đồng tiền mình bỏ ra được “xài sang” như vậy. Hơn nữa, nếu là một nhà quản lý giỏi thì phải biết dùng tiền cho đúng cách hơn là chỉ thưởng mà thôi. Việc xây dựng trung tâm đào tạo trẻ ở các lứa tuổi nhằm duy trì lực lượng cho đội 1 cũng không phải là việc tốn ít tiền. Hàng trăm thứ cần phải có tiền. Khi ấy 60 tỷ tài trợ ấy có lẽ chưa đảm bảo được gì cả. Còn với cầu thủ, có phải việc thưởng như vậy là kích thích tinh thần chiến đấu của cầu thủ hay trái lại khiến họ có tâm lý ỷ lại rằng thắng thua gì cũng có tiền, lâu dần tạo thành thói quen là chỉ đá vì tiền mà thôi.
Và khi ra tay hào phóng như vậy, Lê Công Vinh cũng nên nghĩ tới câu “con gà ghét nhau tiếng gáy”. Khi vấn đề tài chính còn là điều nhức nhói ở các CLB thì “xài sang” quá cũng dễ khiến người ta ghét, dẫn đến cô lập. Ở một nền bóng đá mà việc bỏ giải vì thiếu tiền, bán độ vì thiếu tiền còn nhiều thì anh cũng nên biết “tích cốc phòng cơ” là điều cần thiết.
Trên cương vị mới, không thừa nhận Lê Công Vinh có nhiều tâm huyết nhưng có lẽ ngay lúc này anh cũng nên “nén lại” sự hưng phấn của mình. Cẩn thận không bao giờ thừa, nhất là với việc tiêu tiền.