Hàng ngàn bản tin đã được công bố, hàng ngàn hình ảnh đã được chụp và một lần nữa hàng trăm nhà báo đã đến để ghi nhận kỷ lục của VĐV điền kinh Nam Phi Oscar Pistorius tại Paralympic London 2012. Pistorius - người sử dụng chân giả đã trở thành biểu tượng thể thao vô tiền khoáng hậu. Anh đã xóa mờ lằn ranh giữa Olympic và Paralympic. Một cách lịch thiệp, anh đã trả lời các câu hỏi của giới truyền thông đang tập trung ở London: “Tâm điểm không phải là sự khuyết tật của VĐV hay sự hỗ trợ của kỹ thuật mà là sự khéo léo và sức mạnh ý chí của họ”.
Xe lăn trị giá hơn 130 triệu đồng Marc Schuh - VĐV đua xe lăn 23 tuổi nổi tiếng của Đức - thừa nhận sự phát triển của công nghệ sản xuất các thiết bị, bộ phận giả dành cho con người đã có những bước tiến kỳ diệu. Nhờ đó thành tích của các VĐV khuyết tật đã được nâng lên rõ rệt. Marc cho biết chiếc xe lăn mà anh đang sử dụng để thi đấu có giá tới 5.000 euro (hơn 130 triệu đồng) và có chất lượng vượt trội so với những chiếc xe lăn đua cách đây vài năm. |
Khởi đầu, Paralympic ra đời như là một nỗ lực để giúp những người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, nhưng hiện nay đó là một sân chơi chuyên nghiệp với 4.200 VĐV từ 166 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cũng như Olympic, tất cả câu chuyện về Paralympic ngày nay cũng chỉ là việc phá kỷ lục, móc nối tài trợ, cuộc đua về truyền thông và công nghệ.
Các nhà khoa học phát triển những thiết bị hỗ trợ như xe lăn hoặc các bộ phận giả của cơ thể để cuộc sống thường nhật của người khuyết tật ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, cũng với các công cụ hỗ trợ đó đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới thể thao người khuyết tật hôm nay. Nhiều người cho rằng sự tiến bộ trong công nghệ đã tạo cho các VĐV khuyết tật một sự thuận lợi quá mức so với các VĐV bình thường. Họ gọi đó là “doping công nghệ” và Oscar Pistorius là một trường hợp điển hình nhất.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng với sự giúp đỡ của khoa học công nghệ, có thể đến một ngày nào đó Usain Bolt cũng không thể cạnh tranh nổi với Oscar Pistorius trong cuộc đua 100m! Tuy nhiên, không phải ai cũng chống “doping công nghệ”. Ruediger Herzog, chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất các bộ phận cơ thể giả, phản bác lại những người công kích Pistorius: “Thật là những lập luận vô lý và phi thể thao, họ quên một điều là tất cả những VĐV khuyết tật cũng phải tập luyện bài bản và công phu”.
Herzog làm việc cho Otto Bock, một công ty hàng đầu thế giới về các bộ phận giả của con người. Từ năm 1988, Otto Bock đã hỗ trợ cho Paralympic. Và tại Paralympic London 2012, 80 kỹ thuật viên của họ đã làm việc với xấp xỉ 10.000 giờ để sửa chữa các thiết bị cho VĐV khuyết tật. Nhiều xe lăn, vợt hỏng cũng như các khớp nối khiếm khuyết giữa chân giả và đầu gối được thay thế và sửa chữa miễn phí. “Chúng tôi muốn giúp đỡ để hoàn thiện chất lượng cuộc sống của các VĐV khuyết tật” - Herzog nói.
Suy cho cùng, “doping công nghệ” đâu chỉ dành cho VĐV khuyết tật. Ngay với VĐV bình thường ở các môn quần vợt, bóng bàn chẳng hạn, họ cũng đã sử dụng những chiếc vợt công nghệ cao giúp lực đánh bóng mạnh hơn, xoáy hơn chứ đâu có ai xài những cây vợt gỗ nặng nề, cũ kỹ như ngày xưa!