Việc chế tạo xe đua và chế tác đồng hồ của Richard Mille đều hướng tới chinh phục những đỉnh cao về hiệu suất, độ nhẹ và các loại vật liệu đặc biệt. Điều đó khiến các tên tuổi kỳ cựu trong làng đua xe như Felipe Massa, Romain Grosjean, Jean Todt và Sebastien Loeb lựa chọn đồng hồ Richard Mille và mang chúng vào trong những đường đua khốc liệt.
Richard Mille là hãng đồng hồ tiên phong trong việc phát triển tính năng G-sensor trên đồng hồ đeo tay. Khi một chiếc F1 tăng tốc sau khúc cua để đạt tới vận tốc khoảng 200 dặm/giờ trong khoảng 3 giây, tay đua phải chịu một lực khoảng 5Gs.
Đầu và tay của người đua bị một lực nặng gấp 5 lần trọng lượng tác động lên. Chức năng G-sensor giúp các tay đua có thể xác định được các lực tác động lên cổ tay mình, nhờ vào đó có thể điều chỉnh các cử động của cổ tay hoặc mức độ bẻ lái cho phù hợp ở vòng cua tiếp theo.
G-sensor của Richard Mille hiện nay đo được lực lớn đến mức 6G, lớn hơn cấp độ lực mà các tay đua thường phải chịu (5Gs). 6G cũng là mức lực mạnh nhất mà con người có thể tồn tại được. Tức là trong môi trường khắc nghiệt như đua xe với các lực tác động lớn như vậy, chiếc RM 50-01 vẫn có thể đồng hành cùng chủ nhân.
Chiếc đồng hồ đầu tiên được Richard Mille đưa chức năng G-Sensor vào là RM036 Tourbillon G-sensor dành cho Jean Todt. Ở những bước phát triển ban đầu, G-sensor chủ yếu cảnh báo an toàn cho người đeo ở các cú ngoặt tay lái quá gấp hay tạo ra lực quá lớn.
Năm 2014, chiếc RM36-01 dành cho tay đua Sebastien Loeb tập trung vào các cuộc đua địa hình, nơi mà tay đua phải thực hiện nhiều cú nhảy vọt, ngoặt lái gấp gáp và cua rộng. Đến nay, RM 50-01 được coi là bộ G-sensor đầu tiên và duy nhất phát triển riêng cho đường đua F1.
Với tiêu chí sáng tạo ra những “cỗ siêu xe trên cổ tay" và hướng đến cuộc cách mạng trong giới đồng hồ xa xỉ, rất có thể sau này G-sensor sẽ được giới sưu tầm đồng hồ thời đại mới trân trọng tương đương với các tính năng phức tạp khác của ngành chế tác.
Cỗ G-sensor trên RM 036, RM 36-01 và RM 50-01 không phải là tính năng sản xuất hàng loạt mà được cấu thành từ 500 linh kiện và điều chỉnh riêng tùy mức độ sử dụng khác nhau. Hiện G-sensor mới chỉ được Richard Mille áp dụng vào các mẫu giới hạn, phức tạp ở cấp độ Tourbillon trở lên và giá khởi điểm từ khoảng 700.000 USD tới hơn 1 triệu USD.
NTPT là chất liệu yêu thích và đặc trưng của Richard Mille, một loại hợp chất polymer carbon siêu bền, siêu nhẹ quen thuộc trong công nghệ chế tạo thuyền đua, xe đua Công thức 1 và thân tàu vũ trụ.
Với công nghệ này, mỗi chiếc đồng hồ đều trở nên đặc biệt bởi những lớp vân đặc trưng trên vỏ đồng hồ là kết quả của hơn 500 lớp NTPT chồng lên nhau, không chiếc đồng hồ nào có vân hoàn toàn giống nhau.
Xét về mặt cơ học, RM 50-01 đạt mức siêu phức tạp với cỗ Tourbillon và tính năng Split Second Chronograph (đếm giờ cho 2 hoạt động song hành). Tất cả đều được tích hợp trong một thiết kế nhỏ gọn, dành cho những người mê tốc độ.