Đội tuyển Việt Nam - Thế hệ của những định kiến về bóng đá

10:41 Thứ bảy 08/03/2014

(TinTheThao.com.vn) - Một đội tuyển từng bị chê là không bài vở, một huấn luyện viên từng bị coi là không có khả năng . Nhưng nhiều hay ít, họ vẫn nỗ lực và đem đến những cảm xúc thỏa mãn cho người hâm mộ trong một trận cầu không còn ý nghĩa về thành tích. Và nhiều người lại chợt nghĩ: sao hôm nay Việt Nam hay thế nhỉ?

Định kiến và áp lực

Đá bóng là không có học, là nghề tay chân, không phải dành cho người có văn minh, tri thức, quan niệm bao lâu nay trong lòng dân đa phần là vậy. Với khái niệm về sự thành đạt, đổi đời là cánh cổng đại học và những công việc văn phòng lương cao, những tấm bằng loại giỏi, nghề cầu thủ nói riêng và thể thao nói chung vốn không phải con đường được các bậc phụ huynh thông thường ủng hộ con em đi theo. Có lẽ có những nhân tài bóng đá nào đó đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, và có lẽ cũng đã có nhiều người “học không được” nên quyết chí theo nghiệp áo số quần đùi.

Bóng đá là môn thể thao vua, kỳ vọng mà người ta dành cho nó lớn hơn các môn thể thao khác gấp bội. Ở Việt Nam, nó cũng là môn thể thao duy nhất có thể kéo 4, 5 vạn người đến sân, khiến họ bỏ ra những khoản tiền như mua vé một show ca nhạc, và chỉ một chiếc cup có thể khiến các thành phố bị dòng người nêm chặt. Một cách bất thành văn, với hàng triệu những người hâm mộ, bóng đá là một phần trong lòng tự tôn dân tộc, một cách họ gửi gắm tình yêu với đất nước mình, nó ở một vị trí khác rất rất rất xa so với mọi môn thể thao khác, nếu không muốn nói là so với nhiều lĩnh vực khoa học, giải trí, kinh tế khác.

Rất khó để tuyển Việt Nam có được sự ổn định. Ảnh: Internet

Nhưng nghịch lý thì vẫn không có gì thay đổi. Bóng đá vẫn là dành cho những người “không học được”, vẫn là nghề bán sức nuôi thân trong tâm niệm của đa số người. Quả thực, để học bình thường mà giỏi đã khó, vừa học giỏi vừa có “văn hóa” tốt càng khó hơn. Những thiếu niên theo nghề cầu thủ từ đầu đã không nằm trong hạng mục “con ngoan trò giỏi” mà xã hội mặc định, họ phải mất rất nhiều năm vất vả để “có nghề”. Nếu họ không đá bóng, không khoác lên mình áo tuyển thì chẳng bị ai chê, nhưng đã là tuyển thủ thì họ giống như “người của công chúng”, bị đòi hỏi phải toàn vẹn tri thức, đạo đức, tài năng.

Tính ra nếu có chút giọng và vốn liếng làm ca sĩ, họ sẽ tốn ít mồ hôi hơn mà không phải vừa mang tiếng “học ít”, vừa bị đòi phải hoàn mỹ như vậy. Hoặc chừng nào những cậu bé con nhà gia giáo, học hành xuất sắc được bố mẹ cho làm cầu thủ nhiều hơn, người ta sẽ đỡ phàn nàn. Khi họ làm không tốt, 90 triệu người có thể nhìn thấy họ trên tivi để chê bai, 90 triệu cái miệng có thể nói xấu về họ nếu muốn, đó là áp lực hữu hình khổng lồ dành cho những con người vốn không phải được đào tạo ra để chống chọi với số đông, với dư luận, họ chỉ biết đá bóng.

Lóe sáng chờ mặt trời lên

Trở lại với tuyển Việt Nam. Ông Phúc gửi lời cảm ơn khán giả đến sân và khán giả xem truyền hình bởi họ vẫn ủng hộ đội tuyển sau chuỗi thành tích bết bát. Dù có nhiều người đã mang những ấn tượng xấu, chẳng hy vọng nhiều, nhưng họ đã ngồi xem tức là còn quan tâm, và sâu thẳm trong khán giả vẫn là một niềm mong ngóng thấy đội nhà đá hay, thắng đẹp. Sự tự hào Tổ quốc chẳng phải thứ có thể chôn vùi hoàn toàn đi được. Đá cố gắng là dân thương, đá khởi sắc là dân hò reo cổ vũ, chỉ là vậy.

Vẫn có những cái tên làm vừa lòng khán giả như Văn Quyết, Trọng Hoàng, Quốc Anh,… nếu những con người ấy với tài năng và bản lĩnh của họ được đào tạo từ nhỏ tại một hệ thống như HAGL JMG, mọi thứ sẽ rất khác. Nhưng những thế hệ cũ trong một môi trường cũ, chính sách cũ, họ vẫn theo nghiệp đến hôm nay, vẫn cống hiến được ở mức độ như vậy, họ cũng đáng khen lắm, tất nhiên, những thất bại trước đó lại đáng chê, đáng chỉ trích rất nhiều.

HLV Hoàng Văn Phúc và các học trò. Ảnh: Internet

Dù sao, trong một trận đấu cụ thể, khi các cầu thủ đá hết mình, đá vì người hâm mộ, thể hiện được khả năng, tình yêu vốn bị nỗi thất vọng che mờ sẽ lại rạo rực trong mỗi con người Việt Nam ngồi xem đội tuyển. Với tất cả những vấn nạn, tất cả mớ bòng bong không ai gỡ nổi của nền bóng đá chuyên nghiệp nửa vời, của chiến lược phát triển không đầu không cuối, những thời khắc thăng hoa sẽ khó được duy trì bền bỉ, sẽ khó bứt hẳn lên thành một đẳng cấp, thành một hình hài tươi tắn cố định.

Miếng cơm manh áo còn đó, những áp lực đè nặng còn đó, những lời chê trách, gièm pha, sự đòi hỏi, kỳ vọng, để có 11 con người ưu tú vượt qua tất cả, với đủ tài năng để tỏa sáng, thật khó vô cùng. Mọi thứ chỉ là bước đến đâu hay đến đó với thế hệ này, cách làm bóng đá này, trừ khi ông Hoàng Văn Phúc được trao thời gian, và ông thực sự đủ tầm để đổi thay tất cả. Chính xác thì nếu ông đủ tầm nấu một bát cơm ngon bất kể dùng loại gạo gì, cây lúa được chăm sóc ra sao trước đó…

Càng khó hơn khi mọi tiến bộ nhỏ nhặt của đội tuyển sẽ bị lu mờ bởi những bước tiến dài từ U19 – hay đúng nhất là những bước tiến dài của cá nhân bầu Đức. Có lẽ phải lứa cầu thủ ấy mới là “mặt trời” soi sáng nền bóng đá Việt, dẫu nó còn mang tính cục bộ, còn chưa thể nhân rộng. Với những người hâm mộ đã quá quen với những ánh sao vụt lóe trong đêm tối trường kỳ, một “ngày mới” như thế chắc hẳn đã được chờ mong từ lâu lắm.

Và trong một viễn cảnh rực rỡ nào đó, khi các cầu thủ nói thành thạo ngoại ngữ và ứng xử như những quý ông từ nhỏ, người Việt sẽ lại nghĩ rằng bóng đá là nghề cao sang.

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục