Đội tuyển Hà Lan: Khi nhà giàu cũng khóc

07:49 Thứ hai 12/10/2015

(TinTheThao.com.vn) - Trong khi vòng loại EURO 2016 chỉ còn một lượt trận nữa là kết thúc, nhiều đội bóng lớn đã giành vé sớm đến Pháp như Đức, Anh, Italy, Tây Ban Nha,…cùng với niềm hân hoan của những cầu thủ Xứ Wales, Bắc Ireland - những đội được đánh giá yếu hơn nhưng lại có những kết quả đáng tự hào. Tuy nhiên, trong vô vàn những nụ cười ấy, những màn ăn mừng ấy thì lại có một đội tuyển nặng trĩu lo âu vì đứng trước viễn cảnh sẽ phải ngồi nhà xem EURO qua tivi. Đó là Hà Lan.

Nhắc đến Hà Lan là nhắc đến quê hương của lối chơi tấn công tổng lực, chính vì thế họ được mệnh danh là “cơn lốc màu da cam”. Được đánh giá cao nhất bảng đấu nhưng những gì đội bóng xứ sở hoa Tuy-líp làm được lại rất đáng thất vọng, họ đang đứng thứ 4 bảng A với 13 điểm, với thành tích 4 trận thắng, 1 hòa và 4 trận thua, xếp sau cả những Iceland, CH Czech và Thổ Nhĩ Kì trong khi vòng loại chỉ còn một lượt đấu nữa.

ĐT Hà Lan đứng trước nguy cơ vắng mặt tại VCK EURO 2016. Ảnh: Internet.

Dù đã kịp thức tỉnh bằng chiến thắng 2 -1 trước Kazakhstan nhưng dường như đã quá trễ, hi vọng là quá mong manh. Nếu trận đấu tiếp theo Thổ Nhĩ Kì chỉ cần hòa Iceland đồng nghĩa với việc đội tuyển Hà Lan có thắng Séc 50-0 đi nữa cũng vô nghĩa. Và nếu điều đó xảy ra thì sẽ thật buồn cho thầy trò HLV Danny Blind, buồn cho cả Euro nữa khi đã mất đi một đội bóng đáng chú ý.

Câu hỏi đặt ra là vì đâu Hà Lan nên nông nỗi này? Có rất nhiều lý do để một đội bóng chơi không tốt, nhưng rõ ràng trách nhiệm thuộc về HLV và các cầu thủ. HLV Guus Hiddink đã bị sa thải, Danny Blind lên thay nhưng cũng đã quá muộn. Từ một đội bóng đứng thứ ba trên BXH FIFA giờ đây có nguy cơ không được dự Euro, một tấn bi kịch của bóng đá Hà Lan.

Tân HLV Danny Blind không thể giúp "Cơn lốc màu da cam" thay đổi số phận tại giải đấu cấp châu lục. Ảnh: Internet.

Chính việc không có một lối chơi mạch lạc, nhuần nhuyễn đã khiến Hà Lan đánh mất điểm số quá nhiều. Sau hàng chục năm chơi thứ bóng đá tổng lực, tấn công cống hiến, đẹp mắt, người Hà Lan tự hỏi họ đá như vậy để được cái gì, không World Cup, chỉ có một chức vô địch Euro duy nhất đã cách đây 27 năm, vua về nhì và thêm một cái mác “cơn lốc”.

Và rồi họ quyết định thay đổi, từ bỏ lối chơi đã làm nên tên tuổi, họ đá theo xu hướng hiện đại, thực dụng và có phần nhàm chán. Ấy thế mà họ vẫn chỉ về nhì ở World Cup 2010, bị loại ngay từ vòng bảng EURO 2012, thất bại trước Argentina ở bán kết World Cup 2014 và giờ là có thể ngồi nhà vào mùa hè sang năm. Người Hà Lan loay hoay để tìm ra công thức chiến thắng, họ đứng trước sự lựa chọn nên trở lại chơi tấn công như xưa hay tiếp tục thi đấu thực dụng, và khi chưa tìm ra câu trả lời thì thất bại là điều khó tránh khỏi.

Cũng phải nói thêm rằng, Hà Lan không có một lứa cầu thủ kế cận đủ khả năng làm nên chuyện, một đội hình trẻ trung nhưng chẳng có ai để chờ đợi, để kì vọng và vẫn phải dựa nhiều vào các cựu binh. Trước Hà Lan có Marco Van Basten, Edgar Davids, Dennis Bergkamp, Van Nistelrooy sau họ có Van Persie, Robben, Sneijder,… nhưng bây giờ chẳng có một ai. Cái tên đáng chú ý nhất chỉ là Memphis Depay, người đang gặp vấn đề phong độ ở M.U, và chưa thể là người gánh vác đội tuyển.

Ngoài ngôi sao có phong độ bất ổn là Memphis Depay (số 7), ĐT Hà Lan vẫn chưa tìm được một nhân tài nào khác có đẳng cấp Quốc tế. Ảnh: Internet.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến Hà Lan đang sa sút, từ mặt lối chơi đến con người, và nếu như sau lượt trận cuối ngày 14/10 tới đây, đội bóng áo cam không thể dành vé đến Pháp âu cũng là hợp tình hợp lý. Vì chính họ đã trao tấm vé ấy cho những đội khác, nếu giả sử Hà Lan có được dự EURO 2016 thì đó lại là bất công với Thổ Nhĩ Kì.

Một thất bại toàn diện như vậy là điều cần thiết để những người làm bóng đá Hà Lan nhìn lại mình, có những thay đổi và điều chỉnh phù hợp, để một ngày nào đó, có thể World Cup 2018 họ sẽ trở lại mạnh mẽ hơn. Còn ngay lúc này đây, Hà Lan xứng đáng “ở nhà”, vì đôi khi nhà giàu cũng khóc.

(Bạn đọc: Trần Toàn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

07:40 12/10/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục