HLV Đặng Văn Phúc đang đương đầu với khó khăn tại Incheon. Ảnh: Anh Thọ |
Mấy hôm nay, bác sĩ Sinh trở thành người bận nhất đoàn thể thao VN. Máy điện thoại của anh phải nạp thêm tiền liên tục. Toàn đoàn có đến 10 người bị ốm, 5 người chỉ là cảm cúm thông thường, còn 5 người khác thì phải uống kháng sinh. VĐV bị đau nhức cơ sau tập luyện cũng khoảng 6-7 người. Chỉ uống thuốc giảm đau hay dán Salonpas, không có vật lý trị liệu, không có mat-xa…, những biện pháp chống đau hay hồi phục chuyên biệt. Đấy là chưa kể không ít VĐV có cảm giác mỏi mệt hay xuống sức. Ở cùng nhà 602 với đoàn Việt Nam là đoàn Singapor, họ có một phòng y tế chuyên dụng, với một bác sĩ và một kỹ thuật viên trực 24/24.
HLV điền kinh Đặng Văn Phúc bị ốm ngay từ ngày đầu, vừa khỏi xong đã bị ốm lại. Do căn bệnh của anh là viêm xoang mãn tính nên gặp thời tiết như ở Incheon là được dịp phát tác. Dù bệnh này chẳng có gì ghê gớm nhưng mệt và khó chịu. Ngày 21-10, anh đứng, ngồi, chạy trong mưa và gió lạnh 10 giờ đồng hồ liên tục, vớ sũng nước và lạnh đến mức không còn cảm giác gì nữa. Sân điền kinh lại xa, mỗi chuyến đi cả tiếng đồng hồ. Nói đến HLV để chúng ta hểu thêm phần nào nỗi cực nhọc của VĐV.
Một trong những VĐV điền kinh chúng ta hy vọng là Nguyễn Ngọc Hiệp, vô địch nhảy xa Đông Nam Á hạng khiếm thị T 11. Năm nay, lúc đầu ban tổ chức thông báo không có môn thi nhảy xa. Hiệp chuyển sang tập chạy, cho những kế hoạch đường dài. Bỗng nhiên Ban tổ chức lại quyết định vẫn có môn nhảy xa. Lúc này Hiệp chỉ còn ba tuần để luyện tập. Thành tích tại Nay Pyi Taw của Hiệp là 5,61 m. Cuộc thi năm nay ghép hạng cả T11 lẫn T12 và dựa vào thành tích đối thủ, Hiệp chỉ có thể có huy chương nếu vượt qua được 6,00 m. Một khả năng đặt ra: kéo dài đường chạy đà để tăng sức bật khi nhảy. Khó khăn kèm theo: tập chưa thuần thục, có thể phạm quy khi dậm nhảy. HLV cân nhắc rồi cùng thống nhất với VĐV: tăng độ dài chạy đà, chấp nhận mạo hiểm phạm quy. Mạo hiểm trong nhảy xa nhưng Hiệp còn môn chạy 400 m- môn chuẩn bị cho tương lai vì Hiệp chỉ mới 20 tuổi.
Đấy là người tính. Bây giờ là trời tính. Hiệp ra sân nhảy khi trời đang mưa. Gió ầm ào lồng lộn cuốn quanh sân. Anh chạy đà nhưng loạng choạng. Loạng choạng ngay cả khi chạy, chứ chưa nói đến sự thiếu chắc chắn khi tiệm cận hố nhảy. Đứng ngoài sân, HLV Phúc cảm thấy bất an. Anh sợ Hiệp bị chấn thương. Anh sợ Hiệp bị ốm do mưa lạnh. Rồi anh quyết định xin rút Hiệp ra khỏi cuộc thi. Đấy là một tình huống rất khó khăn mà điền kinh phải gánh chịu.
Xét về thành tích, về huy chương, năm nay điền kinh gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi huy chương cử tạ và bơi lội cứ đến ầm ầm thì điền kinh vẫn im lặng. Chiều 20-10, khi mất HCĐ ở môn ném lao nữ hạng F55, Ngô Thị Lan Thanh đã bất ngờ thốt lên “Thương thầy Phúc quá!”. Và mãi sau đó, mới có chiếc huy chương đầu tiên của điền kinh là huy chương bạc do Nguyễn Bé Hậu mang về ở môn ném lao nam F56. Nhưng ngay cả ở thành tích này khoảng cách đến HCV vẫn còn khá xa.
HLV Phúc thẳng thắn :”Dẫn quân đi thi đấu cả chục năm, chưa bao giờ khó khăn như lần này. Đối thủ mạnh quá. Mình tiến một, thì họ tiến tới hai, ba. Chưa nói đến huy chương, cứ thẳng thắn nhìn vào thực lưc, chúng ta thấy các đoàn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước Trung Á …là rất mạnh, cả về lượng và về chất”. Chúng ta cần bắt kịp nhịp phát triển trong điều kiện mới hiện nay, thông qua một kế hoạch đầu tư toàn diện.
Anh Pham Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao Tân Bình nhìn về môn điền kinh có lạc quan hơn :”Bơi lội và cử tạ đang ở đỉnh cao của một chu kỳ. Trong khi điền kinh mới bắt đầu vượt qua đoạn khởi đầu của chu trình này. Những năm sau này, chúng ta sẽ lại chứng kiến thành tích của điền kinh. Như một làn sóng mới”. Quả vậy, trong khi các VĐV có huy chương ở bơi lội và cử tạ đều xoay quanh lứa tuổi 30, thì điền kinh có những VĐV nằm trong khoảng 20-25 tuổi, cùng một thê đội trẻ trung hơn đang dần dần đươc thử sức.