Đi tìm sức khỏe và tự tin ở Aikido

07:47 Thứ bảy 02/05/2015

Trong cái nắng chiều một ngày thứ hai, khoảng 40 võ sinh cả nam lẫn nữ, với nhiều độ tuổi từ 7, 8 tuổi cho đến hơn 50 tuổi, đang chia ra thành từng cặp tập luyện cho nhau. Đó là quang cảnh tập luyện Aikido tại câu lạc bộ Aikido Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ, quận 11, TPHCM do võ sư Hà Thúc Tâm huấn luyện, khi tôi đến đây tìm hiểu về môn Aikido, môn võ mà người ta hay gọi là môn võ tự vệ.

Môn võ không đối kháng

Nói đến Aikido, người yêu thích phim hành động Mỹ những năm 1990 sẽ nhớ đến loạt phim do diễn viên Steven Segal thủ vai chính với nhiều pha biểu diễn võ thuật bằng các đòn Aikido.

Có thể nói không ngoa rằng, nhờ các bộ phim này, Aikido đã được quảng bá đi khắp nơi trên thế giới. Aikido là môn võ hiện đại của Nhật Bản do tổ sư Ueshiba Morihei sáng lập với phương châm hòa hợp, hòa bình, không tương tranh. Nó được du nhập vào Việt Nam từ năm 1958. Đến năm 1968, ông Đặng Thông Phong được tổ sư Ueshiba Morihei ủy nhiệm thành lập Tổng cuộc Aikido Việt Nam với tên gọi Tenshinkai, trở thành thành viên của Tổng đàn Aikido thế giới, để phát triển môn Aikido tại Việt Nam.

Mặc dù có mặt khá lâu nhưng đến nay môn Aikido cũng mới chỉ phát triển ở tầm hội thuộc thành phố và các câu lạc bộ. Có lẽ do chưa có được tổ chức cao nhất để đại diện cho Aikido quốc gia. Theo võ sư Hà Thúc Tâm, hiện tại hầu hết các quận, huyện ở TPHCM đều có câu lạc bộ Aikido. Tuy nhiên, sự phát triển rộng khắp này chỉ mang tính tự phát do thiếu sự hỗ trợ từ ngành thể thao thành phố. Trong khi đó, việc đầu tư một sân tập Aikido cũng khá tốn kém do nệm tập chuyên dụng khá đắt đỏ.

So với các môn võ khác, cái khó cho Aikido là nó không có tên trong danh sách các môn thi đấu ở các giải thể thao từ quốc gia cho đến quốc tế (cũng chính vì bản chất của Aikido là tự vệ, không có đối kháng), vì thế việc tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ ngành thể thao để đầu tư cho môn này là không dễ. Hiện tại, TPHCM có hơn 3.000 hội viên Aikido. Để trở thành hội viên, võ sinh Aikido phải đạt cấp đai đen nhất đẳng mới được xin gia nhập hội.

Tìm sự tự tin và sức khỏe

Một số người được hỏi đều cho rằng tập Aikido nhẹ hơn nhiều môn võ khác. Quan sát thực tế cho thấy mức độ tập luyện từ cấp đai trắng đến đai đen không quá khắc nghiệt, nhiều độ tuổi có thể tập luyện. Người tập ở giai đoạn này (tạm gọi là nhập môn) chủ yếu học né tránh, di chuyển, phá đòn, mượn lực tấn công để xô ngã đối phương và cách té… Với Aikido, khi đạt đến cấp đai đen mới chỉ là giai đoạn bắt đầu môn Aikido. Tuy vậy, trải qua hết giai đoạn nhập môn thì người tập đã có thể yên tâm về khả năng tự bảo vệ mình trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài hoặc rút lui nếu lỡ bị tấn công.

Võ sư Hà Thúc Tâm cho biết, nhiều người đến tập tại câu lạc bộ vốn nhút nhát, ngại va chạm. Việc tập luyện Aikido đã giúp họ dần cảm thấy tự tin và quan trọng hơn, sức khỏe của họ được cải thiện rất đáng kể. Bạn Nguyễn Thị Thúy Kiều (29 tuổi) chia sẻ: “Nhờ bạn bè giới thiệu em mới biết đến Aikido, em thấy tập Aikido cũng mềm mại, dẻo dai và có thể tự vệ được, rất phù hợp với phụ nữ. Hơn nữa, người lớn tuổi cũng có thể tập luyện được so với một số môn võ khác đòi hỏi phải tập từ lúc trẻ. Trước đây, em rất yếu ớt và nhát, dắt xe máy cũng sợ không nổi. Sau hơn 2 năm tập luyện em thấy mình khỏe mạnh, rắn chắc hơn nhiều và cũng cảm thấy tự tin hơn khi đi ra đường mặc dù chưa khi nào gặp sự cố phải dùng đến các đòn Aikido để tự vệ.” Với Phùng Ngọc Thịnh (30 tuổi), lợi ích lớn nhất từ việc tập luyện Aikido chính là giúp Thịnh “giải quyết” căn bệnh suyễn. Ngọc Thịnh cho biết: “Trước đây, mỗi khi nằm xuống một lúc hoặc ở trong phòng lạnh là em bắt đầu khó thở. Do bị bệnh suyễn nên gia đình không dám cho em chơi thể thao, đặc biệt là các môn vận động mạnh vì sợ chịu không nổi. Kể từ khi tập luyện Aikido cách nay 12 năm căn bệnh suyễn của em đã giảm dần từ 10 phần xuống chỉ còn 1- 2 phần”.

Về khả năng tự vệ, mặc dù đã đạt đai đen nhưng Ngọc Thịnh chỉ khiêm tốn cho rằng mình có thể an toàn rút lui nếu lỡ bị tấn công. Đến với Aikido khi đã ngoài 50 tuổi, anh Nguyễn Tiếc Dũng (55 tuổi) cho rằng môn võ này rất phù hợp với người lớn tuổi, nó không quá sức đối với người xương cốt bắt đầu lão hóa như anh. Quan trọng hơn, việc tập luyện giúp anh cảm thấy căn bệnh rối loạn tiền đình không còn “quấy rối” mình nữa.

Thực ra với bất kỳ môn võ nào, người có võ nghệ cao đều có thể bảo vệ bản thân và có sức khỏe tốt. Có lẽ do biệt danh là võ tự vệ và sự không khắc nghiệt trong tập luyện nên người học Aikido phần nào cảm thấy tự tin và khỏe khoắn hơn. Tuy nhiên, như võ sư Hà Thúc Tâm cho biết, cốt lõi của Aikido là hướng người tập đến sự hòa hợp, yêu thương, không tương tranh. Tập càng cao, độ sát thương của các đòn Aikido càng giảm dần.

Ngọc Khanh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục