Đào tạo bóng đá trẻ - Đãi vàng tìm... cát. Bài 2: Làm xiếc với bóng đá trẻ

11:57 Thứ sáu 24/01/2014

Đầu những năm 2000, VFF đã “đặt hàng” Trung tâm Huấn luyện quốc gia 1 (Hà Nội) và 2 (TPHCM) đào tạo tuyến trẻ cho các đội tuyển, bắt đầu từ lứa U.15. Đây là một kiểu “nuôi gà chọi” được VFF học theo mô hình Trung Quốc và sự kết thúc của nó cũng lặng lẽ như khi ra đời.

Dù sao, cũng đã có một loạt tuyển thủ quốc gia sau này như Phan Thanh Bình, Việt Cường, Quý Sữu, Long Giang, Nhật Tân… trưởng thành từ lò này.

Ngài Sepp Blatter ăn quả lừa

Ngày 1-8-2008, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ hùng hồn tuyên bố: “Với sự hỗ trợ của Dự án Goal giai đoạn 2 của FIFA, bóng đá Việt Nam đã có một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp bách về công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”. Tại buổi lễ khánh thành trung tâm đào tạo trẻ đặt tại Mỹ Đình ngày đó, có người đứng đầu FIFA, ngài Sepp Blatter.

Ấy vậy mà giờ đây, sau khi dư luận lên tiếng về việc trung tâm bóng đá trẻ rộng 7,2ha ấy đang cho thuê chơi bóng đá phủi chứ chưa hề đào tạo ra tài năng nào thì VFF lại chối biến là nơi này không có chức năng đào tạo trẻ. Cái tên ấy được đặt ra để được nhận thêm ngân sách rót từ Nhà nước lên đến 80% vốn xây dựng. Hóa ra, chính FIFA cũng bị “ăn quả lừa” bởi phần lớn số tiền trong khoản tài trợ 400.000 USD từ dự án Goal được VFF đổ vào xây dựng trụ sở hoành tráng.

Điều đáng nói là sau đó, FIFA hứa sẽ tài trợ thêm khoảng nửa triệu USD nếu VFF đào tạo trẻ ngon lành! Thực tế thì sao: các tuyến trẻ từ U.13 đến U.17 và bây giờ là U.19 đều là người của Viettel, Sông Lam Nghệ An, PVF và Hoàng Anh Gia Lai, hoàn toàn không có dấu ấn gì của VFF. Thế mà nghe đâu, họ đang vận động để dự án Goal 3 rót tiền về Việt Nam thông qua những thành tích ấn tượng mà họ “vay mượn” từ các trung tâm đào tạo tư nhân.

Chủ tịch FIFA Sepp Blater trong ngày khánh thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tại Mỹ Đình năm 2008.

VFF và cú đánh quả U.19

Trở lại câu chuyện về 2 trường đào tạo Nam - Bắc đã nói ở phần đầu. Đây là giải pháp tình thế được VFF nghĩ ra trước áp lực dư luận sau khoảng trống mà thế hệ vàng để lại sau thất bại tại Tiger Cup 2000 và SEA Games 2001. Dự án “trồng người” đầu tiên và duy nhất ấy của VFF nhanh chóng bị xóa sổ sau khi thế vệ vàng thứ 2 được ra mắt tại SEA Games 2003. Có thể nói, dự án ấy là một “cú đánh quả” để né trách nhiệm của VFF không hơn, không kém.

10 năm sau, bóng đá Việt Nam đối diện với một hoàn cảnh tương tự sau các thất bại tại SEA Games 26, 27 và AFF Cup 2012. Lần này, đội U.19 với thành phần chính từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai được lấy làm “bức bình phong” để VFF lách trách nhiệm của họ với các đội tuyển quốc gia. Với sự giúp đỡ nhiệt tâm của bầu Đức và năng lực làm truyền thông của nhà tài trợ, VFF hãnh diện tuyên bố lứa U.19 sẽ là tương lai, là niềm tin để bóng đá Việt Nam có quyền nghĩ đến… World Cup 2018.

Thế là toàn bộ kế hoạch phát triển bóng đá Việt Nam đều dựa trên nền tảng U.19. Từ việc vào VCK U.20 thế giới, đến dự Asiad 2014, SEA Games 2015. Chỉ còn thiếu mỗi việc đưa U.19 đá AFF Cup là VFF chưa làm mà thôi.

Việc làm của VFF vừa có tính chất “lấp liếm” sự thất bại của mình ở trung tâm đào tạo trẻ vốn được ra đời cùng thời với Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal, vừa có thể phủ nhận công sức cũng như đóng góp của các trung tâm đào tạo khác cũng không hề kém so với Hoàng Anh Gia Lai. Đáng nói hơn, VFF đang vẽ ra những ảo tưởng về thành tích, gây áp lực cho chính đội U.19, điều mà ở vai trò của họ cần phải tránh.

Trên thực tế, để đánh giá được thành công của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal hay một loạt trung tâm đào tạo trẻ khác thì cần đến vài năm nữa, bởi các trung tâm ấy cũng chỉ mới đào tạo 5-7 năm trở lại đây. Mặt khác, là những người chưa từng đào tạo trẻ, chưa bao giờ đặt ra một chiến lược bóng đá trẻ dù đã 2 lần nhận tiền từ dự án Goal, làm sao VFF có đủ năng lực để thẩm định tiềm năng các cầu thủ không phải do mình đào tạo mà chỉ biết sử dụng để lấy thành tích?!

Với sự kết hợp hoàn hảo giữa một ông bầu không ngại tốn tiền, cộng với năng lực làm truyền thông khéo léo và tốn kém của hãng dinh dưỡng Nutifood, lứa U.19 hiện hay trở nên khác biệt. Quan điểm đá đẹp bằng mọi giá của bầu Đức đánh đúng tâm lý của người hâm mộ, nhất là sau khi các đội tuyển quốc gia và U.23 thất bại thảm hại ở đấu trường quốc tế. Kế đến, thông qua việc tài trợ 5 năm cho Học viện Hoàng Anh Gia Lai của hãng Nutifood qua đó những hình ảnh thi đấu của đội bóng được lan truyền nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu xem bóng đá đẹp của khán giả. VFF hầu như không có gì trong công thức thành công nói trên, kể cả việc tổ chức giải U.19 quốc tế vừa qua (do Hoàng Anh Gia Lai làm “chủ xị”). Thế nhưng, thay vì rút tỉa kinh nghiệm từ công thức ấy, VFF lại hào hứng định hướng cho U.19 các kế hoạch hoành tráng, bất chấp đó hoàn toàn không phải là “sản phẩm” của họ.
Việt Quang - Yến Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục