Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7: “Tiết kiệm” kiểu… Việt Nam

10:46 Thứ sáu 14/11/2014

Trong số báo trước đã đề cập tới việc nhiều địa phương khi đăng cai tổ chức các môn tại Đại hội TDTT toàn quốc đã “tích cực” xin cả ngàn tỉ đồng để xây dựng những công trình mới. Trong đó, có những công trình tốn hơn 600 tỉ nhưng vừa khai trương đã hỏng.

Bên cạnh những khoản chi khổng lồ cho việc xây dựng cơ sở vật chất thì số tiền chi phí cho VĐV của các tỉnh tập huấn cũng rất lớn, chỉ để các địa phương chạy theo áp lực thành tích.

Ánh Viên đang tập huấn ở Mỹ cũng phải về dự Đại hội TDTT toàn quốc.

Nô nức đi tập huấn nước ngoài

Do ngân sách cấp cho ngành thể thao năm 2014 hạn chế, chỉ khoảng 680 tỉ đồng, nên việc đưa quân tham dự các giải đấu lớn như ASIAD đã được tính toán theo hướng tiết kiệm tối đa. Cụ thể là những môn đại chúng như bóng chuyền, quần vợt, bóng bàn buộc phải ở nhà vì các chuyên gia Tổng cục TDTT cho rằng, những đội tuyển này đi thi đấu ASIAD sẽ không có thành tích nên rất lãng phí. Dù vậy, theo tính toán, tổng chi phí cho ASIAD của đoàn TTVN cũng lên tới vài trăm tỉ.

Trong khi “phần trên”, nghĩa là phía Tổng cục TDTT cố gắng tiết kiệm thì nhân đại hội TDTT, các địa phương nô nức đưa quân đi tập huấn nước ngoài bằng tiền ngân sách.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 - cho rằng: “Thông thường việc đưa VĐV ra nước ngoài tập huấn là tốt vì ở đó có điều kiện dinh dưỡng tốt hơn, gặp được thầy giỏi nên thành tích có thể được nâng cao. Ngoài ra, việc ra nước ngoài cũng khiến VĐV được “đổi gió”, phấn khởi luyện tập. Tuy nhiên, việc tập huấn cũng phải có quy trình, thời gian và tính toán sao cho hiệu quả. Nếu không làm được điều ấy thì những chuyến tập huấn sẽ chẳng khác nào… đi chơi, rất lãng phí tiền của Nhà nước”.

Đi tập huấn nước ngoài là tốt, song có nhiều địa phương lợi dụng danh nghĩa tập huấn để tham dự Đại hội TDTT toàn quốc, nhằm xin thêm tiền ngân sách và thoải mái chi tiền cho những chuyến tập huấn kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.

Chẳng hạn, tỉnh Hải Dương quyết định cử 1 đoàn VĐV bắn súng gồm 15 người đi tập huấn tại Thái Lan trong 9 ngày, tương tự là đội tuyển bắn cung 5 người cũng tập huấn ở Thái Lan 9 ngày. Bình Thuận tăng cường 8 tỉ cho mục tiêu Đại hội TDTT, trong đó, phần lớn số tiền là tập huấn. Ninh Bình ưu tiên môn nào cũng xuất ngoại, có những môn trọng điểm xuất ngoại nhiều lần. Thanh Hóa dành cả chục tỉ đồng cho hàng chục đoàn VĐV ra nước ngoài tập huấn…

Bi hài đại hội

Chuyện các tỉnh đua nhau đi nước ngoài tập huấn, ở một góc độ nào đó cũng là tín hiệu tốt, chứng tỏ các địa phương quan tâm tới ngành thể thao. Nhưng nó cũng là cuộc chạy đua về thành tích, mà phần thắng thuộc về những địa phương “mạnh vì gạo - bạo vì tiền”. Điển hình như Hà Nội, năm nay được cấp khoảng 350 tỉ (ít hơn 100 tỉ so với năm ngoái), với tiền ấy “quân Hà Nội” “ăn nằm ở dề” tại nước ngoài và chỉ trở về để thi đấu đại hội, sau đó lại… tập huấn tiếp.

Đại hội TDTT lại là nơi căn bệnh thành tích hoành hành. Điều này kéo theo những chuyện bi hài tưởng chừng như chỉ có ở Việt Nam.

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh rơi vào thế trong cùng một thời gian phải thi đấu hai giải là giải cầu lông Trung Quốc mở rộng và môn cầu lông ở đại hội. Thi đấu nội dung đồng đội xong, Tiến Minh phải vội vã sang Trung Quốc để thi đấu và để… thua, sau đó trở về Việt Nam tiếp tục thi đấu nội dung cá nhân.

Ánh Viên - kình ngư số 1 Việt Nam - hiện nay đang tập huấn tại Mỹ, nhưng cũng phải tạm ngừng quy trình huấn luyện của mình để trở về Việt Nam đấu giải Đại hội TDTT toàn quốc để mang HCV về cho địa phương. Hay Ngọc Hoa - tuyển thủ bóng chuyền được chuyển nhượng sang thi đấu tại Thái Lan nhưng cũng bị gọi về để đấu tại đại hội…

Nghĩa là với địa phương, Đại hội TDTT toàn quốc là ưu tiên số 1 nên sẵn sàng “không tiếc tiền”. Một mặt tiền để tập huấn, một mặt tiền cũng để “mua” VĐV từ địa phương khác về thi đấu để lấy thành tích cho tỉnh nhà.

Mục đích của Đại hội TDTT toàn quốc chính là nhằm biểu dương lực lượng thể thao nước nhà thông qua thành tích của các địa phương, qua đó khích lệ phong trào và hướng tới thể thao thành tích cao.

Song có vẻ như đại hội mới làm được một nửa nhiệm vụ của mình là việc kéo dài thời gian thi đấu tới 2 năm (năm 2013 là cấp xã phường, quận huyện; năm 2014 là thi đấu cấp tỉnh và quốc gia). Thế nhưng, nhìn vào thành tích thấp - kém của thể thao Việt Nam tại đấu trường quốc tế, thì cuộc chơi ở đại hội TDTT toàn quốc vẫn là một cuộc chơi tốn tiền nhưng hiệu quả thấp.

Đắc Lâm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục