Trong thời gian làm việc ở Việt Nam (2008-2011), HLV Henrique Calisto có một người bạn thân, đó là PGS, Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung (Phó chủ tịch VFF thời bấy giờ). Ảnh: Internet |
Nhằm giúp người hâm mộ hiểu hơn về "thầy phù thuỷ" Calisto, cựu Phó Chủ tịch VFF, ông Nguyễn Lân Trung có những chia sẻ với độc giả về sự phù hợp của vị HLV người Bồ Đào Nha nếu trở lại làm việc tại Việt Nam.
* PV: Ông có thể kể một chút về tình bạn giữa ông và HLV Calisto trong giai đoạn từ 2008 đến 2011?
- PGS, Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung: Trong khoảng thời gian đó, tôi có nhiều dịp cùng đội tuyển đi tập huấn, thi đấu nên tiếp xúc nhiều với ông Calisto. Chúng tôi hợp nhau không chỉ vì cùng sử dụng thành thạo tiếng Pháp, mà còn cả về tính cách, sở thích. Tính cách của tôi hòa đồng, dân dã, thích quan hệ rộng, và HLV Calisto cũng vậy.
* Sau thời điểm HLV Miura bị VFF chấm dứt hợp đồng, người hâm mộ đang kỳ vọng về việc "thầy phù thủy" Calisto có khả năng trở lại Việt Nam. Ông có thể lý giải vì sao HLV Calisto phù hợp với bóng đá nước nhà?
- Ông Calisto sử dụng lối đá La Tinh của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... Ông ấy áp dụng kỹ thuật và chiến thuật trong phạm vi nhỏ tương đối nhiều. Theo quan điểm của cá nhân tôi, thì nó phù hợp với thể chất của con người Việt Nam.
Thêm nữa, cầu thủ Việt Nam có những tố chất nhanh nhẹn, hoạt bát, lanh lẹ, những tố chất đó ông Calisto biết khai thác triệt để. Tôi hay đi với ông ấy, ông ấy xây dựng những đội hình và chiến thuật rất phù hợp với cầu thủ Việt, nên dưới thời Calisto, chúng ta đã có một số kết quả nhất định.
HLV Calisto và lá cờ Việt Nam trong đêm giành Cup vô địch AFF Cup 2008. Ảnh: Hoàng Hà |
* Theo ông, vị HLV người Bồ Đào Nha phù hợp với bóng đá Việt Nam, vậy ông có thể phân tích sự khác biệt giữa HLV Calisto (Bồ Đào Nha) và HLV Miura (Nhật Bản)?
- Tôi không so sánh Miura và Calisto ai hơn ai, nhưng tất nhiên là phong cách huấn luyện của họ có sự khác biệt. Đó là sự khác biệt của châu Á (cụ thể là Nhật Bản) so với châu Âu. Mỗi nền bóng đá đều có những điểm mạnh và những cái hạn chế của mình.
Về chiến thuật, ông Calisto chỉ đơn thuần sử dụng lối chơi La Tinh, còn ông Miura thử nghiệm và kết hợp giữa bóng đá Anh (bóng dài) với La Tinh (nhanh, phối hợp nhỏ). Tuy nhiên, chúng ta đã chọn ông Miura làm HLV trưởng thì nên tôn trọng cách huấn luyện của ông ấy. Bởi vậy, tôi không đồng ý với ai đó phê phán Miura một cách quá đáng, khi ông ấy còn đương nhiệm.
Nhật Bản là một nền bóng đá đang lên, nhưng họ cũng từng có giai đoạn khó khăn như chúng ta về thể hình, tư duy chiến thuật. Nhưng Nhật Bản có quy trình để phát triển từ thấp lên cao và đã vươn tầm thế giới. Chúng ta nếu muốn học hỏi họ thì không thể đốt cháy giai đoạn, cần có chiến lược cụ thể, rõ ràng, chứ một vị HLV người Nhật tới Việt Nam là chưa đủ.
HLV Miura có những con số thống kê ấn tượng hơn Calisto nhưng thành tích mang về không thể so sánh với chiến lược gia Bồ Đào Nha (thống kê đến trước giải U23 châu Á). Ảnh: Tuấn Dũng |
* Ông có thể chia sẻ điều gì khiến ông ấn tượng nhất về HLV Calisto?
- Trước đây, ĐT Việt Nam mình ra ngoài quốc tế thua hàng chục quả là chuyện bình thường, nhưng HLV Calisto nói ông không chịu. Đội tuyển ông dẫn dắt có thể thua nhưng không thua quá 3 quả, trong Đông Nam Á cũng chỉ chịu thua 1-2 quả.
Và quả thực, dưới thời HLV Calisto, đội tuyển của chúng ta thi đấu hiệu quả hơn rất nhiều với sự nhuần nhuyễn trong lối chơi. Đáng kể là chiến thắng 2-1 trước Thái Lan ở trận chung kết lượt đi, sau đó lên ngôi vô địch AFF Cup 2008 bằng trận hòa trên sân Mỹ Đình.
Ông Calisto được đào tạo bài bản ở châu Âu và có những nề nếp và quy chuẩn nhất định. Hơn nữa, ông rất hiểu tố chất của cầu thủ Việt Nam, nên không cần quá nhiều phép thử mới có thể đưa ra đấu pháp hợp lý.
|