Cuộc chiến giữa Hữu Hà và CLB Đức Long Gia Lai tiếp tục căng thẳng

12:47 Thứ năm 15/01/2015

Chủ công hàng đầu của bóng chuyền nam Việt Nam chưa thể xác định được tương lai khi những khúc mắc giữa anh với đội bóng cũ chưa được giải quyết, thậm chí đang có chiều hướng căng thẳng.

Hợp đồng 2012 được ký… năm 2014

Mối quan hệ giữa Nguyễn Hữu Hà và CLB Đức Long Gia Lai bắt đầu từ năm 2009 khi Đức Long Gia Lai đứng ra “gỡ rối” cho vận động viên này khỏi những ràng buộc với Tràng An Ninh Bình – đội bóng chủ quản của Hữu Hà lúc đó. Về với đội bóng phố núi, Hữu Hà đã ký hai bản hợp đồng lao động vào các năm 2009 và 2012.

Bản hợp đồng được ký kết ngay sau khi rời Ninh Bình về với Gia Lai năm 2009 có thỏa thuận rằng: “Sau khi kết thúc thời hạn ba năm hai bên sẽ ký tiếp một hợp đồng lao động mới có thời gian hai năm”. Như vậy, từ năm 2009 đến 2012 quy trình này diễn ra hoàn toàn hợp lý và không xảy ra bất cứ vấn đề gì. Không những thế, theo Hữu Hà, trong năm 2010, vì chưa được Liên đoàn xét thi đấu, anh chấp nhận làm quân xanh cho Đức Long Gia Lai tập luyện và theo đội ở khắp các giải đấu lớn nhỏ.

Tương lai của Hữu Hà là một trong những điều được quan tâm nhất làng bóng chuyền Việt Nam lúc này. Ảnh: NVCC.

Mọi tranh cãi đang diễn ra nằm hoàn toàn trong bản hợp đồng thứ hai, có hiệu lực từ 1/1/2012 và kết thúc vào 31/12/2014. Trong điều 1 của bản hợp đồng này có nội dung: “Sau khi kết thúc hợp đồng này, VĐV Nguyễn Hữu Hà tự nguyện giải nghệ, không tham gia đội bóng chuyền nào trong nước cũng như nước ngoài thi đấu giải bóng chuyền trong nước và quốc tế. Nếu vi phạm về nội dung cam kết và thời hạn hợp đồng được quy định tại Điều 1 Hợp đồng lao động này thì xem như hợp đồng lao động số 01A/HĐLĐ – ĐLGL được tiếp tục thêm 01 (một) năm (từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2015) và không khiếu nại”. Sự lạ đời còn nằm ở thời gian ký kết.

Theo chính Hữu Hà, có hiệu lực từ 1/1/2012 nhưng đến gần đây, chính xác là ngày 26/12/2014 vừa qua, anh mới ký vào bản hợp đồng có thời hạn hai năm này. Tức là, chỉ còn bốn ngày nữa giá trị hợp đồng sẽ kết thúc, anh mới chấp nhận bản hợp đồng có chứa điều khoản ràng buộc nghiệt ngã kia.“Bản hợp đồng được đưa ra vào năm 2012 nhưng tôi không ký vì những điều khoản vô lý kia, vì chẳng ai dại gì tự trói tay mình, trói sự nghiệp của mình cả”, Hữu Hà phân trần. Hơn nữa, những thông tin tay đập này cung cấp, bên phía Đức Long Gia Lai cho rằng việc thương thảo sau ký kết sẽ giúp cả hai bên hoàn tất mọi vấn đề. Tuy nhiên, thương thảo thất bại dẫn đến hệ quả như ngày hôm nay.

Hữu Hà biết rằng bản hợp đồng kia có thể sẽ đưa đến cái kết bằng việc giải nghệ nhưng vì khao khát được trở về gần gia đình và muốn chuyên tâm vào các công tác ở đơn vị mới (đội bóng Biên Phòng) nên đã đồng thuận một cách miễn cưỡng, trói mình vào bản hợp đồng kỳ lạ được ký trong cùng một ngày với bản thanh lý. Chủ công số một Việt Nam cũng cho biết, đến ngày 12/1 vừa qua, phía Đức Long Gia Lai đã chuyển trả số nợ lương còn lại nhưng vẫn chưa có động tĩnh gì về việc hoàn lại bảo hiểm cùng giấy tờ liên quan.

Hữu Hà và bầu Pháp thuở còn "mặn nồng". Ảnh: Đức Long.

Bầu Pháp: “Cứ theo những gì hai bên đã ký kết mà giải quyết”

Với những phản ứng của Hữu Hà và sau khi báo chí vào cuộc, Đức Long Gia Lai mà cụ thể là đích thân ông Bùi Pháp (hay còn gọi Bầu Pháp) cũng đã đưa ra những phát ngôn chính thức về sự cố này.

“Phải thừa nhận rằng Hữu Hà là nam vận động viên xuất sắc của bóng chuyền nước nhà hiện nay. Những thành tích cá nhân được các nhà chuyên môn bình chọn và trao tặng là minh chứng rõ ràng nhất. Và chúng tôi cũng không ngại khẳng định rằng chính Hữu Hà góp công lớn đưa bóng chuyền Đức Long Gia Lai có được vị thế như hiện nay”, ông chủ của đội bóng Đức Long Gia Lai ghi nhận công lao và đánh giá cao tài năng của Hữu Hà.

Tuy nhiên, được hỏi về những điều khoản đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây, bầu Pháp nhấn mạnh: “Thứ nhất, việc Hữu Hà cho rằng chúng tôi cấm cậu ấy thi đấu cho đội tuyển quốc gia dựa trên bản hợp đồng nói trên là không đúng. Vì nghĩa vụ quốc gia là trách nhiệm của mỗi cá nhân, chúng tôi hoàn toàn không có quyền và không cấm Hữu Hà cống hiến”.

“Thứ hai, trong một thời gian ngắn mà Hữu Hà liên tục đưa ra những yêu cầu và thay đổi khiến chúng tôi không biết đâu mà chiều. Đầu tiên, cậu ấy xin giải nghệ và về nhà làm công tác huấn luyện. Lần thứ hai lại xin về Biên phòng đấu thêm hai năm nữa, và bù lại cho Đức Long Gia Lai bằng một tay đập khác, sau đó lại tiếp tục xin đấu một năm rồi giải nghệ. Nhưng mới đây Hữu Hà lại thay đổi bằng thông tin rằng cậu ấy muốn tiếp tục thi đấu lâu dài và sẽ bồi thường cho chúng tôi một khoản tiền cụ thể”.

Với những thương thảo bất thành, bầu Pháp kết luận: “Với quan điểm của tôi, cứ theo những gì hai bên đã ký kết mà giải quyết”.

Hữu Hà có vai trò hết sức quan trọng ở đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam lúc này. Ảnh: CN.

Như vậy có thể thấy, không có chuyện Nguyễn Hữu Hà bị cấm tham gia vào thành phần đội tuyển quốc gia. Việc anh có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp vận động viên hay không vẫn phải tiếp tục chờ những quyết định có tính chất thay đổi của Đức Long Gia Lai. Nếu đội bóng phố núi giữ quan điểm cương quyết này, đồng nghĩa với việc Hữu Hà dù uất ức cũng phải chấp thuận những cam kết đã được ký kết.

Từ vụ việc không đáng có của Hữu Hà có thể thấy sự bất cập trong cơ chế hợp đồng và chuyển nhượng cầu thủ ở bóng chuyền nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Đây được xem là vấn đề không mới khi vào năm 2005, ở môn bóng đá, phó Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) Dato Paul Mony đã khuyến cáo VFF nên xây dựng một mẫu hợp đồng cho CLB. Hợp đồng này vừa phải tuân thủ những quy định bắt buộc của FIFA vừa phù hợp với Bộ luật lao động Việt Nam. Nhưng 10 năm trôi qua, thể thao Việt Nam vẫn đang vướng vào những sự cố thiếu chuyên nghiệp như trên.

Trân Trần | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục