Công Vinh “chuyển nhượng triệu đô”: Riêng một góc trời

16:20 Thứ sáu 17/10/2014

Với việc đầu quân cho B.Bình Dương, Lê Công Vinh đã ghi dấu mốc mới trong nghiệp cầu thủ của mình. Sau 6 năm rời SLNA, tổng giá trị chuyển nhượng của Công Vinh đã lên tới hơn 22 tỷ đồng, con số chuyển nhượng lên tới triệu đô trong làng bóng đá nội.

6 năm & “thương hiệu hot nhất” trên sàn chuyển nhượng bóng đá nội

Bóng đá Việt Nam đã trải qua hơn một thập kỷ bước vào sân chơi được khoác áo chuyên nghiệp. Nếu tìm một gương mặt tiêu biểu nhất cho bóng đá Việt hơn chục năm qua thì đó chính là Lê Công Vinh. Tiền đạo xứ Nghệ hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành “thương hiệu hot nhất” trên sàn chuyển nhượng.

Xét về chuyên môn Công Vinh luôn ghi điểm trong mắt những người làm nghề khó tính. Ngoài ý chí vượt khó sau những lần vấp ngã, bảng thành tích của tiền đạo này rất ấn tượng. Công Vinh ba lần giành quả bóng vàng, là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử V-League với hơn 100 bàn, ghi bàn quyết định mang lại chức vô địch AFF Cup 2008 cho bóng đá Việt Nam, chưa kể hàng loạt các danh hiệu cá nhân lớn nhỏ khác nhau.

Công Vinh và Hải Anh tỏa sáng giúp ĐTVN thắng đậm Myanmar 6-0 trong trận đấu ra mắt của HLV Miura

Nhưng để duy trì sức nóng và hình ảnh tiêu biểu cho một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp thị trường thì chuyên môn là yếu tố cần, nhưng chưa đủ. Công Vinh luôn biết cách làm “nổi bật” hình ảnh qua nhiều sự kiện.

Vụ vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh năm 2010 trên sân Cao Lãnh và sau đó là tuyên bố sẽ giải nghệ nếu bị phạt nặng của Công Vinh đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí. Kể từ khi yêu Thủy Tiên, một ca sĩ nổi tiếng trong giới showbiz, hình ảnh Công Vinh lại xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Việc có “bạn đời” là sao trong giới nghệ thuật càng giúp Công Vinh thuận lợi hơn trong việc được quảng bá hình ảnh bản thân.

Không chỉ có thế, Công Vinh còn có cách ăn nói khéo để không làm mất lòng giới truyền thông. Việc Công Vinh từ chối lời mời của Sapporo để tiếp tục gắn bó với SLNA ở nửa mùa giải trước đã giúp anh duy trì hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ. Đó còn chưa kể đến những chuyến đi từ thiện mỗi độ tết đến, xuân về càng giúp tiền đạo người xứ Nghệ ghi điểm trong mắt cộng đồng.

Công Vinh là chân sút đắt giá nhất lịch sử bóng đá Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà CLB Sapporo liên tục săn đón Công Vinh bởi ngoài giá trị sân cỏ anh còn giúp họ có thể quảng bá thương hiệu. Không phải ngẫu nhiên mà Công Vinh được mời làm đại diện hình ảnh cho một thương hiệu xe hơi danh tiếng. Đó là chưa kể rất nhiều nhãn hàng khác sẵn sàng mời Công Vinh hợp tác.

Một người biết kết hợp giữa khả năng sân cỏ và quảng bá hình ảnh như thế thì tiền tự đến như một lẽ tự nhiên.

Năm 2008, Công Vinh lần đầu tiên rời SLNA gia nhập HN.T&T với giá chuyển nhượng hơn 7 tỉ đồng/3 năm khiến nhiều người bất ngờ. 3 năm sau, anh “kết duyên” với bầu Kiên năm 2011 với giá 13 tỉ đồng (mẹ Công Vinh thừa nhận trên một tờ báo) như một câu chuyện của thời thế. Bầu Kiên hết thời, Công Vinh về SLNA và có thời gian được đội bóng xứ Nghệ cho CLB Consodale Sapporo (Nhật Bản) mượn với giá trị được ước tính không dưới tiền tỷ.

Mới nhất, ngày 16/10/2014, Công Vinh chính thức về B.Bình Dương với số tiền được giới truyền thông đưa tin khoảng 5 tỷ đồng “lót tay” cho 3 mùa bóng. B.Bình Dương mua anh không chỉ để nâng cao chất lượng đội hình mà còn kéo những người Nghệ xa quê lấp đầy sân Gò Đậu vào cuối tuần. Bênh cạnh đó B.Bình Dương đang mở rộng hợp tác với một số CLB của Nhật Bản và không ai thích hợp Công Vinh trong vai trò kết nối và quảng bá hình ảnh.

Riêng một góc trời

Sau một thời kỳ sơ khai, tự phát, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang dần quay về với giá trị thực của mình. Có thể khẳng định rất khó để tìm ra được một Công Vinh thứ hai trong tương lai gần bởi rất nhiều yếu tố. Môi trường bóng đá đang dần thay đổi, các ông bầu không có tiền để “đốt” như trước. Trong làng bóng đá Việt hiện nay cũng chưa có nhiều ngôi sao hội tủ đủ yếu tố như tiền đạo người xứ Nghệ.

Tên tuổi của Công Vinh đã vươn tầm châu lục

Cái tên tiềm năng nhất lúc này là Công Phượng, nhưng với cách đào tạo như học viện HAGL-JMG và dưới trướng bầu Đức thì tiền đạo nhiều hứa hẹn này không phải là ngôi sao bóng đá chuyên nghiệp kiểu thị trường. Công Phượng có thể tài năng chuyên môn, nhưng trừ khi khả năng sân cỏ của anh được các câu lạc bộ nước ngoài thừa nhân thì giá trị mới có thể ước tính lên đến triệu đô. Còn với riêng nền bóng đá khoác áo “chuyên nghiệp kiểu V-League” thì Công Vinh hiện giờ vẫn riêng một góc trời.

Hồ Huyền | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục