Con nhà nông trên đỉnh đấu trường thể thao

16:49 Thứ hai 23/02/2015

Trong năm 2014 đầy thăng trầm của thể thao Việt Nam, thêm một lần nữa, những vận động viên có tuổi thơ gắn với làng quê, ruộng đồng đã tạo dấu ấn đậm nét. Với nỗ lực tôt bậc, các vận động viên này đã tạo nên tầm vóc mới cho thể thao Việt Nam trên những đấu trường ở đẳng cấp cao.

Ánh Viên: Cú đúp “số một”

Năm thứ hai liên tiếp, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên giữ ngôi số một trong danh sách 10 vận động viên tiêu biểu toàn quốc. Đây không phải điều bất ngờ bởi vài năm trở lại đây, cô gái này đã là niềm hy vọng số một của bơi lội Việt Nam. Được đầu tư kỹ lưỡng, Ánh Viên đã trở thành một trong những tay bơi mạnh nhất của Đông Nam Á và dần tiệm cận đẳng cấp hàng đầu châu Á.

Ánh Viên trên đường đua xanh.

Năm 2013, thành tích nổi bật tại SEA Games 27 (3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, phá 2 kỷ lục SEA Games) đã giúp Ánh Viên trở thành vận động viên tiêu biểu nhất năm 2013. Năm 2014, sau khi được thăng quân hàm lên đại úy trước niên hạn, Ánh Viên tiếp tục chứng tỏ năng lực tuyệt vời của mình tại ASIAD 2014.

Trên đường đua xanh, Ánh Viên đã tạo nên mốc son lịch sử cho bơi lội Việt Nam khi giành 2 huy chương đồng ở các cự ly 400m hỗn hợp và 200m ngửa, tương đương 2 chuẩn A Olympic. Bên cạnh đó, Ánh Viên còn giành huy chương vàng nội dung 200m hỗn hợp tại giải Olympic trẻ.

Đang trong thời kỳ thăng hoa của sự nghiệp, Ánh Viên tiếp tục nhận được rất nhiều kỳ vọng. Ban huấn luyện đã xây dựng lộ trình tập luyện, thi đấu đặc biệt cho Ánh Viên để hướng tới những mục tiêu cao hơn.

Trong năm 2015, ngoài sân chơi SEA Games đã trở nên chật chội, Ánh Viên sẽ tham gia nhiều giải đấu tại Mỹ để hướng tới mục tiêu lọt vào tốp 5 (có khả năng tranh chấp huy chương) tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Với những gì đã thể hiện, Ánh Viên đã chứng tỏ, cô hoàn toàn có thể hoàn thành ước mơ tưởng như bất khả thi của bơi lội Việt Nam bấy lâu nay.

Công Phượng: Đỉnh cao hơn phía trước

Trong năm 2014, Nguyễn Công Phượng là một trong những cái tên nổi bật nhất của bóng đá Việt Nam. Cùng với lứa cầu thủ U19 Việt Nam (trong đó nòng cốt là học viên của Học viện Hoàng Anh Gia Lai- Arsenal JMG), Công Phượng đã gây tiếng vang lớn ở mọi giải đấu tại nhiều cấp độ khác nhau mà họ tham dự.

Cầu thủ Công Phượng.

Thi đấu tại giải U19 châu Á, U19 Đông Nam Á, U22 châu Á, Công Phượng luôn là nguồn cảm hứng cho các đồng đội với phẩm chất kỹ thuật tuyệt vời, nhãn quan chiến thuật tinh tế và khả năng săn bàn rất nhạy cảm. Thậm chí, bàn thắng mà Công Phượng ghi vào lưới U19 Australia tại giải U19 Đông Nam Á được truyền thông quốc tế ca ngợi và coi cầu thủ này có những tố chất tài năng mang hình bóng của thiên tài Messi.

Vốn được đào tạo bài bản không chỉ về chuyên môn, Công Phượng luôn giữ được sự điềm tĩnh nhất định cả khi thành công cũng như lúc thất bại. Thật tiếc cho Công Phượng và đồng đội khi không thể đăng quang tại giải U19 Đông Nam Á cũng như U22 Đông Nam Á (đều thua trong trận chung kết), nhưng cầu thủ này đã thực sự tạo nên một cơn sốt ở bất cứ nơi đâu anh xuất hiện. Vượt qua sóng gió về vấn đề tuổi tác cuối năm 2014, Công Phượng đã được kỳ vọng nhiều hơn khi khoác áo đội một Hoàng Anh Gia Lai đá V-League 2015.

Trong năm nay, cái đích lớn nhất của bóng đá Việt Nam sẽ là tấm huy chương vàng SEA Games 28 tổ chức tại Singapore. Dù mới bước sang tuổi 20, nhưng Công Phượng chắc chắn sẽ là một trong những trụ cột của đội tuyển U23 Việt Nam. Vinh quang dĩ nhiên kèm theo rất nhiều thử thách, áp lực, nhưng với một cầu thủ đã nếm trải không ít ngọt bùi chỉ trong 2 năm qua, có thể tin rằng, Công Phượng sẽ trưởng thành hơn, để thực sự là đầu tàu cho một “thế hệ vàng” trong tương lai của bóng đá Việt Nam.

Quách Thị Lan: “Cô gái vàng” điền kinh

VĐV Quách Thị Lan.

Tại ASIAD 2014, điền kinh Việt Nam trong những ngày đầu đã lâm vào tình trạng “khát” huy chương khi nhiều niềm hy vọng như Nguyễn Thanh Phúc, Vũ Thị Hương lần lượt thất bại. Bất ngờ, Quách Thị Lan tỏa sáng khi giành tấm huy chương bạc ở nội dung chạy 400m nữ. Đây được coi là điều nằm ngoài sự tiên liệu của ban huấn luyện cũng như người hâm mộ bởi nội dung này có rất nhiều vận động viên tài năng đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka hay Bahrain.

Với sức trẻ và quyết tâm cao độ, Quách Thị Lan đã không tỏ ra e ngại mà bung hết sức thi đấu. Chính điều đó đã giúp cô gái người Thanh Hóa đạt phong độ xuất sắc và suýt nữa đã vượt qua vận động viên nhập tịch Adekoya Oluwakemi Mujidat (gốc Nigeria, giữ kỷ lục ASIAD) để giành huy chương vàng. Tuy chỉ giành ngôi “á hậu”, nhưng thành công của Quách Thị Lan được coi như “vàng mười” của điền kinh Việt Nam.

Nhắc tới thành công này, huấn luyện viên đội tuyển điền kinh Việt Nam Nguyễn Trọng Hổ cho biết: “Chúng tôi rất vui khi Lan đạt thành tích cao, song cũng có đôi chút tiếc nuối khi vận động viên gốc Nigeria của Bahrain quá mạnh”. Nói là “quá mạnh”, nhưng ở cuộc đua quyết liệt ấy, Quách Thị Lan chỉ về sau Adekoya vài mét.

Năm nay mới bước sang tuổi 19, trước mắt Quách Thị Lan chắc chắn là tương lai rộng mở. Nếu được đầu tư kỹ lưỡng, nữ vận động viên này hoàn toàn đủ khả năng trở thành “cô gái vàng” thực sự của điền kinh Việt Nam. Nên nhớ, chuyên gia người Mỹ Loren Seagrave, người đã lên giáo án huấn luyện tổ 4x400m (trong đó có Quách Thị Lan) tại ASIAD 2014 đã khẳng định: “4 năm nữa, Quách Thị Lan sẽ là Adekoya của Việt Nam”.

Với Quách Thị Lan, điền kinh Việt Nam đúng là đang sở hữu một viên ngọc quý để tạo nên những cú bứt phá ngoạn mục trong tương lai.

Long Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục