Chuyện trong ngày: Tiến một bước, lùi hai bước

15:41 Thứ ba 24/11/2015

(TinTheThao.com.vn) - Các cầu thủ Việt Nam loay hoay trong vòng luẩn quẩn: nỗ lực phấn đấu để được lên U23, lên đội tuyển quốc gia rồi lại bị “hạ cấp” xuống U21 vì lãnh đạo chạy theo thành tích.

1. Hơn một năm trước, tại Giải vô địch U19 châu Á 2014, U19 Việt Nam với nòng cốt là lứa học viên khóa một học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG đã thất bại 0-6 trước U19 Hàn Quốc. Ở Giải U21 quốc tế 2015 đang diễn ra, U21 HAGL vừa gặp lại U19 Hàn Quốc và “chỉ” thua 0-1. Nhiều người liền so sánh, đám trẻ của bầu Đức đã tiến bộ hơn nhiều.

U21 HAGL thất bại 0-1 trước U19 Hàn Quốc. Ảnh: Đình Viên.

Quả thật, Công Phượng và các đồng đội đạt được những bước tiến đáng kể trong năm 2015, nhưng lấy một trận đấu trong giải giao hữu trẻ để đánh giá cả lứa cầu thủ là hơi thiển cận. Chưa kể, đội hình U19 Hàn Quốc sang TP. Hồ Chí Minh chỉ mới 18 tuổi, được tập hợp từ các trường học chứ chưa hề thi đấu tại bất kì giải đấu chuyên nghiệp nào như U21 HAGL.

 2. 2015 được xem là năm đại bại của bóng đá Việt Nam trước Thái Lan. Ngoại trừ chiến tích của đội tuyển nữ Việt Nam (vượt mặt Thái Lan để giành vé vào vòng loại cuối cùng Olympic 2016), tất cả các cấp độ khác đều gục ngã khi đối đầu người Thái. Thế nên, việc U21 Việt Nam đánh bại U21 Thái Lan 4-2 tại Giải U21 quốc tế được khán giả Việt tung hô không phải là điều khó hiểu.

Tuy nhiên, một lần nữa cần nhìn lại chất lượng đội hình của hai đội. U21 Thái Lan không phải một đội bóng “chính thống”, mà chỉ lấy nòng cốt từ U19 Muangthong United và U19 Assumption United. Trong khi đó, HLV Phạm Minh Đức sử dụng cả những tuyển thủ quốc gia (Duy Mạnh, Hùng Dũng, Duy Khánh) tại giải đấu này.

3. Kết quả trước mắt, HAGL không còn thua quá đậm trước Hàn Quốc, Việt Nam “trả được ít nợ” với Thái Lan. Tuy nhiên, về lâu dài, việc điều những cầu thủ ở đẳng cấp cao xuống đá giải trẻ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Dễ thấy nhất là các cầu thủ trẻ “mới toanh” bị tranh mất suất và khó có cơ hội thể hiện tài năng ở sân chơi vốn dĩ thuộc về mình.

U21 Việt Nam đánh bại U21 Thái Lan 4-2. Ảnh: Đình Viên.

Nguy hiểm hơn, những tuyển thủ quốc gia hoặc những cầu thủ đã tạo dựng được tên tuổi ở V-League sẽ giúp đội U21 đạt thành tích cao ở một số giải đấu nhất định, nhưng điều này lại ngăn cản sự phát triển khả năng của chính họ. Ở tầm U19 hoặc U21, chúng ta vượt trội Thái Lan và có thể thi đấu ngang ngửa với các đội hàng đầu châu lục. Sang U23, chúng ta chật vật trước người Thái và chịu thua người Nhật. Đến cấp độ đội tuyển quốc gia, khoảng cách đã là một trời một vực!

4. Cách đây một năm, dư luận xôn xao về bức thư của một cô gái Việt ở Nepal gửi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo bàn chuyện dạy tiếng Anh. Cô dẫn rằng học sinh tiểu học ở Nepal học tiếng Anh với mức độ khó tăng dần rõ rệt từ lớp một đến lớp năm. Còn ở Việt Nam, suốt 5 năm học, các em quanh đi quẩn lại mỗi ba câu: "Hello! How're you? Where're you from?" (Xin chào? Bạn khỏe không? Bạn từ đâu đến?)

Các cầu thủ Việt Nam hiện tại dường như cũng quanh quẩn với “quy trình” ấy: nỗ lực phấn đấu để được lên U23, lên đội tuyển quốc gia rồi lại bị “hạ cấp” xuống U21 vì lãnh đạo chạy theo thành tích. Cứ mãi tiến một bước mà lùi hai bước như vậy, đến khi nào bóng đá Việt Nam mới “tiến bộ” được đây?

Hữu Thời | 15:30 24/11/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục