Chuyển kể ở Brazil Kỳ 7:Về thủ đô văn hóa thăm nhà Dante

12:44 Thứ bảy 22/06/2013

Lời tòa soạn: Xin quý độc giả đừng hiểu lầm, đây không phải là thành phố nghệ thuật Florence, quê hương của nhà thơ Dante nổi tiếng. CTV Trương Hoàng của chúng tôi đã có mặt ở Salvador và tìm đến tận nhà của trung vệ Dante, ĐTQG Brazil.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

Ấn tượng Salvador

Salvador. Salvador là gì nhỉ? Nghe cứ như tên của một quốc gia nhỏ ở Trung Mỹ - El Salvador, đất nước nổi tiếng một cách bất đắc dĩ nhờ cuộc chiến tranh bóng đá với Honduras vào năm 1969. Nghe cứ như tên của danh họa Salvador Dali, một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến trường phái siêu thực trong thế kỷ 20. À, còn có một Salvador nữa. Salvador, thành phố thủ phủ bang Bahia ở Brazil, “thủ đô của niềm vui”(theo cách gọi của dân Brazil) nằm bên bờ biển Đông Bắc. Salvador, thành phố có lễ hội Carnaval lớn nhất thế giới (hơn 4 triệu người, trong đó có gần 1 triệu du khách, sẽ ăn mừng trong suốt một tuần lễ vào tháng Hai hàng năm) và được truyền hình đến tổng cộng 135 quốc gia. Salvador, thành phố có sân vận động Arena Fonte Nova, nơi Brazil sẽ chạm trán Italia trong cuộc chiến phân định ngôi đầu bảng A Confed Cup.

Khu tập thể cũ nơi Dante từng sinh sống

Tôi đến Salvador vào một ngày nắng gắt. Tháng Sáu ở Nam bán cầu lẽ ra đã là mùa Đông, nhưng vị trí ngay gần xích đạo của Salvador không cho phép nó được đón nhận các luồng không khí lạnh: nhiệt độ trung bình ở Salvador, tháng nào cũng như tháng nào, đều xấp xỉ 25 độ C. Trong thời tiết nóng nực thế này thì lý tưởng là bắt một chiếc taxi để về khách sạn nghỉ ngơi cho sớm, nhưng tôi cũng chẳng vội vã gì (đằng nào thì ngày mai Brazil cũng mới đá với Italia) nên quyết định tiết kiệm chi phí bằng cách lên xe bus. Cái giá bèo bọt 4 reais (khoảng 34.000 VNĐ) tất nhiên không thể đi kèm với sự thoải mái được, nhưng thôi kệ, đời “phượt thủ” là thế mà. Sau khi ngủ vật vờ hơn 1 tiếng đồng hồ trên xe, cuối cùng tôi cũng đến được khách sạn và bắt đầu hành trình khám phá.

Ngã ba văn hóa Mỹ - Phi

Salvador là một thành phố của những điều đối lập: sát bờ biển là những ngôi nhà tráng lệ, những chiếc du thuyền sang trọng đậu bên cửa vịnh mà nếu không quan sát kỹ thì có lẽ tôi đã tưởng mình đang đứng trước biển Địa Trung Hải ở Barcelona hay Monaco. Nhưng cách đó không xa là nhũng ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc Baroque nằm trên vách núi, trong đó nhà thờ Thánh Francisco là một trong những nhà thờ Baroque quan trọng nhất trên toàn thế giới. Ở Salvador, cũng giống như hầu hết các thành phố khác trên đất nước Brazil, dấu ấn của người Bồ Đào Nha là không thể chối cãi, nhưng có một điểm khác biệt lớn với Rio de Janeiro hay Sao Paulo là Salvador còn thừa kế cả những điểm đặc sắc của văn hóa châu Phi. Từ thế kỷ 16, Salvador đã là trạm trung chuyển tấp nập nhất của con đường buôn bán nô lệ từ lục địa đen sang Nam Mỹ. Rất nhiều nô lệ người châu Phi đã ở lại đây, để lại hậu duệ (có tới 49,2% cư dân Salvador là người gốc Phi) và lưu truyền theo đó cả những nét văn hóa truyền thống. Đến tận bây giờ, ẩm thực Salvador vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn của các món ăn châu Phi, trong đó nguyên liệu nổi bật nhất là azeite-de-dende, một loại dầu dừa có gốc gác từ vùng Tây Phi (nếu bạn có dịp đến đây, hãy nhớ ghé thăm nhà hàng Paraiso Tropical, nơi tôi từng được thưởng thức món azeite-de-dende chính hiệu). Kể cả điệu nhảy Capoeira nổi tiếng ở vùng này cũng là sự pha trộn giữa các vũ điệu hoang dã của châu Phi và Nam Mỹ, và chính nhờ sự đa dạng đó mà Salvador được coi là thủ đô văn hóa (một cách không chính thức) của Brazil: phần lớn những ca sĩ lừng danh nhất ở xứ sở Samba trong giai đoạn từ giữa thế kỷ 20 đến nay đều xuất thân từ Salvador, trong đó có Dorival Caymmi, Gilberto Gil và Caetano Veloso, còn nhà văn lỗi lạc Jorge Amado cũng là một người con Salvador khác.

Viva Vietnam!

Bên cạnh các giá trị văn hóa thì Salvador còn là một trung tâm thể thao. Đây là nơi có phong trào bóng rổ và chèo thuyền rất phát triển, và quan trọng nhất: Salvador là quê hương của trung vệ Dante, người mới giành cú ăn ba lịch sử cùng Bayern Munich mùa giải vừa qua và cũng góp mặt trong thành phần ĐT Brazil tham dự Confed Cup 2013. Thực ra bang Bahia còn đóng góp một tuyển thủ nữa cho Selecao là Dani Alves, nhưng hậu vệ của Barca sinh ra ở tận Juazeiro, cách Salvador hơn 500km và hành trình đi đến đó không phải là đơn giản nên tôi quyết định tìm về nơi chôn nhau cắt rốn của Dante. Ở Salvador, Dante là một trong những nhân vật có tiếng tăm nhất nên tìm nhà anh cũng chẳng khó khăn gì. Anh chàng lễ tân khách sạn bảo tôi đi về thị trấn Binoculo, nơi sinh sống của những người lao động nghèo ở trên các dốc núi. Còn tay lái taxi thì rất nhiệt tình giới thiệu bằng thứ tiếng Anh khá trôi chảy: “Giờ này gia đình Dante đã đến khách sạn Stella Maris (nơi đóng quân của ĐT Brazil) hết rồi. Cậu không gặp được họ đâu, nhưng tôi biết một đồng đội cũ của Dante ở tuyến trẻ của Catuense. Nếu muốn, tôi có thể giới thiệu cậu với hắn”. Đồng ý liền, nhất là khi chi phí chỉ là một bữa ăn trưa mà thôi.

“Dante à, năm 14 tuổi tôi đá cùng cậu ta một năm ở Catuense đấy. Năm 15 tuổi thì cậu ta chuyển sang Galicia. Thực ra đó cũng không phải đội bóng hùng mạnh gì đâu, chỉ những ai thi trượt vào Bahia và Vitoria (hai đội bóng lớn nhất ở Salvador) thì mới dạt đến đó thôi.”. “Thế hồi đó Dante chơi có xuất sắc không?” – tôi hỏi. “Cũng chẳng có gì nổi bật. Hồi đó cậu ta thường đá tiền vệ trụ, nhưng khả năng chuyền bóng khá xoàng” – Eduardo, cựu-cầu-thủ-trẻ-nay-chuyển-nghề-làm-hướng-dẫn-viên-du-lịch đáp lại. Có lẽ tay này nói đúng, bởi Dante chỉ thực sự tỏa sáng khi được xếp chơi ở vị trí trung vệ, nơi không đòi hỏi quá cao về kỹ năng xử lý bóng. “Rồi sao nữa? Sao anh ta lại rời Galicia/” – tôi hỏi tiếp. “Cậu ta thấy không có khả năng phát triển thêm nên muốn sang Juventude tập luyện. Nhưng hồi đó nhà Dante làm gì có tiền, cậu ta cũng trắng tay nốt. Nên Dante phải bán hết những tài sản duy nhất của cậu ta, một cái TV và một bộ trò chơi điện tử, để lấy tiền lộ phí đi xe bus đến tận Caxias do Sul (một thành phố ở bang Rio Grande do Sul, cách Salvador khoảng 2 ngày đường). Khi biết chuyện đó, ông nội Dante đã chửi cậu ta là thằng điên, nhưng cậu ta vẫn tin vào giấc mơ được khoác áo ĐTQG”. “Khi Dante chuyển đi, các anh có liên lạc thường xuyên không?”. “Không nhiều lắm, nhưng thỉnh thoảng tôi có gọi điện hỏi thăm. Cậu ta bảo ở đó rất lạnh, nhưng may mà được CLB phát thêm một ít quần áo ấm. Khi Dante sang châu Âu thì tôi bị mất liên lạc, nhưng mới tháng trước, khi Dante về đây để làm đại sứ của chương trình SOS dành cho trẻ em thì tôi đã gặp cậu ta đấy. Cậu ta bảo vẫn còn nhớ tôi. Tôi rất hạnh phúc”. “Tôi cũng rất hạnh phúc vì được nghe anh chia sẻ, Eduardo ạ. Mà sao anh chẳng đòi hỏi gì ở tôi ngoài một bữa ăn?” “Tôi có mất gì đâu. Kể lại một câu chuyện cũ thôi mà. Với lại tôi chưa bao giờ đón một vị khách từ xa đến thế. Từ tận Việt Nam mà cậu vẫn sang đây. Viva Vietnam!”.

Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục