Ông Nguyễn Hồng Minh nguyên là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT), Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ tham dự SEA Games 2003, 2005; ASIAD 2002, 2006; Olympic 2004. |
Tốn không dưới 400 triệu USD
Ông bình luận gì về dự toán kinh phí tổ chức ASIAD với 150 triệu USD, cùng cam kết không vượt quá con số này của lãnh đạo Bộ VH, TT&DL?
Các công việc chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 - ASIAD năm 2019 chưa triển khai, song ngay hiện tại đã thấy rõ kinh phí tổ chức tối thiểu cũng đã trên 300 triệu USD như con số Bộ Tài chính đưa ra. Đó là chỉ mới tính hai hạng mục cứng: Xây mới một số công trình và nâng cấp, sửa chữa các địa điểm tập luyện, thi đấu. Chắc chắn không thể tổ chức ASIAD với 150 triệu USD. Cùng một sự kiện với tiêu chuẩn chung, người ta tốn gấp 5-7 lần, thậm chí 10 lần mức ấy, chẳng lẽ nào Việt Nam lại “siêu” như thế.
Tôi cho rằng, có làm tiết kiệm thì chúng ta cũng phải tốn không dưới 400 triệu USD. Con số 150 triệu USD là không tưởng và có thể đó là cách tiếp cận, cách tính của riêng ngành Thể thao.
Vì sao các con số lại khác biệt đến vậy, thưa ông?
Trên thực tế khách quan của các nước đã đăng cai, đặc biệt với một sự kiện như ASIAD luôn bị “đội giá” đến vài lần. Ngay với Hàn Quốc có kinh nghiệm và khả năng tổ chức hàng đầu châu Á thậm chí là đẳng cấp thế giới mà ASIAD Incheon 2014 đã “đội giá” 110% ngay từ hai năm trước. Theo tôi, đến khi Đại hội diễn ra, con số này có thể lên tới 200%. Kinh phí Hàn Quốc phải chi sẽ hơn nhiều mức 1,1 tỷ USD dự kiến.
Quan trọng hơn là ở chính chúng ta. Năng lực dự toán, lên chương trình và kế hoạch còn rất bất cập. Ngành Thể thao mới chỉ có làm được đề án rất sơ sài, phần nào đó mơ hồ dựa trên mô hình chung của các nước. Chưa kể rằng, Việt Nam còn bị sức ép về mặt thời gian khi chỉ còn 5 năm, việc tổ chức, phối hợp thực hiện, giám sát luôn nhiều hạn chế nên chắc chắn các khoản phát sinh sẽ rất lớn và khó lường.
Giám sát quy trình chuẩn bị
Điều gì khiến ông lo lắng, quan tâm nhất trong quá trình chuẩn bị và đăng cai ASIAD của Việt Nam?
Ngay từ khi chúng ta có ý định vận động đăng cai, tôi đã từng nhiều lần nêu ý kiến phải xem xét mọi việc kỹ lưỡng, lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân một cách thấu đáo, cũng như đề xuất tạm dừng khoảng 8 năm cho phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt với bối cảnh suy thoái kinh tế. Giờ thì Việt Nam đã nhận, nên phải cố gắng làm cho thật tốt với tiêu chí chất lượng và tiết kiệm. Nhưng thật sự tôi thấy rất lo lắng với cách thức tiếp cận, thực hiện thiếu rõ ràng, không đồng bộ và chậm chạp.
"Việc đầu tư các công trình thể thao phục vụ ASIAD phải có trọng tâm, trọng điểm; Chủ yếu tập trung cải tạo, nâng cấp những công trình hiện có; Chỉ xây dựng một số công trình thực sự cần thiết, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước”. GS.TS. Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
Theo ông, chúng ta phải tập trung làm gì để chuẩn bị tốt nhất cho ASIAD năm 2019?
Nhìn vào đâu cũng thấy ngổn ngang, từ chuyện tổng kinh phí bao nhiêu, đề án tổng thể, các tiểu đề án như thế nào đến đầu mối tổ chức và phương thức triển khai ra sao. Đó là những việc mà các cơ quan hữu trách, trước hết là ngành Thể thao, cần phải khẩn trương làm thật tốt.
Từ lúc vận động đến giờ, tôi có cảm giác đăng cai ASIAD chỉ là việc riêng của ngành Thể thao. Như tôi đã từng phát biểu khi được Quốc hội tham vấn, bên cạnh chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất, Quốc hội và Chính phủ cần có sự phản biện, giám sát chặt chẽ quá trình chuẩn bị nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ cũng như phòng tránh nguy cơ tiêu cực, lãng phí có thể xảy ra.
Phải có phương án hậu ASIAD
Ngay cả các nước phát triển, vấn đề hậu Olympic hay ASIAD cũng luôn đặt ra câu chuyện quản lý và sử dụng các cơ sở vật chất sao cho hiệu quả, nên Việt Nam chắc còn khó hơn?
Có thể còn nặng nề hơn nhiều, với rất nhiều nguy cơ và thách thức. Có thể thấy ngay, nếu không cẩn thận chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “đội giá” với nguồn kinh phí đều lấy từ ngân sách Nhà nước, sẽ là một gánh nặng những hệ lụy cho cả nền kinh tế. Việc bảo quản, sử dụng, khai thác các công trình thể thao cũng là một câu chuyện đầy rủi ro. Theo phương án xây dựng Làng VĐV đầu tư 2.000 tỷ đồng, sau khi phục vụ ASIAD sẽ được bán, nhưng thử hỏi tính khả thi ra sao khi mà thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài như hiện nay. Còn dự án sân Đua xe đạp lòng chảo, sân Hockey tại Mỹ Đình, sân Golf Long Thành, Khu đua ngựa tại Đà Lạt, chúng ta giải quyết như thế nào sau khi ASIAD kết thúc, khi mà nhu cầu và khả năng phát triển thực tế còn quá thấp, thậm chí chưa có.
Ông có ủng hộ đề xuất không xây dựng Làng VĐV?
Tôi cho rằng đó cũng là một phương án cần được xem xét, song rất khó được Ủy ban Olympic châu Á chấp nhận vì xây dựng Làng VĐV là một hạng mục bắt buộc. Theo tôi, tất cả các vấn đề, phương án cho ASIAD 2019 cần phải được đặt ra, thống nhất một cách kỹ lưỡng và hợp lý nhất, đặc biệt với việc xây mới các công trình. Chúng ta chỉ xây mới những công trình mang tính bắt buộc, với quy mô, mức độ phù hợp và dứt khoát phải kèm theo phương án hậu ASIAD. Ngoài ra, cũng nên tận dụng tối đa nguồn xã hội hóa nhưng phải chắc chắn.
Đơn cử với dự án sân Đua xe đạp lòng chảo, phía Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư 200 triệu USD song lại kèm theo điều kiện phải cho tổ chức đặt cược, ưu đãi thuế ở mức cao nhất mà quy định Việt Nam chưa có.
Cảm ơn ông!
Nguồn: xevathethao.vn |
Copy Link
Kim Tuyến |
00:00 30/11/-0001