Chuyển động 24h: Lạc bước giữa sự thật

17:46 Thứ ba 18/11/2014

(TinTheThao.com.vn) - Sau khi chương trình Chuyển động 24h có phóng sự nói về tuổi thật của Công Phượng, đã có rất nhiều bức thư từ bạn đọc gửi về Báo Thể thao Việt Nam. Bức xúc có, đồng ý có, khách quan có, chủ quan có,... Dưới đây BBT xin trích đăng lá thư của độc giả Tiến Đạt ở địa chỉ email lawyer.huynh***@gmail.com.

Ngồi xem đoạn phóng sự của chương trình Chuyển động 24h, tôi cảm thấy khó chịu với cách mà VTV nói chung và Chuyển động 24h nói riêng (gọi chung là VTV) cố tình bới móc vấn đề tuổi tác của Công Phượng.

Nguyễn Công Phượng đang được truyền thông chú ý trong thời gian qua. Ảnh internet

Vì sự công bằng, vì sự trung thực, vì bản thân Công Phượng, vì tương lai thể thao Việt Nam hay vì chính bản thân họ (VTV)? Bản thân tôi cho rằng VTV đang vì chính lợi ích của bản thân họ nhiều hơn khi làm điều này. Vì chính cái cách mà họ tiếp cận vấn đề, vì chính cái cách mà một chương trình tổng hợp văn hóa, chính trị, xã hội lại dành đến 1/3 thời lượng trong tổng số 43 phút quý báu của chương trình chỉ để nói về tuổi tác Công Phượng (đã có ít nhất 4 số chương trình liên tiếp lặp lại như vậy), thì chắc rằng họ phải đang “say máu”, quyết ăn thua đủ với mong muốn được thỏa mãn cái gọi là đạo đức nghề nghiệp đi tìm sự thật của họ dữ lắm. Có lẽ họ đang muốn chứng tỏ cho mọi người biết họ là ai, còn tôi lại muốn chỉ ra họ thực chất là như thế nào:

1. VTV mà cụ thể là ban ekip của Chuyển động 24h đã dùng những từ ngữ, những sắc thái giọng nói và cùng với đó là những âm thanh lồng ghép chỉ có thể được tìm thấy trong các bộ phim hình sự nhằm đẩy sự việc lên một cách trầm trọng và cao trào nhất có thể (mà mạnh mẽ nhất là chương trình trưa ngày 16/11/2014). Công Phượng (và cả gia đình Công Phượng) hiện lên như một nhân vật phản diện mà ở đó chúng ta không thể nhận thấy một chút nào lòng trắc ẩn của VTV đối với một cậu bé như cái cách mà họ luôn lớn tiếng rằng: “Giúp Công Phượng có được sự nhẹ nhõm và thanh thản trong tâm hồn”?

Thay vì lối dẫn chuyện nhẹ nhàng và đưa ra hai luồng thông tin về hai năm sinh của Công Phượng để người xem tự cảm nhận, hoặc chờ một kết luận chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền rồi sau đó hãy đưa tin, thì ở đây họ lại phiến diện, họ không làm người đưa tin mà làm nhiệm vụ của người buộc tội, cố tình dẫn dắt người xem theo một chiều hướng hoàn toàn bất lợi cho Công Phượng và có lợi cho họ. Họ nói rằng họ yêu mến và trân trọng tài năng của Công Phượng, nhưng khi mà họ giữ lại lời nói chê bai, châm chọc của một thanh niên được che mặt rằng “cho nó đá 19 tuổi, chứ cho nó đá 21 tuổi thì….”, thì cũng đủ để thấy thực tâm của VTV đến đâu.

2. Về lý lẽ họ đã sử dụng, thì thử hỏi có bao nhiêu phần trăm trong chúng ta có Giấy khai sinh nhưng không được ghi thông tin phần phần “số … quyển …”? Ngay tại Tp. Hồ Chí Minh, tôi đã thấy điều này thì thử hỏi một xã nghèo của huyện vùng núi Đô Lương tỉnh Nghệ An – nơi trình độ dân trí và trình độ cán bộ thực thi pháp luật còn thấp thì làm sao có thể tránh khỏi tình trạng lỏng lẻo đó.

Và rồi bao nhiêu xã trong cả nước này không còn giữ lại được cuốn sổ đăng ký khai sinh từ năm 1993 trở về trước? Bao nhiêu người dùng quen biết, tiền bạc hoặc thậm chí là sự tin tưởng nhau của những người cùng địa phương để xin trích lục giấy khai sinh dù rằng cán bộ xã không tìm được cơ sở để cấp bản sao? Xin thưa, thực tế là rất rất nhiều. VTV dùng cơ sở pháp lý để bơi móc vấn đề, bác đi giá trị những giấy tờ chứng minh của Công Phượng, nhưng họ quên rằng những gì họ đưa ra cũng không đủ cơ sở để có thể kết luận được bất kỳ vấn đề gì như họ đang cố làm.

3. Họ biện hộ rằng mục đích cuối cùng của họ là tốt đẹp, là lên tiếng nhằm tạo nên sự trong sạch trong thể thao nói chung và tương lai bóng đá nói riêng tại VN. Điều đó cũng có thể. Nhưng, cái cách mà VTV chọn Công Phượng như là công cụ để thực hiện mục tiêu ấy của mình thật không công bằng và gây nên sự phản cảm.

Họ đã quên rằng ngòi bút nếu ko cẩn thận nó còn sắc hơn cả lưỡi gươm. Tại sao cứ phải là Công Phượng – người chỉ đang là cậu bé với gia cảnh nghèo khó – người đang cần sự ổn định tâm lý để phát triển tài năng một cách đầy đủ hơn nữa, mà không phải là bất kỳ một trường hợp nào khác trong hàng trăm, hàng ngàn những vụ gian lận tuổi tác trong thể thao ở Việt Nam. Họ có nghĩ rằng những gì họ đã làm có thể giết chết đi một tài năng, những gì họ làm có thể khiến gia cảnh của một người trở thành bi kịch? Phải chăng, họ cũng đang cố tình trục lợi từ hình ảnh đáng giá của Công Phượng để phục vụ cho mục đích câu view, PR của họ, và vì đó mà họ sẵn sàng dẫm đạp lên tất cả?

4. Đến đây, tôi chợt nhớ ra VTV đã từng có một bản tin thể thao gây nhiều tranh cãi với tiêu diểm là “ai là người được hưởng lợi từ U19 Việt Nam”. Sẽ có người nói tôi đang dùng sai phương pháp khi dùng một vấn đề khác để công kích vào một luận điểm đang tranh luận, nhưng chuỗi những việc làm không chính danh của VTV khiến tôi cảm thấy muốn được giãi bày tất cả những suy nghĩ.

VTV với sức mạnh to lớn quyền tự do báo chí của một đài truyền hình quốc gia, đã tự cho mình được quyền phán xét hành vi và lời nói của người khác. Họ lên án nhà tài trợ Nutifood, lên án NXB Trẻ, lên án ông Lê Hùng Dũng – người làm việc không lương cho VFF, nhưng họ quên mất tiền quảng cáo và truyền hình trong các trận bóng của U19 Việt Nam là do họ hưởng. Họ quên mất nhờ U19 mà lượng người xem đài các chương trình thể thao, thời sự và bất kỳ các chương trình nào có liên quan đến U19 Việt Nam cũng tăng lên đáng kể. Họ quên mất rằng từ trước tới giờ những trận đấu của các đội trẻ quốc gia thì bản thân họ chẳng mấy khi quan tâm đến, còn bây giờ, nhờ cơn sốt U19 Việt Nam, VTV lần đầu tiên có lãi từ việc bán bản quyền phát sóng các trận đấu liên quan đến bóng đá Việt Nam (ngay sau khi đội U19 Việt Nam sang Myanmar, VTV nhanh chóng công bố bản quyền phát sóng VCK Giải U19 châu Á 2014 và nhờ đó thu được lợi nhuận từ việc bán bản quyền truyền hình cho một số đài trong khu vực cũng như bán quảng cáo). Và nhờ U19 Việt Nam mà “Tạ Biên Cương và đồng nghiệp” mới có dịp chém gió chán chê khi dành những mỹ từ đẹp nhất, bay bổng nhất dành cho các cầu thủ trẻ. Vậy ai là người được hưởng lợi bây giờ? VTV có tốt đẹp như họ vẫn tự nghĩ?

5. Nói về tính cơ hội và thiếu công bằng của VTV thì tôi cũng không thể lưu ý đến sự việc K+ độc quyền giải Ngoại hạng Anh. VTV là cổ đông lớn nhất, chiếm tỉ lệ 51% cổ phần có quyền chi phối của K+, nhưng họ đã bỏ qua quyền năng ấy của mình và đổ lỗi cho đối tác phía nước ngoài trong sự việc trên.

Nếu như trước đây trong giai đoạn 3 năm liên tiếp từ mùa giải 2007-2008, khi VTC được độc quyền phát sóng Ngoại hạng Anh, tuy VTC vẫn cho phép các đài địa phương được quyền tiếp sóng trực tiếp, để phục vụ đầy đủ cho người hâm mộ ở các vùng miền trong cả nước, thì VTV liên tục có những bản tin để lên án hành vi độc quyền này của VTC. Đến khi K+ - “đứa con” của VTV độc quyền phát sóng Ngoại hạng Anh và không cho bất kỳ đài truyền hình nào khác trong nước được phát sóng Ngoại hạng Anh để thu phí cao chất ngất, thì VTV đã không có bất kỳ một thông tin nào thể hiện quan điểm như họ đã từng có, mà ngược lại họ còn cổ xúy cho hành vi của “đứa con” mình bằng cách quảng cáo Ngoại hạng Anh cho K+ trên sóng VTV. Vậy đây có được coi là công bằng, công tâm như cách mà VTV vẫn rêu rao?

Tóm lại, trong vụ việc của Công Phượng, theo như cách mà VTV nói ở đoạn cuối cứ thể như là “thôi, em hãy đầu thú đi cho thanh thản” thì quả thật “vị công tố viên VTV” đã dùng những chứng cứ buộc tội vô cùng lỏng lẻo, thiên về suy diễn, không thể dùng để kết tội được ai cả. Tôi vẫn không thể hiểu động cơ thực sự của Chuyển động 24h là gì? Nếu mục đích tốt, nếu vì sứ mệnh đi tìm sự thật của nhà báo thì sao họ lại không dùng cách nào tế nhị và đỡ dã man hơn? Hay là họ muốn tạo scandal để Chuyển động 24h được biết tới chăng?

Trước khi câu chuyện về Công Phượng được chính họ đưa lên thì có bao nhiêu người trong chúng ta biết đến chương trình này khi mà nó được lên sóng ở thời điểm mà phần lớn chúng ta còn phải ngồi trong phòng làm việc (11h15) hoặc đang tất tả trên đường về nhà (18h30). Giờ đây, Chuyển động 24h đã được biết đến rộng rãi hơn rồi đấy. Chỉ có điều cái cách mà Chuyển động 24h tự PR, giật gân cho chương trình của mình, tôi thấy thật kinh khủng.

(Bạn đọc: Tiến Đạt)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục