Chuyện cười ra nước mắt của thể thao Việt Nam

12:19 Thứ năm 14/02/2013

Vụ tai nạn của Trương Thanh Hằng đã gióng lên một hồi chuông báo động về việc bảo vệ an toàn cho những VĐV thể thao, một việc mà TTVN có thể thực hiện trong khả năng của mình nhưng hiện tại đang làm chưa tốt.

Liệu Trương Thanh Hằng còn có dịp đăng quang như thế này sau khi bình phục chấn thương?

Tính mạng của VĐV chưa được coi trọng

Tai nạn xảy đến với Trương Thanh Hằng khi cô cùng các đồng đội tập luyện trên đường Nguyễn Tất Thành, một con đường ven biển rất rộng ở TP.Đà Nẵng. Mặc dù theo như thừa nhận của HLV Hồ Thị Từ Tâm thì đội điền kinh cự ly trung bình đã tập trên đường này từ năm 1998 và không có bất cứ tai nạn nào đáng tiếc xảy ra, nhưng việc phải tập luyện trên một con đường rất rộng, có đông xe cộ qua lại khiến cho VĐV đối mặt với nhiều rủi ro.

Tính ra, Trương Thanh Hằng vẫn còn may mắn khi cô vẫn còn sống và có thể trở lại thi đấu trong 1-2 năm tới. Trong quá khứ, nhiều VĐV thể thao Việt Nam đã phải trả giá bằng mạng sống trong quá trình tập luyện, thi đấu. Năm 1996, tay đua Huỳnh Kim Hùng đã tử nạn trên quốc lộ 13 khi đang thi đấu. Năm 2003, khi đang chuẩn bị cho SEA Games 22, VĐV Nguyễn Thị Huệ đã bị chấn thương ở cổ, dẫn đến tàn phế suốt đời. Cùng năm đó, tay đua Đỗ Xuân Tâm cũng đã bỏ mạng do bất ngờ lên cơn đau tim.

Đó đều là những tai nạn rất đáng tiếc, nhưng việc bảo đảm an toàn cho VĐV Việt Nam là nằm trong khả năng của ngành thể thao. Đáng tiếc, chúng ta đã không làm đến nơi đến chốn. Nếu như Trương Thanh Hằng được tập luyện ở một trung tâm điền kinh chuyên biệt, nằm tách biệt ở một vùng núi cao, hẻo lánh thì việc cô bị một kẻ say rượu đụng xe suýt mất mạng đã không xảy ra. Hãy như Đỗ Xuân Tâm, có một bác sĩ đi theo đội thường xuyên thì cũng đã không bỏ mạng uổng phí…

Đổ tiền vào các nhà thi đấu

Trong khi VĐV Việt Nam luôn phải đối mặt với việc trả giá bằng máu và nước mắt khi điều kiện tập luyện quá hạn chế, thiếu thốn thì ngành thể thao vẫn liên tục xây dựng nhiều trung tâm thể thao ngốn hàng chục, hàng trăm tỉ đồng để tổ chức một giải đấu... rồi để đấy. Sau SEA Games 22 cũng như tại Đại hội thể thao trong nhà 2009 đã có nhiều trung tâm thể thao mới được ra đời như Mỹ Đình, Quần Ngựa, Phú Thọ..., nhưng hầu hết các trung tâm này đều thu không đủ chi.

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt đề án đăng cai Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 (ASIAD 2019) tại Việt Nam. Theo đề án vận động đăng cai ASIAD 2019 mà Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ, ASIAD 2019 sẽ có sự tham gia của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ của Châu Á. Đại hội có sự góp mặt của 10.000 VĐV, HLV và 1.500 quan chức thể thao. Nếu ASIAD 2019 được tổ chức tại Việt Nam, chủ nhà sẽ tổ chức 35 môn thi đấu, trong đó có một số môn thế mạnh như wushu, cờ, đá cầu, cầu mây, karatedo...

Nếu được quyền đăng cai, giải đấu này sẽ được diễn ra tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hải Dương... và chắc chắn sẽ có thêm nhiều công trình thể thao mới được ra đời. Trong khi đó, việc có một trung tâm điền kinh riêng biệt hay có thêm nhiều bác sĩ thể thao giỏi vẫn chưa biết khi nào thành hiện thực.

Những tai nạn thương tâm của Kim Hùng, Xuân Tâm, Nguyễn Thị Huệ hay Thanh Hằng mới đây là không thể cứu vãn. Nhưng hạn chế tối đa nó bằng việc tạo điều kiện tốt nhất cho VĐV tập luyện thì hoàn toàn có thể. Vấn đề là ngành thể thao có quyết tâm làm hay không mà thôi!.

Ngành thể thao dự trù kinh phí khoảng 150 triệu USD để đăng cai ASIAD 2019, quá ít so với 1,2 tỉ USD khi Trung Quốc đã bỏ ra để đăng cai ASIAD 2010. Nếu được đăng cai ASIAD 2019 lần này, theo tính toán của ngành thể thao, họ sẽ chi ra ít nhất 72 triệu USD để xây mới các địa điểm thi đấu phục vụ cho các môn bóng bầu dục, bóng chày, hockey...- những môn lạ lẫm với Việt Nam. Chi bộn bạc để đăng cai các giải đấu lớn, trong khi VĐV Việt Nam đối mặt với vô vàn khó khăn, rõ ràng là nghịch lý cười ra nước mắt của TTVN.
00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục