Chỉ những kẻ tầm thường mới bảo Tây Ban Nha nhàm chán

13:21 Chủ nhật 01/07/2012

Lối chơi mà Tây Ban Nha lựa chọn cho EURO 2012 - tập trung giữ bóng ở hàng tiền vệ, ưu tiên bảo toàn mành lưới đội nhà hơn là chọc thủng lưới đối phương - đã chịu rất nhiều lời chỉ trích, dù thầy trò Del Bosque đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử với lựa chọn ấy.

"Lần tiếp theo Tây Ban Nha ra sân, tôi sẽ đi sơn lại các bức tường nhà mình, và ngồi xem chúng khô trong 90 phút", một CĐV đã viết như vậy trên Twitter của mình sau khi Tây Ban Nha đánh bại Pháp một cách tâm phục khẩu phục ở vòng tứ kết. Đó không phải là người duy nhất nói những điều như thế. Thực tế, suốt cả kỳ EURO 2012 này, Tây Ban Nha thường xuyên phải sống trong những lời chỉ trích tương tự. Lối chơi nhàm chán. Tiqui-taca bị thổi phồng quá mức. Nhà đương kim vô địch quá hèn nhát. Không chỉ các CĐV, ngay cả các chuyên gia bóng đá cũng có chung những nhận định như thế.

Câu hỏi ở đây là điều gì đã xảy ra với lý thuyết "kết quả biện minh cho hành động"? Tất cả những lời chỉ trích nói trên đều xuất phát từ sự ghen tị, hay chúng cũng có cơ sở nhất định? Để trả lời những câu hỏi này, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những gì đã tạo nên một Tây Ban Nha vô địch, cũng như những lý do vì sao họ bất ngờ chuyển từ đội bóng được yêu thích thành đội bóng bị chỉ trích nhiều nhất, và, quan trọng hơn cả, tại sao không nên hùa theo số đông nhận định rằng lối chơi của Tây Ban Nha hiện tại là "nhàm chán"?

Kỹ thuật siêu đẳng

Về mặt kỹ thuật, không có đội bóng nào ở châu Âu, thậm chí thế giới, sánh được với Tây Ban Nha vào thời điểm này. Những cầu thủ có mặt trong hàng tiền vệ của họ, kể cả những người ngồi dự bị, có thể dễ dàng kiếm được suất đá chính ở tất cả các đội bóng, kể cả đó là đội bóng được đánh giá là dồi dào về nhân sự hàng tiền vệ như Đức. Thử đặt câu hỏi ngược lại, có bao nhiều tiền vệ dự EURO 2012 lần này đủ tư cách đứng trong đội hình xuất phát của Tây Ban Nha? Có lẽ là chỉ có một, chính là Andrea Pirlo. Tiqui-taca không chỉ đơn giản là chuyền bóng cho đối phương mệt phờ; tiqui-taca là giữ bóng và chờ đợi những khoảng trống. Khán giả có thể không thích kiểu đá này, nhưng phải thừa nhận rằng rằng để làm được như thế, bạn không chỉ cần sự kiên nhẫn, mà còn cả những kỹ năng tuyệt vời.

Ngoài ra, lối chơi của Tây Ban Nha cũng không phải là dễ đoán như bạn nghĩ. Đúng, nếu Del Bosque cứ trung thành với một đội hình xuất phát thì Tây Ban Nha quả thực dễ đoán. Song thực tế là ông không làm thế. Với quá nhiều lựa chọn trên băng ghế dự bị, Del Bosque có thể thay đổi bất kỳ lúc nào ông muốn. Chẳng hạn trước BĐN, khi phương án Negredo thất bại, ông đưa Pedro và Fabregas vào sân, thay Xavi, kéo Iniesta vào giữa, và ngay lập tức lối chơi của TBN trở nên khác hẳn. Rõ ràng, Tây Ban Nha không phải không thể chơi nhanh, chơi đẹp; ở đây, họ đã chủ động lựa chọn lối chơi chậm để đảm bảo an toàn cho hàng thủ, trên cơ sở khả năng giữ bóng tuyệt vời của hàng tiền vệ.

Những so sánh với Barca

Một trong những lý do Tây Ban Nha chịu nhiều chỉ trích hơn là sự tương đồng trong cách chơi giữa họ và Barca. Tại sao Barca lại chơi thứ bóng đá đầy hấp dẫn như thế mà TBN lại không thể? Ở đây, sự khác biệt là quá rõ ràng: Lionel Messi. Siêu sao người Argentina, với kỹ thuật cá nhân siêu phàm, khả năng ghi bàn tuyệt vời và óc sáng tạo vô biên, mang tới cho Barca sự bùng nổ trong khoảng 1/3 sân cuối cùng. TBN không có một cầu thủ như thế, đơn giản vì Messi là một nhà vô địch độc nhất vô nhị.

Thực tế, Tây Ban Nha cũng từng có những lúc chơi tưng bừng dù không có Messi. Đó là khi họ còn David Villa trong đội hình. Bây giờ, khi "El Guaje" phải ngồi ngoài vì chấn thương, Torres vẫn chưa lấy lại được phong độ đỉnh cao, cả Negredo lẫn Llorente đều thiếu kinh nghiệm quốc tế, Del Bosque không có nhiều sự lựa chọn đáng tin cậy cho hàng công. Đó là lý do ông quyết định tăng cường số lượng cho hàng tiền vệ. Có thể không bùng nổ bằng, nhưng an toàn hơn là chắc chắn.

Thành công, hay sự tung hô

Một kịch bản rất có thể sẽ xảy ra trong trận Chung kết: Tây Ban Nha đánh bại Italia và làm nên lịch sử, nhưng tiếp tục bị chê bai, trong khi Italia dù thất bại lại được tung hô như những người hùng. Đây thực tế là điều đã xảy ra trong quá khứ, không chỉ một lần. Tiêu biểu nhất là trường hợp của đội tuyển Hà Lan ở những năm 1970. Hồi đó, "Cơn lốc màu Da cam" đã để thua trong 2 trận Chung kết World Cup, nhưng chính họ lại được nhớ đến nhiều hơn, chứ không phải là những đội bóng đá đánh bại họ là Tây Đức và Argentina.

Nhưng ở đây có một câu hỏi: Điều gì quan trọng hơn, danh hiệu, hay sự công nhận của dư luận? Thực tế là Hà Lan của những năm 70 dù vĩ đại nhưng không có cách nào để chứng tỏ sự vĩ đại ấy của họ. Bây giờ, trong thế giới thực dụng mà kết quả được đặt lên trên hết này, người ta càng có lý do để tin rằng danh hiệu mới là thứ cuối cùng có ý nghĩa. Cái đích quan trọng nhất của TBN lúc này, vì thế, là chức vô địch có thể đưa họ đi vào lịch sử với tư cách đội đầu tiên giành 3 danh hiệu lớn liên tiếp. Những thứ không đều là phù phiếm.

Hiệu quả

Lối chơi mà Tây Ban Nha đã lựa chọn có thể không đẹp mắt và ấn tượng, nhưng rõ ràng quá hiệu quả. Mà hiệu quả là yếu tố tiên quyết dẫn tới kết quả tốt. Chelsea đã chứng minh điều đó ở Champions League mùa trước, khi liên tục dựng xe bus trước các đối thủ lớn và đi tới đỉnh vinh quang. Tây Ban Nha cũng thế. Cả ở World Cup 2010 lẫn ở EURO 2012 này, họ thường chỉ giành chiến thắng với tỉ số tối thiểu 1-0, nhưng ở cả hai giải đấu này, họ đều vào tới trận Chung kết, và, rất có thể, sẽ chiến thắng ở cả 2.

Những con số thống kê cho thấy hiệu quả quan trọng với TBN đến thế nào. Trong 9 trận knock-out gần nhất ở các giải đấu lớn, thủ môn Iker Casillas không hề một lần phải vào lưới nhặt bóng. Để làm được như thế, La Roja tổ chức phòng ngự ngay từ các tiền đạo; thực tế là mọi cầu thủ trên sân của họ đều phải tham gia phòng ngự. Nhưng khác với Chelsea, TBN không phòng ngự một cách thụ động theo kiểu dựng xe bus. Họ vẫn chủ động đẩy cao đội hình, chiếm quyền kiểm soát bóng, và liên tục gây sức ép để đối thủ phải lùi xa. Triết lý của họ là rất rõ ràng: Khi đối thủ không có bóng, họ không thể ghi bàn.

Chiến thuật của đối thủ

Một trong những lý do Tây Ban Nha không thể chơi bùng nổ xuất phát từ chính lựa chọn của các đối thủ của họ. Người ta quá "tôn trọng" TBN, đến mức không dám đẩy cao đội hình để chơi theo cách của mình. Thậm chí, có nhiều đội chủ động đẩy cao đội hình nhưng chỉ với mục đích phá lối chơi của TBN. Đây là điều Bồ Đào Nha đã làm ở bán kết. Kết quả? Người Bồ không những không tạo được cơ hội thực sự nào, mà còn dần kiệt sức khi trận đấu đi về cuối. Điều đó càng chứng tỏ TBN vượt trội đến thế nào so với phần còn lại.

Trong số những đối thủ mà Tây Ban Nha đã đụng độ, Italia là đội duy nhất tỏ ra "thoải mái" dưới áp lực liên tiếp mà TBN tạo ra. Lựa chọn của Prandelli là chơi với 5 tiền vệ, ngoài ra 2 tiền đạo của họ cũng thường xuyên lùi, để tạo ra sự cân bằng (tương đối) ở tuyến giữa. Tuy nhiên, ngay cả lựa chọn này cũng không phải là tối ưu. Khi TBN quyết định thay đổi bằng cách tung Torres vào sân, hàng thủ mệt mỏi của Italia ngay lập tức tỏ ra lúng túng và 2 lần để "El Nino" đối mặt với Buffon.

Kết luận: Tây Ban Nha không phải là KHÔNG THỂ chơi đẹp. Sở dĩ họ chơi như đang chơi, bởi tin rằng đó là lựa chọn tốt nhất để trở thành lịch sử. Và cho tới lúc này, họ đang thành công với lựa chọn ấy của mình.

V.C | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục