Câu chuyện bóng đá: Sài Gòn buồn hiu

11:10 Thứ hai 13/01/2014

Hôm qua, V-League đã khai mạc trở lại, nhưng ở Sài Gòn – TP.HCM, sau những ngày phần phật với U19, sân Thống Nhất lại buồn hiu và ảm đạm trở lại. TP.HCM không còn bóng đá đỉnh cao, đó là một thực tế buồn. Nếu kể chuyện xưa, ắt chỉ thêm buồn bởi có thời điểm bóng đá Sài Gòn quy tụ những đội mạnh nhất nước, có những ngôi sao mà chỉ kể tên thôi người ta cũng có thể tưởng tượng ra được điểm mạnh, điểm yếu trong cách chơi của cầu thủ ấy.

Thôi thì chuyện gần hơn, cách đây chừng 2 – 3 năm, sân Thống Nhất dù vắng khách nhiều nhưng vẫn có những trận đấu, người ta chẳng tìm được chỗ để đặt chân chứ đừng nói là ngồi. Cách đây chừng vài năm, nhắc đến Kesley Huỳnh, Phước Tứ, Minh Đức hay Được Em, Tài Em, Việt Cường, Duy Khanh... tất cả những hảo thủ ấy đều khoác áo cho đội bóng TP.HCM.

Bây giờ, hiếm có một giải đấu nào kéo được khán giả về sân Thống Nhất như giải cúp quốc tế U19 vừa rồi. Ảnh: Tất Đạt

Và giờ thì vào mỗi cuối tuần, khi các cổ động viên gốc Sông Lam, Thanh Hoá hay Đà Nẵng... đành ngồi “bái vọng” về đội bóng của mình ở các sân khác, thay vì đến sân Thống Nhất để cổ vũ cho chút tình quê. Người trót nhận mình là dân Sài Gòn còn buồn hơn, vì họ chẳng còn đội bóng nào để xem ở V-League. Chẳng lẽ bật truyền hình lên xem mấy đội... chả liên quan gì. Giờ thì cuối tuần, họ chỉ nhìn sang cảnh sân Quảng Ninh cháy vé, ở Hải Phòng khán giả chen nhau đến sân... để mà thèm, mà nhớ rồi tiếc vì chẳng hiểu sao, TP.HCM to, đẹp đến thế, nhân tài nhiều đến thế mà chẳng thể vực nổi thể thao lên cho bằng với các địa phương bị coi là nhỏ, khó khăn hơn. Cái sự thắc mắc ấy càng lớn hơn khi mà, các giải đấu quan trọng, nhà tổ chức thường rất thích tổ chức ở TP.HCM bởi, tính quảng bá tốt, hiệu quả truyền thông cao, như giải U19 chẳng hạn. Rõ là người Sài Gòn đâu có hết yêu bóng đá, đâu có phải không thích xem thể thao trong nước?

Càng buồn hơn khi trong buổi tổng kết năm 2013 mới đây, chủ tịch HFF – ông Trần Anh Tú – vẫn phát biểu: “Trong năm 2014, HFF tập trung kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động từ chương trình bóng đá học đường tại 41 trường tiểu học. Phối hợp cùng nhà văn hoá sinh viên tổ chức các giải futsal cho sinh viên và tìm nguồn tài trợ cho các giải phong trào...” Chả thấy ông nói gì về việc làm thế nào để bóng đá đỉnh cao TP.HCM có tên trên bản đồ trở lại, cứ như thể việc ấy chẳng liên quan gì đến HFF.

Chẳng lẽ, ở Sài Gòn giờ, cứ đến mỗi cuối tuần xem V-League cũng phải vay mượn yêu thương sao ta?!

Thảo Du | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục