Câu chuyện bóng đá: Khi CĐV tính chuyện “giải cứu” đội nhà

14:17 Thứ sáu 08/11/2013

Ngày 30/10 là thời điểm hết hạn để các đội đăng ký tham dự V-League và hạng Nhất. Ngoài K.Kiên Giang coi như buông xuôi thì Bình Định xin được lùi thời hạn thêm 1 tuần để “chạy tiền”. Và thế là một cuộc tìm tiền rộng khắp đã diễn ra…

Bài viết cung cấp độc quyền bởi




Miệt mài… cứu đội bóng

Tuy nhiên khoản tiền để một CLB có thể duy trì hoạt động được là không nhỏ: 20 tỷ đồng, tương đương 1 triệu USD. Theo yêu cầu của VPF, các đội muốn tham dự V-League phải chứng minh được số tiền 35 tỷ, hạng Nhất phải có 20 tỷ. Đây không chỉ là khoản tiền để duy trì đội 1 mà còn cả một hệ thống bóng đá trẻ.

Bình Định là đội khó khăn nhất, trước thời hạn đăng ký họ thừa nhận bây giờ kiếm được tài trợ một nửa, tức là khoảng 10 tỷ đã vô vọng bởi thế nếu không nhờ vào ngân sách tỉnh thì… chịu chết.

Ngay lập tức, trên mạng xã hội facebook một nhóm người tự xưng là Hội CĐV Bình Định đã nghĩ ra một kế hoạch táo bạo là “quyên góp tiền” cho Bình Định và sở hữu luôn đội bóng. Kế hoạch mạo hiểm này cũng ngay lập tức bị cho là không khả thi bởi theo nhiều người việc lên internet kêu gọi đóng góp ít nhiều mang yếu tố… lừa đảo. Thứ hai để kiếm được 20 tỷ trong vòng thời gian ngắn thì phải huy động… cả tỉnh. Bình Định hiện có dân số 1,5 triệu, như vậy mỗi người dân từ cụ già đến em thơ phải góp hơn 10 ngàn đồng thì mới có đủ 20 tỷ. Còn chỉ tính CĐV Bình Định đến sân thường xuyên thì mỗi người phải góp… 6 triệu đồng !? Kết quả là kế hoạch cứu Bình Định đầy lãng mạn của CĐV Bình Định vỡ vụn như bong bóng.

CĐV trao tiền cho Quang Tình và Đình Đồng

Thực tế thì chuyện huy động tiền để mua lại đội bóng không phải hiếm. Cách đây 3 năm, một nhóm CĐV đã tính chuyện “mua lại CLB”. Kế hoạch này được tính như sau: Do không đồng tình với các ông chủ Mỹ, một nhóm có tên “Tinh thần của Shankly” đã hợp tác với một công ty tín dụng có trụ sở ngay tại Liverpool là Partners Credit Union nhằm quyên tiền cho chiến dịch quy mô này với mục đích nắm giữ một lượng cổ phần nhất định trong CLB, gián tiếp tạo chỗ dựa cho các fan Liverpool ngăn chặn những đầu tư tài chính bất hợp pháp vào đội bóng thành phố Cảng.

Tất nhiên không thể mua lại toàn bộ CLB Liverpool vì quá nhiều tiền, nhóm này mua lại một lượng cổ phiếu lớn trong CLB với số lượng trên 40% đủ để trở thành cổ đông lớn nhất CLB...
Thời điểm ấy, GĐĐH của Partners Credit Union, Tracy Fletcher cho biết: “Nếu chúng ta có 100.000 người và mỗi người đóng góp 50 bảng, quỹ đầu tư sẽ có 50 triệu bảng và có thể mua được 25% cổ phần CLB. Các nghiệp đoàn tín dụng của chúng tôi cũng có tới hơn 20.000 thành viên và sẽ đóng góp rất nhiều vào chiến dịch này. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là có tiếng nói trong BLĐ của đội bóng, mà có thể tiến tới sở hữu hoàn toàn CLB và biến Liverpool thành đội bóng của riêng người dân thành phố”.

Song dễ hiểu là kế hoạch này không thực hiện được vì cũng không thể có 25% cổ phần CLB với 50 triệu bảng khi giá trị của Liverpool cũng đạt mức gần 500 triệu bảng Anh.

Nhưng mua cầu thủ thì được

Không mua được CLB thì mua… cầu thủ. Việc mua cầu thủ dễ dàng hơn nhiều so với việc mua cả đội bóng. Ở Việt Nam, SLNA đã trở thành CLB đầu tiên huy động được một khoản tiền lớn để “hỗ trợ” CLB trong việc giữ chân cầu thủ.

Đầu tháng 11 vừa qua, đại diện Hội CĐV SLNA đã tổ chức trao khoản tiền lên tới 400 triệu đồng cho hai cầu thủ là Đình Đồng và Quang Tình. Theo lãnh đạo Hội CĐV SLNA thì “từ cuối tháng 7/2013, BCH Hội CĐV SLNA đã đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân, bà con đồng hương xứ Nghệ và các CĐV yêu mến đội bóng SLNA trên khắp cả nước và nước ngoài, dù ít dù nhiều, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn tài chính cho SLNA. SLNA là một trong những đội bóng gặp khó khăn nhất về tài chính hiện nay. Khoản tài trợ lớn nhất từ Ngân hàng Bắc Á là 30 tỷ (chưa tính thuế) không đủ giữ chân những trụ cột như Văn Hoàn, Trọng Hoàng và Văn Bình… Các cầu thủ này đã đến B.Bình Dương mới mức lương và lót tay cao hơn 5-6 lần.

Sau 3 tháng huy động, số tiền đã lên tới 500 triệu đồng. Khi Đình Đồng và Quang Tình đồng ý ký hợp đồng ở lại SLNA, Hội CĐV SLNA quyết định hỗ trợ mỗi cầu thủ 200 triệu đồng.

Được biết tham vọng của hội CĐV SLNA là tiếp tục quyên góp để hỗ trợ những cầu thủ còn lại. Thậm chí sẽ có một khoản quỹ lớn nhằm “lôi” Lê Công Vinh từ Nhật Bản về thi đấu nếu cầu thủ này bị CLB Sapporo chèo kéo.

Thực ra chuyện là là mới ở Việt Nam nhưng lại… không mới ở thế giới. Năm 2008, các fan của CLB Marseille đã tính chuyện quyên góp đủ số tiền 22 triệu bảng (tương đương 27,5 triệu euro) cho công cuộc mua lại "Voi rừng" Drogba. Đây không phải là ý tưởng điên rồ vì sau một thời gian, với mức ủng hộ mỗi người 70 euro, các fan Marseille đã quyên góp được… 1,4 triệu euro. Tuy nhiên khoảng cách cần có là quá xa và tất nhiên con số 27 triệu euro là quá xa vời.

Ngay năm 2013 này, một nhóm CĐV M.U đã lên dự án đưa Ronaldo trở lại Old Trafford bằng túi tiền của chính mình. Dự án này cần tới sự ủng hộ của cộng đồng fan “Quỷ đỏ” trên toàn thế giới. Cụ thể, bộ phận CĐV M.U ở Australia đã mở một trang web riêng, nơi NHM có thể gây quỹ với hy vọng quyên góp được 100 triệu bảng để hiện thực hóa giấc mơ đưa CR7 trở về mái nhà xưa. Tham vọng của nhóm này là sẽ bán được…10 triệu áo M.U có tên Ronaldo với giá… 10 bảng/chiếc. Tất nhiên kế hoạch này không khó để nhìn ra sự viển vông của nó.
Quyên góp mua cầu thủ thì dễ, nhưng ở Việt Nam đã từng có chuyện CĐV tính chuyện quyên tiền để… đuổi cổ HLV. Cuối năm 2011, ít nhất 4 Hội CĐV lên tiếng sẵn sàng góp đủ số tiền đền bù hợp đồng lên tới 1,4 tỷ đồng để VFF … sa thải HLV Falko Goetz. Sau đó ông Goetz bị VFF sa thải nhưng các CĐV không có cơ hội để… góp tiền.

Hoàng Bách | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục