Câu chuyện bóng đá: Dưới ngọn cờ Fair-Play

12:28 Thứ năm 16/01/2014

Mỗi trận đấu đều bắt đầu từ tiếng nhạc hùng tráng nổi lên khi lá cờ vàng mang biểu tượng Fair-Play dẫn đầu 2 đội bóng tiến ra sân. Mọi trận đấu từ đỉnh cao thế giới hay tầm thường ở vùng trũng đều có cùng khoảng khắc trọng đại ấy. Điều này có nghĩa, tính chất của các trận đấu có thể khác nhau nhưng tinh thần Fair-Play thì chỉ có một…

Chúng ta trân trọng công lao của những nhà tổ chức giải thưởng Fair-Play, hết sức vui mừng trước việc U19 Việt Nam được tôn vinh, thế nhưng không thể không chạnh lòng khi trong 6 đề cử cao nhất được công bố hôm qua, không có giải thưởng nào thật sự theo sát với tinh thần Fair-Play - tinh thần cao thượng, như chúng ta vẫn hiểu về nó.

Hay nói một cách khác: 6 cá nhân và tập thể được tôn vinh càng làm dầy thêm nỗi sầu muộn về bóng đá Việt Nam. Trong 6 đề cử đó, thì những đề cử liên quan đến HLV Nguyễn Hữu Thắng (SLNA) hay trận đấu từ thiện quyên tiền cho VĐV Lê Thị Huệ là những hành động thiện nguyện, mang tính xã hội hơn là bóng đá.

Sự kiện của “Running man” Vũ Xuân Tiến đề cao tinh thần yêu bóng đá. Sự kiện nhặt rác trên sân Thống Nhất của CĐV Nguyễn Hữu Hiền có vẻ giống một hoạt động môi trường. Theo chúng tôi, đề cử đậm chất Fair-Play nhất, từ bối cảnh đến hành động, chính là của cầu thủ Giang Trần Quách Tân của đội SHB Đà Nẵng.

BTC vinh danh những thành viên có đóng góp cho giải thưởng Fair-Play 2013. Ảnh: Hoàng Hùng

Thậm chí, ngay ở đề cử đoạt giải, tức tập thể đội U19 Việt Nam, thì chỉ mới dừng ở mức độ tôn vinh bóng đá đẹp, vì khán giả và sự vô tư trong thi đấu. Tóm lại, dù cả 6 đề cử đều liên quan ít hoặc nhiều đến bóng đá nhưng sự thật là vẫn chưa “chạm” đến mong mỏi của chính những nhà tổ chức.

Giải thưởng Fair-Play ra đời từ ý tưởng của nhà báo Minh Hùng, người đang chống chọi với cơn bạo bệnh trong bệnh viện ngay ở thời điểm tổ chức, và được một cơ quan truyền thông là Báo Pháp Luật tổ chức. Giải thưởng xuất phát từ sự trăn trở của những người làm báo trước hiện trạng bóng đá Việt Nam bị tàn phá bởi bạo lực và tiêu cực, khi sân cỏ từ một nơi để người ta giải trí, thư giãn trở thành “võ đài” và những “sàn diễn”. Người ta không còn được thấy những hành động đẹp trên sân cỏ đúng tinh thần thể thao mà chỉ thấy ở đó sự thù địch và lừa dối.

Và vì thế, theo chúng tôi, 6 đề cử của giải thưởng Fair-Play năm 2013 dù xứng đáng vẫn chưa “chạm” được đến những điều tích cực mà bóng đá Việt Nam cần có. Chúng ta có thể yêu thích thứ bóng đá đẹp của đội U19 và hy vọng vào sức lan tỏa của nó nhưng chúng ta cũng sẽ buồn khi cả sân chơi bóng đá chuyên nghiệp không có lấy một hành động đẹp được tôn vinh.

Chúng ta có đến 2 đề cử liên quan đến người yêu bóng đá nhưng lại không có lấy một cầu thủ đang chơi ở V-League được người hâm mộ yêu mến vì hành động Fair-Play. Những gì mà giải thưởng tôn vinh đều nằm ngoài các trận đấu của V-League, hạng Nhất. Nghĩa là chúng ta có nhiều niềm hy vọng nhưng trên thực tế, để bóng đá Việt Nam “xanh” và “sạch”, là còn cả một con đường rất dài.

Mọi trận đấu trên địa cầu này, đều bắt đầu trong tiếng nhạc hùng tráng và lá cờ vàng Fair-Play. Nghĩa là thi đấu bằng tinh thần cao thượng là điều bắt buộc phải thực hiện. Không thể có một nền bóng đá phát triển nếu trong hàng trăm trận đấu đỉnh cao lại không thể tìm ra một hành động Fair-Play để tôn vinh, khiến những nhà tổ chức phải “mở rộng” các đề cử đi vào hướng thiện nguyện, nhân văn.

Tất nhiên, chúng ta có quyền hy vọng bởi cộng đồng và xã hội không đứng yên để bóng đá Việt Nam ngày càng xấu xí. Chúng ta tôn vinh những điều đẹp đẽ để khơi dậy tinh thần Fair-Play nơi bóng đá đỉnh cao. Chỉ có điều, con đường ấy hẳn còn rất dài và thực tế thì vẫn là những phiền muộn mà dù không muốn, cũng chẳng thể nào gạt bỏ khỏi đầu được.

Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục