GS Dương Nghiệp Chí |
Trên thế giới hiện nay chỉ có VN và Trung Quốc tổ chức mô hình đại hội TDTT toàn quốc. Với Trung Quốc, hiệu quả của đại hội được thể hiện rõ qua thành tích vượt bậc của thể thao nước này tại đấu trường Asiad và Olympic. VN cũng theo mô hình này nhưng thể thao VN ngày càng tụt hậu, chiều cao người Việt không nhích lên được. Tại sao?
GS Dương Nghiệp Chí phân tích: “Suốt bảy đại hội qua, chúng ta vận dụng kinh nghiệm tổ chức đại hội TDTT của Trung Quốc để tổ chức Đại hội TDTT tại VN. Mục đích đầu tiên của đại hội là lựa chọn nhân tài cho các đại hội thể thao lớn như Asiad hay Olympic. Thứ hai, để động viên các địa phương cùng tham gia với quốc gia đẩy mạnh phong trào thể thao, nâng cao thành tích quốc gia.
Đến giờ Trung Quốc vẫn làm theo mô hình này và đạt hiệu quả tốt. Nhưng hiện nay thể thao VN đang làm ngược quy trình là đi dự Asiad về xong mới tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc. Vì thế, mục tiêu ban đầu của đại hội là tuyển chọn, rà soát, tập dượt VĐV cho Asiad đã không đạt được. Mục tiêu thứ hai là động viên các tỉnh, thành, ngành chuẩn bị lực lượng VĐV cho thể thao thành tích cao, cho đến nay mục tiêu này cũng không được như trước”.
* Với hàng ngàn tỉ đồng ném vào Đại hội TDTT, số tiền này lẽ ra nên được đầu tư hiệu quả hơn...
- Đúng, đại hội đã tiêu tốn rất nhiều tiền và hầu như không có tiền đóng góp từ việc xã hội hóa. Đây là tiền ngân sách nhà nước. Nếu tiền của dân mang ra đầu tư mà không đạt hiệu quả thì phải đầu tư sang cái khác. Theo tôi, phải đầu tư cho thể thao trường học, đầu tư cho các trường năng khiếu thể thao. Thể thao trường học, năng khiếu mạnh mới đóng góp được cho thể thao thành tích cao. Thể thao VN hiện nay mất đi toàn bộ hệ thống đào tạo VĐV trẻ, không có thể thao học đường nên bị mất gốc hoàn toàn. Thể thao trường học VN kém cả Lào, Campuchia hay Myanmar. Do đó, việc tổ chức đại hội để động viên địa phương chuẩn bị lực lượng cho thể thao thành tích cao trong bối cảnh thể thao VN đã bị mất gốc thì không đạt hiệu quả.
Nhà thi đấu Hà Nam rất hoành tráng |
Bốn năm một lần Đại hội TDTT toàn quốc được diễn ra, tuy nhiên có thể thấy việc tổ chức thi đấu của đại hội nhiều năm nay chỉ là gom giải vô địch quốc gia của tất cả các môn thể thao lại một chỗ để tổ chức. Điểm khác duy nhất là họ tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, xây dựng thêm cơ sở vật chất hoành tráng tốn rất nhiều tiền. Nếu không có đại hội, hằng năm gần như toàn bộ 36 môn thi của đại hội đều diễn ra giải vô địch quốc gia của từng môn. Hiện nay đa số VĐV trọng điểm của VN quanh năm “ăn cơm trung ương” của Bộ VH-TT&DL nhưng khi Đại hội TDTT toàn quốc lại về địa phương để thi đấu với nhau.
* Thưa ông, có phải thất bại liên tiếp của thể thao VN trên đấu trường Asiad, Olympic những năm gần đây xuất phát từ việc mất “gốc” do chỉ quan tâm đến Đại hội TDTT toàn quốc?
- Thể thao VN sẽ còn thất bại nữa vì đã mất toàn bộ thể thao trường học, hệ thống năng khiếu thể thao. Cứ đổ tiền vào làm Đại hội TDTT toàn quốc thay vì tiền đó phải đổ cho thể thao trường học thì thất bại sẽ còn dài.
Bài học từ thể thao Nhật Bản là một ví dụ. Từ năm 1950, Chính phủ Nhật đã cho trẻ em mẫu giáo ăn và uống sữa miễn phí khi nước Nhật còn rất nghèo cho đến tận bây giờ. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật điều tra thấy trẻ em 2 tuổi thấp hơn trước chiến tranh 2cm. Do vậy người Nhật chú trọng dinh dưỡng và đặc biệt thể thao học đường. Cho đến giờ, điều kiện phát triển thể thao trường học ở Mỹ và Nhật là nhất thế giới. Các trường học ở Nhật chỉ sử dụng hết 70% cơ sở thể thao, 30% cho dân vào tập.
Với con người, dinh dưỡng là nhất, nhì là thể thao, ba là di truyền, bốn là do yếu tố môi trường. Thiếu hoạt động thể thao từ trường học không thể phát triển con người được chứ không chỉ thể thao thành tích cao. Tôi cũng đồng quan điểm với Viện Dinh dưỡng quốc gia là chiều cao người VN hiện nay thấp nhất châu Á. Muốn phát triển thể thao thành tích cao thì phải đầu tư phát triển con người thông qua hoạt động thể chất từ trường học.
* Vậy theo ông, có nên tiếp tục tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc?
- Về chuyện này, tôi nghĩ Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT nên xem xét kỹ sự cần thiết. Khi đầu tư quá lớn mà không đạt hiệu quả thì có cần thiết duy trì hay không.
|