Căn bệnh thành tích tại SEA Games: Biết, nhưng không bỏ được

20:08 Thứ tư 18/12/2013

(TinTheThao.com.vn) - SEA Games tính đến năm nay đã trải qua 27 kỳ tổ chức với số quốc gia tham dự không ít, số môn tổ chức thi đấu cũng rất nhiều nhưng dù có cố gắng thế nào thì SEA Games vẫn không tránh được tên gọi: Cái ao làng. Căn nguyên của tên gọi không đẹp đẽ này là từ một căn "Bệnh thành tích".

Thành tích SEA Games đương nhiên dựa trên số huy chương mà một nước đạt được. Và số môn cũng như nội dung thi đấu lại do chủ nhà quyết định (tuy có tham khảo các nước thành viên cũng chỉ là … tham khảo cho có mà thôi), nên khi một quốc gia được chọn đăng cai SEA Games, họ sẽ cố gắng đưa vào những môn là thế mạnh của mình, bỏ qua những môn có khả năng đem về huy chương cho nước bạn. Nên từng có lần bóng đá nữ bị gạt ra khỏi SEA Games vì nước chủ nhà biết chắc mình không có cửa tranh đoạt huy chương cùng Việt Nam, Myanma hay Thái Lan.

Căn bệnh thành tích thể hiện rõ ở vấn nạn trọng tài. Ảnh: Internet

Rồi có những môn giống như “trò chơi dân gian” của nước đó cũng được đưa vào vì các nước kia chưa tập luyện phổ biến sẽ không thể tranh chấp huy chương. Cứ thế mà tùy tiện chọn môn, không theo chuẩn mực quốc tế nào cả. Cho dù phải miễn cưỡng đưa môn không là thế mạnh của mình vào thì chủ nhà cũng tìm cách giảm tải số lượng huy chương lại mà thôi.

Khi vào thi đấu, căn bệnh thành tích thể hiện rõ ở vấn nạn trọng tài. Dù chẳng mua chuộc hay dọa nạt, nhưng các trọng tài luôn ưu ái “chút xíu” cho các VĐV nước chủ nhà. Đối với những môn như bóng đá, bóng bàn, bắn súng…thì đội khách còn ít phàn nàn, riêng những môn chấm điểm nhạy cảm như thể hình, thể dục, khiêu vũ…thì trọng tài tỏ rõ cái uy của ông vua, cái quyền của người cầm cán cân công bằng.

Nhưng công bằng ở đâu không thấy, chỉ thấy đầy sự ấm ức, tiếc nuối. Chính vì trọng tài không làm hết cái tâm của mình nên thường thì nước chủ nhà luôn dẫn đầu về số lượng huy chương đạt được. Trừ các quốc gia có nền thể thao còn kém phát triển như Lào, Brunei còn các nước như Thái Lan, Indonesia và cả Việt Nam, khi đăng cai SEA Games là cơ hội để dẫn đầu bảng tổng số huy chương. Nhưng trong đó có sự giúp sức không nhỏ từ phía trọng tài.

Dẫu biết là SEA Games vẫn lạc hậu so với thế giới nhưng không bỏ nó được. Vì đây là sân chơi vừa tầm nhất đối với các quốc gia Đông Nam Á, là bài test tốt nhất trước khi bước ra sân khấu lớn hơn. Giả sử không có SEA Games, các VĐV phải tập luyện 4 năm nhưng chưa chắc có cơ hội dự ASIA hay Olympic thì làm sao thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao? Về các môn thi cũng vậy. Nếu SEA Games cũng lấy những môn trong khuôn khổ Olympic tổ chức thì có bao nhiêu nước tham gia đây, khi mà phong trào tập luyện các môn thành tích cao thuộc chuẩn Olympic tại các nước Đông Nam Á còn rất hạn chế. Chưa kể đến những môn đó hoặc không phù hợp thể chất người bản địa hoặc quốc gia đó hạn chế về cơ sở hạ tầng cho tập luyện. Bên cạnh đó, SEA Games là ngày hội giao lưu giữa các nền văn hóa trong khu vực nên nó cũng cần lắm những môn thi đấu mang tính địa phương để tạo bản sắc riêng của nước chủ nhà và khu vực Đông Nam Á.

Bởi thế, dẫu mỗi kỳ SEA Games luôn có những ca thán, những phiền hà và trình độ SEA Games chưa thoát ra được cảnh ao làng nhưng nó tồn tại là tích cực nên thay vì xóa bỏ hãy cố gắng tổ chức những kỳ SEA Games đàng hoàng, trung thực và tầm vóc ngày càng cao hơn.

(Bạn đọc: Tống Thông)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục