Cẩm Tú – nữ lực sĩ hai lần liên tiếp vô địch châu Á

07:37 Thứ năm 11/09/2014

Nữ lực sĩ sinh năm 1991 vừa đăng quang tại giải vô địch thể hình châu Á 2014 tại Macao. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Trần Thị Cẩm Tú đăng quang trên đấu trường châu lục.

Tại giải vô địch châu Á năm 2013 tại TPHCM, khi những niềm hy vọng của thể hình nữ Việt Nam là các đàn chị: Mỹ Linh, Đinh Kim Loan, Khánh Lan… không đạt được ngôi cao nhất, tưởng rằng thể hình nữ Việt Nam sẽ “trắng… vàng” thì bất ngờ một cánh chim lạ Trần Thị Cẩm Tú đã vượt qua những nữ lực sĩ sừng sỏ của châu Á để đoạt chiếc HCV nữ duy nhất cho thể hình nữ ở nội dung fitness. Từ đó, lực sĩ Cẩm Tú của An Giang vẫn âm thầm rèn luyện đến giải vô địch thể hình nữ toàn quốc vừa qua tại Đồng Nai, Cẩm Tú tiếp tục chứng minh sự vượt trội khi đoạt liên tiếp 2 chiếc HCV ở nội dung Fitness và Cổ điển 1m60. Đặc biệt, tham dự giải vô địch châu Á năm 2014 tại Macao – Trung Quốc vừa qua, Cẩm Tú có thể là nữ lực sĩ đầu tiên của Việt Nam đoạt 2 chiếc HCV thể hình châu Á cùng lúc ở nội dung Fitness và Cổ điển đến 1m60.

Cẩm Tú sinh năm 1991, cao 1m53. Cô sống ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Điều đặc biệt là môn thể thao đầu tiên mà Cẩm Tú bắt đầu tập luyện là môn điền kinh vào năm học lớp 8 ở trường… huyện Phú Tân. Do có tốc độ và sức mạnh bứt phá tốt nên Cẩm Tú được đào tạo nội dung cự ly ngắn 100m, 200m cũng như đội tiếp sức 4x100m và 4x200m. Qua đó, Cẩm Tú đã từng đoạt nhiều chiếc HCV ở các nội dung cá nhân và đồng đội tiếp sức ở các giải vô địch điền kinh tỉnh An Giang, trong đó vai trò chủ chốt của Cầm Tú rất quan trọng.

So với mặt bằng chung của điền kinh Việt Nam thì Cẩm Tú không thể cạnh tranh nổi với các đơn vị mạnh như: TPHCM, Hà Nội… nên thành tích của Cẩm Tú chỉ quanh quẩn ở An Giang. Lúc đó, Cẩm Tú cảm thấy chán nản nên đã có quyết định giã từ môn điền kinh, để về nhà phụ việc nhà cho gia đình.

Chỉ được một thời gian ngắn vì quá yêu thích thể thao nên tôi đã tìm hiểu một số môn thể thao để tập luyện. Trong đó, môn thể hình là khá đặc biệt vì cô hoàn toàn không hiểu rõ và e ngại vì là con gái. Nhưng HLV Nguyễn Văn Hải phát hiện Cầm Tú có nét đặc biệt thích ứng với môn này nên đã giới thiệu và mời cô tập thử. Đó là thời điểm năm 2010. Nhưng chỉ 1 năm thì Cẩm Tú đã gây bất ngờ khi đoạt 2 chiếc huy chương ở giải VĐQG ở Đồng Nai ở nội dung Body (HCV) và Fitness (HCB) đây chính là cột mốc để Cầm Tú quyết định đầu tư chăm chỉ cho môn chơi này.

Khó khăn chưa ngừng ở đây khi Cẩm Tú đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình vì con gái mà gánh tạ cơ bắp nổi cuồn cuộn và phơi cơ thể cho mọi người xem thì sẽ khó lấy chồng. Nhưng Cẩm Tú đã dần thuyết phục gia đình và mọi người cũng hiểu được niềm đam mê thể thao từ nhỏ của cô nên đã chìu lòng con gái cưng. Để nâng cao chuyên môn thì Cẩm Tú đã chấp nhận xa gia đình để lên TPHCM rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp.

Cô bày tỏ: “Ban đầu thì có buồn nhưng do ngay từ nhỏ khoảng năm 2005, tôi đã tự lập ở TP Long Xuyên khi được tuyển chọn vào đội tuyển điền kinh tỉnh nên đã xa gia đình sống một mình rồi. Tranh thủ những ngày cuối tuần, tôi vượt hàng trăm cây số để trở về với gia đình là tôi vui rồi”. Đặc điểm của Cẩm Tú là cô không cần ăn uống dinh dưỡng khắc nghiệt như nam lực sĩ vì bản thân cơ thể cô dễ “khô” cơ bắp hơn người khác nhưng đôi khi gần đến giai đoạn thi đấu quan trọng thì cô cũng phải chấp nhận chế độ xiết cơ bắp.

Chính điều này mà cô thổ lộ: “Tôi thấy tập thể hình dù không đến nỗi đòi hỏi kỹ năng kỹ xảo nhiều như các môn thể thao khác như: đá bóng, quần vợt… mà vất vả nhất là chế độ ăn kiêng, thiếu thốn dinh dưỡng dễ làm cho cơ thể con người cau có, bực bội, nóng tính”. Chính điều này đã giúp cô tự trở thành đầu bếp cho mình khi có thể chế biến các món ăn hợp khẩu vị nhưng vẫn đảm bảo đúng dinh dưỡng theo yêu cầu của Ban huấn luyện ĐQTG như: dù cô chủ yếu ăn trứng luộc, nhưng cũng có thể thay đổi qua chiên nhưng cũng không được sử dụng dầu mỡ có nhiều chất béo. Cũng có khi cô mua mì hoặc bún trụng nước không thêm gia vị nấu cùng với giá, rau cải và trứng để đa dạng khẩu vị.

Nhược điểm của Cẩm Tú là lưng cô hơi yếu nên cô chỉ có thể gánh được tạ nặng 40 kg nhưng bù lại cô tăng số lần tập để tạo sự cân đối đồng đều cho cơ thể. Mỗi ngày, thời khóa biểu của cô là sáng tập từ 9g đến hơn 11g và chiều từ 16g đến 19g rồi về nhà trọ cùng với các chị ở ĐTQG nghỉ ngơi.

Nhà vô địch châu Á này rõ ràng là tài năng mới của thể hình Việt Nam hiện tại và tương lai nếu cô tiếp tục niềm đam mê và sự khổ luyện.

Dương Lâm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục