Từ khi boxing nữ bắt đầu phát triển ở Việt Nam vào năm 2004, Hà Nội luôn đi đầu nhờ truyền thống và nguồn lực HLV dồi dào. Ngay lớp VĐV đầu tiên của Hà Nội, dù chuyển từ nhiều môn khác sang (chủ yếu là wushu) nhưng đã kịp để lại dấu ấn với lứa VĐV Nguyễn Thị Yến, Trần Thị Minh Nghĩa từng đoạt HCB SEA Games. Đến năm 2009, boxing nữ Hà Nội tạo bước ngoặt thành tích đáng nhớ với tấm HCV ở hạng 48kg của Ngô Thị Phương tại Đại hội Thể thao trong nhà Châu Á. Đó là động lực mạnh mẽ để những người có trách nhiệm với boxing Hà Nội đưa các VĐV nhà lên tầm cao mới. Những dự án hợp tác đào tạo, những cuộc tuyển người vất vả ở vùng sâu, vùng xa đã mang đến cho boxing nữ Hà Nội lớp VĐV mới. Trong nhóm này có Hà Thị Linh (vô địch SEA Games 27 - 2013) và Nguyễn Thị Yến (dưới 51kg, tân vô địch SEA Games 28). Ngay cả Lừu Thị Duyên (vô địch SEA Games 27), Lê Thị Bằng (vô địch SEA Games 28) cũng được đào tạo ban đầu tại Hà Nội.
Lê Thị Bằng - một trong những boxing trẻ, tài năng của Việt Nam. Ảnh: Internet. |
Nói về hành trình lên ngôi vô địch SEA Games của các võ sĩ Hà Nội, người trong nghề đúc kết rằng: "Phải có đủ thầy tốt, trò tốt, môi trường tốt thì mới ra được thành tích tốt". Trò tốt thì đã rõ, lứa võ sĩ nữ hiện nay của boxing Hà Nội cũng như Việt Nam đều có tố chất tốt, tiếp thu nhanh.
Hà Nội may mắn có nhiều thầy tốt, như HLV Nguyễn Như Cường, cựu võ sĩ nổi tiếng của Việt Nam trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Nguyễn Như Cường là HLV đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn 3 sao quốc tế của Hiệp hội Quyền Anh thế giới. Hai năm gần đây, Hà Nội có thêm chuyên gia người Thái Lan Thattawan, người từng hai lần dẫn dắt các võ sĩ Thái Lan dự Olympic. Trước đó, boxing Hà Nội từng mời các HLV của Kazakhstan, CHDCND Triều Tiên, Philippines tới làm việc nên các VĐV có vốn kiến thức phong phú để áp dụng vào thi đấu.
Ngoài ra, môi trường luyện tập tốt cũng góp phần mang lại thành công cho boxing Hà Nội. Từ 3 năm trước, boxing Hà Nội đã chuyển địa điểm tập huấn ở nước ngoài từ Vũ Hán (Trung Quốc) sang các quốc gia mạnh về boxing nữ trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines. Đây được coi là quyết định quan trọng để nâng cao bản lĩnh thi đấu cho các võ sĩ Hà Nội cũng như đội tuyển quốc gia. Thế nên, dù ở SEA Games 28 không có những hạng cân "tủ" (60kg, 64kg) từng mang lại 2 HCV cho boxing nữ Việt Nam ở SEA Games trước thì cuối cùng các võ sĩ nữ Việt Nam vẫn giành 2 HCV, 1 HCĐ, trong đó VĐV Hà Nội giành 1 HCV, 1 HCĐ.
Thành công của boxing nữ trong hai kỳ SEA Games vừa qua mở ra cơ hội lớn cho boxing Hà Nội. Khâu tuyển VĐV sẽ dễ dàng hơn khi người ta nhìn vào hình ảnh đầy nữ tính của những nhà vô địch SEA Games 28, như Nguyễn Thị Yến từng khiến nhiều người phải trầm trồ vì vẻ ngoài duyên dáng của cô. Sự công nhận của làng thể thao quốc tế, sự vinh danh của các cấp quản lý ở Việt Nam rất có thể sẽ thay đổi cái nhìn của nhiều gia đình về môn thể thao này, nhờ thế mà các tuyển trạch viên sẽ đỡ vất vả hơn. Sự thành công này cũng có thể khiến nhà quản lý đầu tư mạnh tay hơn cho bộ môn này, với ý nghĩa là VĐV mũi nhọn để hoàn thành nhiệm vụ quốc tế. Những chuyến tập huấn mới sẽ được tổ chức, để các HLV biết mình biết người hơn, còn VĐV không e ngại mỗi khi đối đầu với các võ sĩ mạnh của khu vực và thế giới.