Là một môn thể thao từng thu hút đông người tập luyện, thi đấu, bóng ném gần như là môn chủ lực của thể thao học đường cả nước trong những năm 1980-1990 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, vào những năm 1995-1996, bóng ném bỗng dưng dần biến mất, chỉ còn vài tỉnh, thành duy trì nó một cách lặng lẽ, trong đó TP HCM vẫn là chủ lực.
Trận chung kết nam, đội Việt Nam thắng Thái Lan 37-36 Ảnh: Hoàng Triều. |
Lý giải về điều này, Trưởng Bộ môn bóng ném Tổng cục TDTT Đào Đức Kiên lý giải: “Có nhiều nguyên nhân khiến bóng ném Việt Nam chưa được coi trọng đúng mức. Đáng kể là xu hướng đầu tư thể thao thành tích cao của nhiều địa phương, ngành thường tập trung vào các môn, nội dung cá nhân thay vì môn đồng đội. Như vậy, kinh phí đầu tư ít hơn mà hiệu quả có thể đến tức thì.”
Một HLV bóng ném cho biết: “Để duy trì một đội bóng ném có từ 18 đến 20 người phải tốn hơn 1 tỉ đồng/năm. Đó mới là mức chi tiêu tằn tiện, còn để duy trì cả tuyến 1 lẫn tuyến 2 nam, nữ cần có khoảng 6 tỉ đồng/năm. Chưa nói đến chuyện cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu cũng có quy chuẩn, đòi hỏi phải đầu tư, rồi chọn HLV giỏi. Đã vậy, bóng ném cũng không có tên trong chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng. Đây là thiệt thòi lớn cho môn thể thao đồng đội khiến việc tuyển chọn, phát hiện tài năng càng thêm khó khăn. Không kể chương trình thi đấu của các SEA Games lại không thường xuyên có bóng ném.”
Tuy vậy, nhìn vào thành tích của bóng ném Việt Nam, đội tuyển quốc gia nam, nữ vẫn nằm trong nhóm đầu Đông Nam Á và ở nhóm giữa khu vực châu Á. Riêng tại Giải Vô địch Đông Nam Á trong 3 năm gần đây, đội nữ Việt Nam liên tục đăng quang. Còn trong lịch sử SEA Games kể từ năm 1989, ở cả 2 lần mà bóng ném có tên trong chương trình thi đấu, đội nam, nữ Việt Nam giành HCV ở SEA Games 2003; đội nam, nữ giành HCB năm 2007. Riêng tại Giải Vô địch Bóng ném bãi biển châu Á, đội tuyển nữ Việt Nam giành 3 HCĐ.
Ông Đào Đức Kiên, trong năm 2014 và 2015, bộ môn và Liên đoàn Bóng ném Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh việc phát triển phong trào: phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều giải đấu, đặc biệt là dành cho học sinh, sinh viên; chủ động hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng và phát triển bóng ném ở cả 3 miền...
|