Bóng đá Việt Nam: Từ con người đến chiến lược

14:57 Thứ ba 19/03/2013

Bóng đá Việt Nam tuần này đầy ắp các sự kiện. Nếu bóng đá trẻ là cuộc thử lửa của lứa “gà chọi” HAGL – Arsenal JMG sang Nhật Bản thi đấu giải U17 quốc tế thì đội tuyển của thầy trò Hoàng Văn Phúc chuẩn bị làm khách tại Hong Kong với nhiều kỳ vọng. Song song đó, chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2020 – tầm nhìn 2030 được quan tâm nhiều liên quan đến tầm nhìn xa lẫn con người gần cho một chiến lược…

Sáu nhiệm kỳ qua, bóng đá Việt Nam đã thực hiện rất nhiều chiến lược phát triển và kết quả là chưa chiến lược nào được thực hiện một cách nghiêm túc, hay nói đúng hơn là dang dở thiếu tính kế thừa.

Ai chạy những chiến lược cho bóng đá trẻ?

Nguyên nhân chính là do yếu tố con người và do không có sự đồng bộ giữa bản chiến lược và các bộ phận có trách nhiệm theo các đề án, các chiến lược đấy. Đơn giản trong nhiệm kỳ khóa II có thực hiện một chiến lược rất quy mô trong đó có đề cập đến việc tham dự vòng chung kết World Cup, nhưng chỉ 1-2 năm sau thì chiến lược đấy bị bỏ xó bởi nhiệm kỳ sau cho rằng các chỉ tiêu đưa ra không khả thi tí nào.

Cuối năm 2006, bóng đá Việt Nam cũng có một chiến lược rất hoành tráng và được xem là một công trình nghiên cứu kỹ với lộ trình từ 2007 đến 2020. Thế nhưng đến nay thì nhiều người trong bộ máy bóng đá không nhớ là có một bản chiến lược như thế đã từng tồn tại. Nói cách khác là đã chẳng ai theo bản chiến lược đấy và bóng đá Việt Nam vẫn phát triển theo kiểu nhảy cóc của từng nhiệm kỳ.

Chiến lược nào cũng phải đề cập đến yếu tố kế thừa, đến người trẻ, đến những hạt nhân hiện tại và tương lai để đầu tư cho việc thực tế hóa chiến lược. Ở đây yếu tố con người rất quan trọng nhưng nhìn vào yếu tố đấy lại ít thấy được chú trọng trong một bản đề án và thực hiện chiến lược.

Nhìn vào thành phần đội trẻ đại diện U17 Việt Nam tham dự giải quốc tế ở Nhật Bản có bao nhiêu là đầu tư trong chiến lược hay trong dự án của VFF, của Tổng cục TDTT?

Sẽ rất nhiều người ngạc nhiên khi hai cấp trên chẳng đầu tư một tí gì cả mà chỉ là “gặt” và sử dụng phần chiến lược của một ông bầu mê bóng đá và nghĩ có thể vừa sản sinh ra thế hệ cầu thủ mới, vừa kinh doanh bóng đá qua việc hợp tác với Arsenal mở lò đào tạo.

Tương lai nào cho BĐVN?

Đến giờ tôi tin chắc rất nhiều người ở Phòng các đội tuyển quốc gia và đào tạo của VFF cũng không nắm và không hiểu được quy trình tuyển chọn lẫn đào tạo mà lứa U17 đại diện Việt Nam đi thi đấu ở Nhật Bản bởi “đó không phải là con mình”. Ngược lại ở cái Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ rất hoành tráng được sử dụng bằng tiền FIFA cho bóng đá trẻ thì đến nay vẫn chưa “chạy” các kế hoạch thực tiễn cho đào tạo trẻ mà mới chỉ là một trung tâm hiện đại nhìn từ bên ngoài còn bên trong làm được những gì thì “có trời mới biết”.

Vòng xoay con người ở bộ máy điều hành

Giữa hình ảnh một ông bầu 6 năm trước phá biết bao héc-ta cao su để chăm chút cho một học viện bóng đá trẻ sử dụng bằng tiền túi của mình với một tổ chức bóng đá sử dụng tiền FIFA nhưng cứ dậm chân tại chỗ thì có thể hiệu được cái gọi là yếu tố con người cho những chiến lược đường dài.

Hoặc nhìn vào đội tuyển Việt Nam hiện nay đang làm nhiệm vụ tại vòng loại Asian Cup và mục tiêu của đội tuyển đấy là hướng đến SEA Games 27 với chỉ tiêu được trao là HCV. Nhìn một đội tuyển hừng hực ấy ai cũng vui nhưng nếu phân tích sâu xa về yếu tố con người nhắm đến SEA Games (tuổi 23 trở xuống) thì lại là bài toán khó do tuổi tác của những người đá chính và đá được thì quá lứa, còn những hạt nhân đủ tuổi cho SEA Games thì lại làm kép phụ với cự ly về trình độ quá xa so với những người làm kép chính.

Giữa việc nhìn nhận và đánh giá con người, đánh giá tiềm năng với việc cột cho chỉ tiêu vàng đã nói lên được phần “hỏng” trong yếu tố con người.

Cũng có thể lấy dẫn chứng rất rõ qua V-League và Thai-League. Ta làm V-League kiểu cứ đi rồi thành đường và cứ đi theo cái lối mòn mà chưa ra được đường lộ bởi chắp vá, bởi đụng đâu làm đó. Thái Lan làm Thai-League thất bại 4 mùa đầu (từ 2002 đến 2006), nhưng thời gian đó lại cử cả đoàn qua Anh học Premier League và làm lại Thai-League phiên bản 2.0 từ 2008 thành công rực rỡ với tiềm lực kinh tế dồi dào. Thậm chí là bản quyền truyền hình được bán rất cao và bán cả cho Hàn Quốc, rồi sắp tới là Nhật…

Sự khác biệt trên nằm ở yếu tố con người và những bước chuẩn bị với lộ trình rõ ràng mang tính xuyên suốt và quan trọng là nó giữ được tính kế thừa qua các nhiệm kỳ.

Có lẽ không cần phải nhắc lại chiến lược to tát mà bóng đá Việt Nam đã trình Chính phủ vì lộ trình và mục tiêu của nó cũng không khác gì với những bản chiến lược trước cùng với những phần “PHẢI” mang tính lý thuyết rất khoa học và nền tảng. Phần chính theo tôi vẫn là yếu tố con người mà không thể không lo khi nhìn vào bộ máy điều hành hiện nay cứ quanh đi quẩn lại những người cũ bị loại ra, xong lại được đưa đẩy vào, hoặc bị dư luận lên án thì đưa về Tổng cục “núp” rồi lại tìm cách đưa vào trở lại…

Chiến lược tốt cần có những con người tốt đủ năng lực, nhưng rõ ràng chuẩn bị cho con người để theo chiến lược thì vẫn còn dậm chân tại chỗ theo nếp cũ.

Vòng xoay con người ở bộ máy điều hành rất đáng sợ và nguy hiểm hơn là tư tưởng nhiệm kỳ nào “xào” nhiệm kỳ đó nên ít giữ được tính kế thừa.
Nguyễn Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục