Bóng đá Việt Nam: Đừng mong giấc mơ Phù Đổng giữa đời thường

19:27 Thứ bảy 18/10/2014

(TinTheThao.com.vn) - Từ truyền thuyết Thánh Gióng đuổi giặc Ân ngà xưa mà hình ảnh Phù Đổng trở thành biểu tượng cho khát vọng tuổi trẻ, cống hiến tài năng cho quê hương đất nước. Và bóng đá Việt Nam cũng đang nuôi dưỡng một giấc mơ Phù Đông, vào một thời khắc nào đó vụt sáng trở thành một nền bóng đá hùng mạnh trên thế giới.

Nhưng Phù Đổng cũng chỉ là truyền thuyết, là giấc mơ mà thôi. Thế giới không thiếu những dẫn chứng kỳ diệu về sự chuyển mình, nhưng tất cả không đến chỉ sau một đêm hoặc do một đấng siêu nhiên nào mang đến mà đó phải là kết tinh của bao thế hệ, bao công sức mới có thành. Những đội bóng hay các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới, chẳng nơi nào chỉ mất một vài năm mà tạo ra một thế hệ tài năng đủ sức chinh phục đỉnh cao.

Xin nhấn mạnh rằng đó phải là cả thế hệ chứ không chỉ vài cá nhân đơn lẻ. Gần đây nhất là những chàng trai Đức vô địch thế giới, và chúng ta nên biết rằng thế hệ bây giờ là thành quả sau hơn 20 năm thất bại trên các đấu trường quốc tế, họ đã tìm ra con đường để phát triển bóng đá nước nhà. Quá trình đó diễn ra liên tục, rộng khắp và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng cả những tiến bộ khoa học vào tập luyện.

Kiên nhẫn là thứ mà bóng đá Việt Nam hoàn toàn không có. Khát khao vô địch Đông Nam Á và đoạt HCV SEA Games đã ám ảnh cả nền bóng đá đất nước này bao thập kỷ nay. Nhưng đúng là giấc mơ con đè nát cuộc đời con, chính vì chỉ đặt mục tiêu gần như thế nên sinh ra cái lối gọi là ăn xổi ở thì, rồi xây nhà từ nóc hay đẽo cày giữa đường. Bởi muốn có thành tích nhanh, không đầu tư lâu dài nên không có nền tảng vững chắc dẫn đến những thất bại liên tiếp. Có ý kiến cho rằng bóng đá Việt Nam kém phát triển vì thiếu tiền, điều này không sai nhưng chưa đúng.

Ở Châu Âu, Bỉ chẳng giàu có hơn những quốc gia khác nhưng sau 10 năm miệt mài cải tạo, họ đang có thế hệ vàng đầy tiềm năng. Tại Á Châu, Triều Tiên cũng chẳng phải đất nước có nền kinh tế hàng đầu nhưng vẫn phát triển được bóng đá. Còn bên cạnh Việt Nam, Trung Quốc có nền kinh tế thuộc tốp đầu thế giới và có hơn 1 tỷ dân nhưng vẫn không vương lên được hàng đầu châu lục. Thế mới thấy đâu phải cứ phải đầu tư mỗi bữa ăn 3 triệu đồng, di chuyển bằng chuyên cơ thì sẽ trở thành đội bóng mạnh.

Nói đâu xa, những Myanmar hay Indonesia cũng chưa có điều kiện như vậy nhưng họ cũng chơi ngang ngửa thậm chí là hơn cả chúng ta. Đó là chưa kể việc đầu tư như thế thì chỉ có những doanh nghiệp tư nhân kiểu bầu Đức mới đảm đương nổi. Nhưng chẳng lẽ sự phát triển của cả nền bóng đá Việt Nam cứ phải trông chờ vào những lứa cầu thủ của học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal? Hãy chỉ xem đó là sự gợi mở cho hướng đi tiếp theo của bóng đá Việt Nam chứ đó không phải là tất cả hy vọng của bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên bóng đá Việt Nam ra hình hài thế này không phải do đại đa số người dân Việt Nam mà bởi số ít người nhưng số ít người đó đang nắm quyền lực lớn nhất. Bóng đá Việt Nam sẽ như thế nào nếu những người lãnh đạo vẫn chưa trị khỏi căn bệnh hám thành tích, thiếu cái tâm nhưng thừa tham vọng? Chỉ cần những con người ấy gạt bỏ những tư riêng mà nghĩ về cái chung thì nền bóng đá này sẽ có cơ hội chuyển mình.

Đất nước chúng ta có nguồn nhân lực, có tố chất và đam mê, điều chúng ta còn thiếu là cái tâm của cấp lãnh đạo. Chỉ cần cái tâm đó được đặt vào khát khao chung của đất nước chắc chắn sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, phù hợp hơn cho con người Việt Nam. Sẽ có một ngày bóng đá Việt Nam chuyển mình như Phù Đổng, nhưng không nó sẽ không đến trong hoàn cảnh bây giờ.

Hoàng Thông | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục