Xin khẳng định, việc các cầu thủ gốc Indonesia sẽ không làm ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam. Vấn đề ở đây là “trông người mà ngẫm đến ta”. Với lực lượng cầu thủ hiện tại của lứa Công Phượng, rõ ràng trong tầm 10 năm nữa, nếu biết nuôi dưỡng và khai thác tốt, đó sẽ là thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam.
Thế nhưng, cũng cần biết rằng, để lứa cầu thủ này có thể mang vàng từ SEA Games hay AFF Cup tới vươn tầm châu lục thì e... còn lắm chông gai. Bởi ngọn núi sừng sững Thái Lan vẫn còn đó để ngăn bước bóng đá Việt Nam chạm tới ngưỡng vinh quang. Chính vì vậy, nếu chỉ tiếp tục đặt kỳ vọng vào duy nhất nguồn cầu thủ đào tạo trong nước, bóng đá Việt Nam sẽ mãi là người đến sau.
Chúng ta đã loại những cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển Quốc gia. Còn những cầu thủ Việt kiều thì sao? Các cấp đội tuyển đang sử dụng những cầu thủ gốc Việt một cách rất dè dặt. Mới nhất, thủ môn Việt kiều Nga- Đặng Văn Lâm đã được HLV Hữu Thắng triệu tập vào danh sách ĐT Việt Nam nhưng chỉ đóng vai trò dự bị cho Nguyên Mạnh ở AFF Cup 2016. Đó là một trong những trường hợp hiếm hoi được gọi mà nguyên nhân chính là do thủ môn này đang thi đấu tại V-League. Hay xa hơn một chút là Mạc Hồng Quân, cầu thủ duy nhất có vai trò rõ ràng dưới thời HLV Toshiya Miura.
Còn rất nhiều những cầu thủ Việt kiều khác đang thi đấu tại nước ngoài, gần như chúng ta thiếu đi sự quan tâm cùng quyết tâm đưa họ về. Đó là lý do vì sao, bóng đá Việt Nam mất đi Tristan Đỗ khi anh quyết định chọn tuyển Thái Lan. Lee Nguyễn, cái tên rất nổi trội cũng không chọn sắc đỏ vàng vì nhiều nguyên nhân. Một trong số đó theo cầu thủ này lý giải là không thấy được sự ủng hộ từ những người có thẩm quyền.
Điều tương tự cũng diễn ra khi rất nhiều cầu thủ gốc Ta quyết định không quay về khoác áo ĐTQG hay U23 Việt Nam như Florentin Phạm, Christopher Nguyễn, Johnny Nguyễn, Alva Vũ, Martin Trịnh, Kavin Trịnh, Nguyễn Anh Hiệp... Những tuyển trạch của các CLB V-League cũng từng mời những cầu thủ này về thử việc và đầu quân với tư cách cầu thủ nội theo quy định của BTC giải đấu. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ đều ra đi không kèn không trống.
Nhiều ý kiến cho rằng, tuy các cầu thủ Việt kiều này ăn tập và thi đấu ở các CLB nước ngoài từ nhỏ nhưng chuyên môn không hơn 'hàng nội' bao nhiêu. Lời giải thích ấy chưa có sự kiểm chứng nào thỏa đáng nên thật khó để kết luận. Chỉ biết rằng, hiện tại chúng ta chưa có khả năng đánh giá đủ tốt để khai thác triệt để nguồn cầu thủ gốc Việt qua đó giúp các HLV đội tuyển có thêm nhiều sự lựa chọn và tối ưu hóa được tính cạnh tranh. Mong rằng, trong thời gian sắp tới, bóng đá nước nhà sẽ 'thoáng' hơn để không đánh mất hay bỏ sót những cái tên chất lượng vốn dĩ mang trong mình dòng máu Việt.