Bóng đá Việt - chờ đợi đến bao giờ?

20:30 Thứ tư 20/01/2016

(TinTheThao.com.vn) - Khi phải chờ đợi một ai đó hay một điều gì đó thật không dễ chịu chút nào. Chờ đợi luôn mang đến cảm xúc sốt ruột, lo lắng đôi khi là bực bội. Xem các trận đấu bóng đá của đội tuyển U23 Việt Nam dưới thời của HLV Miura cũng vậy, mỗi trận đấu là 90’ khán giả bồn chồn trong sự chờ đợi.

U23 Việt Nam đã chính thức bị loại sau 2 lượt trận ở bảng D tại VCK U23 châu Á 2016. Ảnh: Nhật Minh.

Theo dõi hai trận đấu của đổi tuyển U23 Việt Nam với các đối thủ thuộc khuôn khổ vòng chung kết giải bóng đá U23 Châu Á cũng như rất nhiều trận đấu trước đây dưới thời HLV Miura khán giả đều có một cảm giác chung, nó rất giống với cái cảm xúc khi ta nghe một bài hát không có cao trào hay như xem một vở kịch, bộ phim mà không có điểm nhấn. 90’ cứ trôi qua nhạt nhòa, đều đặn, trùng lặp và rõ ràng là không hề thỏa mãn thị giác người xem.

Người viết - một khán giả hâm mộ bóng đá nước nhà xin mạo muội kể ra 3 yếu tố mà khán giả đã chờ đợi rồi lại thất vọng trong suốt những trận đấu đã qua để kiểm chứng.

Chờ đợi “đột phá” từ HLV trưởng Miura

Một HLV tài năng chắc hẳn phải là một HLV có cá tính rõ ràng, cá tính đó ít nhất phải thể hiện được trong 90’ bóng lăn. Ở HLV Miura, khán giả chưa có cảm nhận rõ ràng về cá tính của ông như một số HLV ngoại từng thành công trước đây với bóng đá Việt. Cụ thể trong mỗi trận đấu, khi thế trận có chiều hướng bất lợi cho đội tuyển, người hâm mộ thường có thói quen chờ đợi HLV trưởng sẽ đưa ra một sự điều chỉnh nào đó về nhân sự, về chiến thuật, hay ít nhất là biểu hiện bằng hành động lao ra đường piste hô hào nhắc nhở các học trò cần phải làm gì?

Với một HLV có cá tính, trong tình huống tương tự, chắc chắn sẽ có một sự điều chỉnh nào đấy được đưa ra đúng thời điểm. Việc đưa ra một quyết định ngay thời điểm đội bóng gặp khó khăn của HLV không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả trên sân, tuy nhiên hành động dám đưa quyết định nó như một thông điệp từ HLV cho các học trò rằng “Tôi hiểurõ vấn đề các cậu đang gặp phải, hãy tin vào điều tôi đã làm, rồi sẽ tốt thôi.”

Nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam không hài lòng với HLV Toshiya Miura. Ảnh: Nhật Minh.

Đồng thời khi các cầu thủ cảm nhận y rằng HLV đã nhìn nhận được vấn đề, kịp thời đưa ra chỉ đạo (dù chưa hẳn là đúng đắn) điều đó ít nhiều mang lại sự giải tỏa về tinh thần trong giây phút cho các cầu thủ, giúp họ phần nào tự tin hơn trên sân. HLV Miura thì không, ông luôn thận trọng quá mức trong cách xử lý tình huống, cách giải quyết của ông là để các cầu thủ căng sức chịu trận còn người mộ thì “nhấp nhổm” chờ đợi và đếm ngược thời gian.

Chờ đợi một thủ lĩnh thực sự

Dưới thời HLV trưởng Miura, đội bóng của chúng ta dường như không có một thủ lĩnh thực sự trên sân. Dẫu biết cách huấn luyện cũng như triết lý của HLV Miura là lối chơi đồng đội, đội bóng không xây dựng để phục vụ hay xoay quanh một cá nhân cụ thể nào. Tuy nhiên một đội bóng dù có nhiều cá nhân giỏi thì chắc chắn vẫn cần phải có một thủ lĩnh, đó là người mà tất cả đồng đội cùng nhìn về và đặt niềm tin mỗi khi đội bóng chơi bế tắc hay gặp khó khăn.

Đó cũng là người mà khán giả hâm mộ sẽ thảng thốt gọi thầm hoặc hô vang mỗi khi anh ta chạm bóng. Đó là người sẽ vực dậy tinh thần đồng đội sau mỗi bàn thua, là người vẫn giữ đôi chân trên mặt đất sau mỗi bàn thắng, và vượt qua mọi áp lực từ khán giả để luôn là chính mình trong mỗi phút trên sân.

Tóm lại, trong thời điểm hiện tại đội hình của HLV Miura thiếu đi một cá nhân mà trong những khoảnh khắc khó khăn nhất vẫn giữ được hy vọng cho đồng đội, cho Ban huấn luyện cũng như người hâm mộ bằng tài năng và bản lĩnh của mình.

Ai đó sẽ nói rằng “vẫn có đấy thôi, đó là Công Phượng, là Tuấn Anh, là Duy Mạnh, là Hồng Duy,…” nhưng người viết cũng xin nhắc lại một chút, chỉ cần các bạn nhớ lại chúng ta đã từng xem Hồng Sơn, Văn Quyến thi đấu,… cảm xúc khi đó của chúng ta khác như thế nào thì các bạn sẽ có câu trả lời liệu các cầu thủ trẻ (dù cũng rất tài năng trên đây) đã xứng đáng với vị trí thủ lĩnh hay chưa?

Chờ đợi sự định hình trong lối chơi

HLV Miura cho cầu thủ tập rất nhiều và thậm chí tập nặng hơn các đời HLV trước. Tuy nhiên các bài tập lẫn phương pháp của ông thường liên tục thay đổi khiến khán giả hâm mộ có cảm giác đội bóng vẫn chưa định hình để tạo ra một lối chơi nhuần nhuyền, xuyên suốt.

Dù xây dựng đội bóng theo chiến thuật phòng ngự - phản công nhưng HLV Miura không huấn luyện các học trò theo một sơ đồ thi đấu cố định, lúc ông Miura sử dụng sơ đồ 5-4-1 (gặp U23 Nhật Bản), lúc thì 4-4-1-1 hoặc 4-4-2. Đặc biệt có trận vẫn là phòng ngự từ xa nhưng lại ra quân với sơ đồ 4-3-3 thiên về tấn công.

Lối chơi của các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura được cho là không bản sắc. Ảnh: Nhật Minh.

Việc không xây dựng và sử dụng một sơ đồ chiến thuật xuyên suốt gây khó khăn cho việc ăn ý giữa các cầu thủ bởi mỗi một sơ đồ chiến thuật khác nhau đòi hỏi cấu trúc và cách vận hành cũng khác nhau. Các cầu thủ phải có tư duy cực tốt hoặc chơi bóng trong môi trường bóng đá đỉnh cao về chiến thuật một thời gian dài (như các giải hàng đầu châu Âu) thì mới có thể kịp thời thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi sơ đồ chiến thuật như vậy được.

Ngoài nguyên nhân trên thì việc xoay tua cầu thủ liên tục, không có đội hình khung, cho cầu thủ đá trái sở trường cũng là một yếu tố gây ra sự bất ổn trong việc định hình lối chơi trong suốt gần 2 năm cầm quân của HLV Miura.

Người hâm một bóng đá Việt thời gian qua đã ít nhiều mất đi nhiệt huyêt bởi sự chờ đợi không được đền đáp. Dẫu vẫn biết trên thế giới để khẳng định sự đúng đắn triết lý bóng đá của bản thân có những HLV phải mất nhiều năm mới có thể mang lại thành công cho đội bóng mà mình dẫn dắt. Câu nói “Chờ đợi càng lâu thành quả mang lại càng nhiều ý nghĩa” là luôn đúng, tuy nhiên thời nào cũng thế sự chờ đợi phải được gây dựng bởi lòng tin.

(Bạn đọc: Vũ Trường Linh)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

20:04 20/01/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục