Bóng đá & những cuộc chiến (Kỳ cuối): Hãy để bóng đá mang đến những nụ cười

07:29 Thứ tư 01/05/2013

Hơn một năm trước tại một thị trấn nhỏ ở Jalisco - Mexico, chính xác là vào ngày 26/03/12 giờ địa phương, hàng chục người dân vô tội đã may mắn thoát chết trong một cuộc xả súng. Cảnh sát kịp ập đến sau 5 phút hình ảnh Chicharito vào thay Welbeck được truyền qua vệ tinh…

Bóng đá gắn liền với cuộc sống, kể cả những cuộc chiến với nhiều mất mát của nhân loại. Nhìn lại lịch sử của bóng đá thế giới, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những câu chuyện khó quên của giới túc cầu giáo với những cuộc chiến tranh đã qua.

Bóng đá - Biểu tượng của hòa bình

“Tất cả mọi người ở Jalisco chưa từng bỏ lỡ bất kỳ một trận đấu nào của Chicharito trong màu áo MU. Cậu ấy vào sân từ phút 63, đến phút 69 thì cảnh sát mới tới. Tạ ơn Chúa, lũ tội phạm cũng bị Hạt đậu nhỏ của chúng tôi làm cho chết mê chết mệt”, ông chủ quán rượu có chiếc tivi chiếu trận đấu giữa Man Utd và Fulham tại vòng 30 Ngoại hạng Anh 2011/12 tự hào trả lời phỏng vấn các phóng viên.

Trước đây, tại một địa điểm diễn ra một trận đấu của Vua bóng đá Pele, hàng vạn trái tim thù địch đã quay về trao hơi ấm cho nhau. Chúng ta đang nói đến cuộc nội chiến tại Nigeria năm 1967. Pele nổi tiếng trên toàn thế giới suốt hơn nửa thế kỷ qua với chiến tích 3 lần giành chức vô địch World Cup cùng ĐT Brazil, vào các năm 1958, 1962 và 1970. Vậy nên cũng thật lạ, rất nhiều NHM Nigeria cùng thời Pele nói rằng: “tôi chỉ biết ông ấy là vị cứu tinh được đưa sang từ Cảng biển Santos, Brazil”.

Mùa bóng thứ 11 ở Santos, CLB mà Vua bóng đá gắn bó tới 18 năm (1956-1974), ghi 589 bàn sau 605 trận, Pele và các đồng đội vẫn quyết định tham dự tour du đấu châu Phi, bất chấp những lời cảnh báo về sự nguy hiểm mà các cuộc chiến tranh ở đó mang lại. Thành phố Lagos, một trong những địa điểm bị tàn phá nặng nề nhất của cuộc nội chiến Nigeria là nơi Pele đặt chân đến. Tất nhiên, ông nhận được sự bảo hộ của chính quyền sở tại cùng cam kết của hai phe đối lập: 48 giờ ngừng bắn để cùng hướng về SVĐ Lagos.

Thời nào đi chăng nữa, bóng đá vẫn chứa trong mình sức mạnh vô địch, có thể chiến thắng tất cả các thế lực muốn xóa đi ổn định, hòa bình trên thế giới. Số ra ngày 08/08/2007 của tờ Telegraph đã nổi bật lên với bài viết “Didier Drogba mang lại hòa bình cho Bờ Biển Ngà”. Dòng tít của bài viết chỉ có một câu là: “Hãy đến với Abidjan, bạn sẽ không phải mang về nỗi thất vọng”.

Có hình ảnh ấy bởi ngay sau khi đặt chân xuống thủ đô của Bờ Biền Ngà, bạn sẽ được gặp Drogba. Tiền đạo ngày ấy khoác áo Chelsea có mặt ở mọi ngóc ngách của các con phố, nở nụ cười tươi rói trên các tấm biển quảng cáo đủ những loại mặt hàng, từ tivi, xe gắn máy, ô tô, thậm chí đến cả… giấy ăn cũng mang thương hiệu “Voi rừng”. Drogba là gương mặt của đất nước, là biểu tượng cho một Bờ Biển Ngà thống nhất.

Tiền đạo hiện đang thi đấu cho CLB Galatasaray của Thổ Nhĩ Kỳ đã từng chia sẻ: “Tôi đã cùng các đồng đội quỳ gối trong phòng thay đồ tại World Cup 2006 cầu xin hai phe hạ vũ khí”. Đấy là “Voi rừng” nói tới cuộc nội chiến ở đất nước mình, mà tới tháng 3/2007, sau cuộc bầu cử Tổng thống, đại diện của lực lượng Chiến binh mới đã lên truyền hình quốc gia để nói lời cảm ơn Drogba.

Drogba là biểu tượng hòa bình của bóng đá Bờ Biển Ngà

Trước khi World Cup 2010 diễn ra tại Nam Phi, Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo đã chấp nhận lời cầu khẩn của Liên đoàn bóng đá quốc gia để khởi động lại cuộc đàm phán với phe đối lập. Trong cuộc bầu cử Tổng thống cuối tháng 11/2010, Hội đồng Hiến pháp Bờ Biển Ngà tuyên bố ông Laurent Gbagbo là người giành thắng lợi. Drogba nói trước cuộc bầu cử rằng “các cầu thủ và giới mộ điệu tin vào người lãnh đạo ưa chuộng hòa bình”.

Có một trận đấu giữa các chiến hào

Gần một thế kỷ trôi qua kể từ trận đấu vẫn được nhiều người cho là truyền thuyết ấy, báo giới Anh mới bắt đầu lục lại các tư liệu về cuộc chiến Anh – Đức trong Thế chiến I. Bertie Felstead – quân nhân Anh cuối cùng từng tham dự trận đấu với các binh lính Đức đã qua đời năm 2001 ở tuổi 106. Khắp các mặt báo xứ Sương mù 12 năm trước đăng tải lời kể của ông về đêm Giáng sinh 1914.

“Nó không giống với một trận đấu bóng đá thông thường. Có nhiều hơn 22 cầu thủ, có thể đã lên tới 50 người. Tôi tham gia vì thực sự thích bóng đá. Tôi không nhớ nó đã kéo dài trong bao lâu, có thể là nửa tiếng đồng hồ và tất cả chúng tôi đều là người chiến thắng”, ông Felstead nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình vào năm 1996.

Nhưng không phải mãi sau đó 82 năm người ta mới tìm thấy trận đấu trong đêm hưu chiến năm 1914 từ lời kể của một cụ già hơn 100 tuổi. Lục lại đống tư liệu cũ, Mirror tìm thấy bức thư của trung sĩ Clement Barker gửi anh trai, 4 ngày sau khi trận đấu lịch sử Anh – Đức diễn ra. Người em trai viết: “Một sứ giả Đức đã đến để đề nghị một thỏa thuận ngừng bắn tới sáng hôm sau. Đề nghị được chấp nhận và gần như ngay lập tức hai binh sĩ khác của quân đội Đức tiến lại phía chúng em. Họ mời quân Anh một điếu xì gà rồi hỏi về những trận đấu tại FA Cup. Một người bạn của em đã lấy ra một quả bóng để tặng lại họ. Tất cả nhìn nhau một lúc rồi chẳng ai nói với ai, trận đấu diễn ra như một màn tranh tài đích thực trên sân cỏ vậy”.

Ngày ấy, quân Anh có nhiệm vụ không cho quân Đức vượt qua biên giới Bỉ để vào nước Pháp. Đến cuối tháng 8/1914 đã có 2.000 trên tổng số 5.000 cầu thủ chuyên nghiệp Anh lên đường nhập ngũ. Suốt mấy tháng trời, người Đức và Anh ghìm chân một ở vành đai trắng kéo dài những 400 dặm từ biển Bắc đến vùng biên giới giữa Pháp và Thụy Sỹ. Có lúc những những kẻ đại thù chỉ cách nhau vài chục mét. Và khi ở sát gần nhau, họ lại chẳng muốn làm tổn hại đối phương. Vì trái bóng tròn đã chiến thắng những tâm hồn thù địch.

Theo lời kể của trung sĩ Barker, những “khán giả” theo dõi trận đấu vào đêm Giáng sinh 1914 còn thi nhau xả đạn lên trời sau những pha bóng đẹp. Họ vừa thể hiện sự phấn khích trong trận đấu với những người cách đó vài phút còn sẵn sàng lấy đi sinh mạng của mình, vừa để che mắt thượng cấp, vừa để tự mình trở thành người chiến thắng, dẫu biết rằng chiến tranh sẽ chẳng thể kết thúc trong nay mai…

Vào ngày 17/04/2013, Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) đã bãi bỏ lệnh cấm ĐT Libya đá các trận vòng loại World Cup 2014 trên sân nhà. Những nhà lãnh đạo môn thể thao Vua khẳng định: “Libya an toàn cho một cuộc so tài trên sân cỏ”.

Vào ngày 07/06 tới đây, CHDC Congo sẽ là đội bóng đầu tiên tới Libya sau tròn 1 năm đất nước này không được đón tiếp các vị khách vì ảnh hưởng của cuộc nội chiến. Tại vòng loại World Cup khu vực châu Phi, Libya đang xếp thứ 2 bảng I với 5 điểm sau 3 lượt trận. Kém đội đầu bảng Cameroon 1 điểm, Libya vẫn còn rất nhiều cơ hội để đến Brazil vào mùa hè 2014, tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Tại Iraq, bóng đá được dùng làm vũ khí để chống lại chiến tranh. Cựu tuyển thủ Bassam Raouf Hamid đã trở về từ Thụy Điển đã trở về Baghdad để lập nên một chương trình huấn luyện các thanh niên địa phương chơi bóng. 18 CLB đã được lập nên, mỗi CLB có 120 cầu thủ cùng 15 giảng viên cao cấp. Các cầu thủ trẻ đều ước mơ để một ngày nào đó có tên trong ĐTQG. Tất cả đều khẳng định sứ mệnh thiêng liêng của mình: Dùng bóng đá hàn gắn nỗi đau chiến tranh.
Quốc Hưng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục