Sự kiện được chú ý nhất trong tuần qua chính là tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tham dự cúp bóng chuyền nữ vô địch châu Á 2016 tại Vĩnh Phúc. Đây là giải đấu không nằm trong hệ thống tính điểm chính thức nên nhiều quốc gia chỉ cử đội trẻ tham dự, Việt Nam được kỳ vọng sẽ khép lại giải đấu trong top 6.
Thế nhưng...
Sau ba lượt trận vòng bảng, Việt Nam thắng 2 thua 1. Nếu trận thua trước Thái Lan là một lẽ đương nhiên bởi khoảng cách giữa chúng ta và nước bạn đã là quá xa, thì hai trận thắng cùng với tỷ số 3-2 trước Đài Loan và Iran thật sự đáng được khen ngợi, nhất là khi chúng ta thắng nghẹt thở ở trong thế bị dẫn trước.
Thua Kazakhstan với tỷ số 23-25, 23-25, 23-25 ở tứ kết, Việt Nam bước vào trận đấu bán kết phân hạng từ thứ 5 đến thứ 8 với Iran. Cũng đội hình từng thắng Iran ở vòng bảng nhưng Việt Nam lại thua ngược 1-3. Ở trận tranh hạng 7, Việt Nam hạ đội hình... U19 của Hàn Quốc với tỷ số 3-2.
Khép lại giải với vị trí thứ bảy có thể nói không phải là một kết quả tồi với thầy trò HLV Thái Thanh Tùng, nhất là khi đội hình Việt Nam gồm nhiều nhân tố trẻ: Trần Thanh Thúy, Đinh Thị Thúy, Đoàn Thị Xuân hay Hà Ngọc Diễm.
Càng về sau càng đuối
Hai trận thắng ngược trước Đài Loan và Iran ở vòng bảng khiến người hâm mộ nức lòng bao nhiêu, thì hai trận đấu phân hạng cuối cùng của giải khiến người ta thất vọng bấy nhiêu. Gần như tất cả các vị trí trên sân của Việt Nam đều thi đấu dưới sức và lộ rõ sức ì.
Nếu những cựu binh như Ngọc Hoa, Kim Huệ ít nhiều đã có tuổi đã đành, đằng này những Ngọc Diễm, Trần Thanh Thúy hay Đoàn Xuân đều cho thấy dấu hiệu của những... bom xịt dù tất cả đều dưới 22 tuổi.
Không phủ nhận đội hình Việt Nam mang đến giải này có nhiều gương mặt trẻ, song đó không phải là lý do để dẫn đến những thất bại. Ngoài khả năng tấn công, Việt Nam dường như yếu đều ở những kỹ năng nhỏ khác, đặc biệt là khả năng bắt bước một và khâu hỗ trợ sau chắn. Thất bại sít sao đầy tiếc nuối trước Kazakhstan ở tứ kết đã cho thấy đối thủ thật ra không quá mạnh, mà quan trọng là Việt Nam không vượt qua được chính mình.
Lên tuyển để mài đũng quần
Ở giải đấu năm nay hầu hết các vị trí của Việt Nam đều được tung ra sân để thử lửa, duy chỉ có Nguyễn Thị Trinh - phụ công của Long An là an phận trên ghế dự bị.
Cô gái trẻ vốn xuất thân từ đội bóng chuyền Đắc Lắc sở hữu chiều cao 1m80 cùng khả năng tấn công và bám chắn khá tốt. Chưa đầy 20 tuổi, việc được gọi vào ĐTQG là một động lực lớn lao để Nguyễn Thị Trinh phấn đấu nhằm tiếp bước các đàn chị như Kim Huệ, Ngọc Hoa.
Dù vậy, "có tiếng mà không có miếng", thử hỏi Trinh sẽ trui rèn kiểu gì khi mà cô luôn đứng ngoài cuộc chơi, dù có khi đối thủ của Việt Nam chỉ là một tuyển U19 Hàn Quốc, trong đó có cả những gương mặt sinh năm 2000 và 2001.
Lê Thanh Thúy - phụ công của Ngân hàng Công Thương cũng suýt rơi vào tình trạng tương tự. Ở trận đấu với Kazakhstan khi Ngọc Hoa thi đấu không hiệu quả, lẽ ra vị trí của cô nên được thay bằng Thanh Thúy. Song chính sự bị động trên băng ghế huấn luyện đã cướp đi một cơ hội được học hỏi của VĐV tiềm năng này.
Yếu nhiều lắm
Thống kê sau giải cho thấy Trần Thanh Thúy là VĐV ghi nhiều điểm nhất với 88 điểm. Nên nhớ việc một tay đập mới 19 tuổi có thể ghi ngần ấy điểm số là một điều hết sức đáng khen.
Tuy nhiên ngoài khả năng tấn công, các kỹ năng còn lại của Thanh Thúy không cải thiện là bao so với thời điểm cách đây 3-4 năm khi được trình làng lần đầu tiên trong màu áo Long An. Ngoài chiều cao 1m90 độc nhất vô nhị trong làng bóng chuyền nữ Việt Nam, người ta đang chờ đợi Thanh Thúy thể hiện nhiều hơn, đặc biệt là trong khâu bước một và cách vào đà, ra tay mỗi khi ở hàng trên. Xét về tuổi đời Thanh Thúy còn rất trẻ, nhưng về tuổi nghề thì chưa hẳn như vậy.
Kim Huệ đánh dấu sự trở lại ấn tượng với 78 điểm, trong khi đội trưởng Ngọc Hoa ghi được 66 điểm. Sự hiện diện của các cựu binh trong đội hình là điều rất cần vào lúc này để dẫn dắt các VĐV trẻ. Tuy nhiên chúng ta cũng nên sớm trao cơ hội cho nhiều VĐV trẻ được thể hiện mình, tránh rơi vào hoàn cảnh khi Kim Huệ, Ngọc Hoa chơi không đúng phong độ thì bóng chuyền Việt Nam cũng "tịt ngòi"