Bóng chuyền Nhật Bản: Không cao vẫn khiến cả thế giới ngước nhìn

11:49 Thứ hai 12/09/2016 | 4

TinTheThao.com.vnBóng chuyền Nhật Bản từ lâu đã trở thành một thế lực ở châu Á. Họ thậm chí còn đạt thành tích ấn tượng ở những đấu trường lớn như Olympic, giải VĐTG hay World Cup.

red-rockets-FD-091016

 Bóng chuyền Nhật Bản được đánh giá cao ở sự cơ động, tinh thần tập thể. Ảnh: Internet.

Hôm 11/9 vừa qua, CLB NEC Red Rockets đến từ Nhật Bản xuất sắc đánh bại CLB Ba'yi Shenzhen (Trung Quốc) với tỷ số thuyết phục 3-0 (25-23, 25-19, 25-21) để đăng quang giải bóng chuyền các CLB nữ vô địch châu Á 2016 tại Philippines.

Chiến thắng của NEC làm nức lòng giới chuyên môn, nhất là khi đối thủ bên kia lưới của họ đều là những VĐV có nhiều cao trung bình vượt bậc. Theo thống kê, CLB NEC có chiều cao trung bình chỉ 1m73, trong khi CLB Ba'yi cao trung bình 1m88.

Không cao nhưng vẫn khiến người khác ngước nhìn

Trong môn bóng chuyền, chiều cao là một trong những yếu tố bắt buộc. Thể hình càng tốt, các VĐV càng có cơ hội giành chiến thắng trong các pha tấn công, tranh chấp trên lưới. Điển hình là tuyển nữ Nga, hai lần liên tiếp VĐTG (2006, 2010) nhờ chiều cao trung bình trên 1m90 và những pha tấn công trên chắn, tuyển Brazil (hai lần liên tiếp vô địch Olympic 2008, 2012) nhiều năm qua luôn giữ bộ khung với chiều cao trung bình vào khoảng 1m85.

Hay như Trung Quốc vừa mới giành HCV ở Olympic Rio vừa qua có chiều cao trung bình (không tính libero) tới 1m90. Họ có những tay đập được ví là "khủng long" thực thụ trên sàn đấu như Yuan Xinyue (1m99), Zhu Ting, Xu Yunli (1m95) hay Zhang Changning (1m93). 

d4bed9d4d220118c09b42d

 Lăn xả trên mọi đấu trường gần như đã là "thương hiệu" của bóng chuyền Nhật Bản. Ảnh: Internet.

Giữa vô số những chân dài của làng bóng chuyền, hình ảnh các nữ tuyển thủ Nhật Bản thấp bé vô tình trở thành điểm nhấn. CLB NEC - nhà tân vô địch của giải bóng chuyền các CLB nữ vô địch châu Á vừa qua là một điển hình.

Hai mũi ghi điểm chính của NEC tại giải này: Oumi Akari và Mizuki Yanagita lần lượt chỉ cao 1m71 và 1m68. Oumi là gương mặt quen thuộc bởi cô từng sang Việt Nam tham dự VTV Cup 2011, còn Yanagita - người đoạt giải phụ "VĐV đối chuyền hay nhất" năm nay chỉ mới 20 tuổi.

Ở nhiều góc quay, Yanagita khi đứng đối cầu thậm chí chỉ cao tới vai so với VĐV Wang Yunlu (1m93) của Bayi. Ấy vậy mà cô gái thấp bé này nhiều lần nhảy lên xé toạc hành chắn của đối thủ, lại không ít lần tung ra những pha đập bóng mà giới mộ điệu gọi nôm na là "cắm sàn". Vậy đâu là chìa khóa để các cô gái vốn nhỏ bé thắng ngoạn mục đến vậy?

Chìa khóa nằm ở lối chơi

Trong 90 phút của trận chung kết, các mũi tấn công của Nhật Bản không ít lần khiến đối thủ cao to phải lao đao. Mỗi khi bóng đến tay chuyền hai, "nhạc trưởng" Yamaguchi, hầu như mọi vị trí trên sân của Nhật Bản đều di chuyển. Điều này khiến đối thủ của họ dù có chiều cao nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu phán đoán để bám chắn.

Nhật Bản xưa nay vốn mạnh ở khâu phòng thủ tầm thấp và đó đã là một "đặc sản" của bóng chuyền xứ anh đào. NEC thậm chí còn làm được nhiều hơn vậy tại giải này. Họ thi triển cực tốt những bài chồng biên, đánh nhanh giữa lưới hay tấn công sau vạch 3m. Ngoài ra các cô gái cũng tận dụng cực tốt khả năng phòng thủ phản công để nắm thể chủ động xuyên suốt cuộc so tài. Bên kia lưới, đối thủ của họ gần như không thể tìm được bất cứ "lỗ hổng" nào trước một đội hình kín kẽ.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, thời hoàng kim của bóng chuyền nữ Nhật Bản diễn ra những năm 70-80 của thế kỷ trước, khi họ hai lần đoạt HCV ở Olympic (1964, 1976) và ba lần khác đăng quang tại giải VĐTG (1962, 1967, 1974). Nhật Bản được xem là quốc gia khai sinh ra miếng đánh nhanh, mà sau này Trung Quốc và Sô-viết (cũ) đã học hỏi rất thành công.

Những nhà vô địch nhỏ bé

Lấy lối chơi, tốc độ và sự cơ động để bù đắp lại bất lợi về thể hình, bóng chuyền Nhật Bản thực hiện cuộc tái thiết trong 10 năm trở lại đây và thu được những thành tích đáng kể. Thành công nhất là tấm HCĐ giải VĐTG năm 2010 khi đánh bại Mỹ, rồi HCĐ Olympic Luân Đôn 2012 khi họ vượt qua đội bóng cùng châu lục là Hàn Quốc.

img_2785_3-scaled1000

 Takeshita chỉ cao 1m59 nhưng được FIVB xếp vào hàng huyền thoại. Ảnh: Internet.

Hai tấm HCĐ nói trên của bóng chuyền Nhật Bản đều có hình bóng của những VĐV nhỏ bé. Họ là Yoshie Takeshita và Yuko Sano - một chơi ở vị trí chuyền hai, người còn lại chơi ở vị trí libero, đều cao 1m59 và đã được xếp vào hàng ngũ của những huyền thoại. Với hai ngôi sao này, chiều cao chưa bao giờ là thứ khiến họ mặc cảm.

Không chỉ riêng bóng chuyền

Hồi tháng Ba năm nay tay vợt Nozomi Okuhara (chỉ cao 1m55) gây sốc khi đánh bại Wang Shixian của Trung Quốc để vô địch giải cầu lông Toàn Anh, qua đó lần đầu tiên trong sự nghiệp đứng số ba thế giới. 

tumblr_oc61v1pQWd1rfx9jqo1_500

 Tay vợt Okuhara chỉ cao 1m55 nhưng lối chơi vô cùng thông minh. Ảnh: Internet.

Trước đó Okuhara từng hai lần hạ tay vợt số một thế giới Carolina Marin ở Dubai Super Series Masters Finals 2015 để giành chức vô địch. Cô là tay vợt thấp nhất trong lịch sử từng vô địch giải này, đồng thời là tay vợt nhỏ bé nhất từng có mặt trong top 5 thế giới. 

Cũng ở môn cầu lông, Yamaguchi Akane từng khiến cả thế giới sửng sốt khi đăng quang giải Nhật Bản mở rộng 2013 (được ví như Grand Slam của môn cầu lông) để trở thành nhà vô địch Super Series trẻ tuổi nhất khi mới 16 tuổi, 3 tháng và 6 ngày.

Ai Fukuhara - tay vợt bóng bàn nổi tiếng nhất trong lịch sử của Nhật Bản cao vỏn vẹn 1m55. Hay như Homare Sawa - cầu thủ xuất sắc nhất tại Cúp thế giới 2011 môn bóng đá cũng chỉ có 1m65.

"Trong thể thao nói chung có những thứ còn quan trọng hơn cả những tấm huy chương," ông Hase Hiroshi - Bộ trưởng Bộ giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ nói trên tờ Tokyo Sports. "Tôn chỉ của chúng tôi là sự đam mê và khổ luyện, những thứ đó sẽ dẫn đưa chúng ta đến giá trị chân chính nhất của thể thao."

Video CLB NEC đánh bại Ba'yi tại chung kết:

Đức Nam | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục