Bệnh than van, kiện cáo

13:48 Chủ nhật 15/12/2013

Ngay từ khi có kết quả bốc thăm môn cầu lông tại SEA Games 27, HLV Nguyễn Anh Hoàng và Nguyễn Tiến Minh đã than thở ngay, cho rằng Ban tổ chức bốc thăm gây bất lợi cho Minh.

Nỗi buồn thua trận của Tiến Minh. Ảnh: Sĩ Huyên

Khi ấy, một vài người bạn của tôi, toàn dân mê cầu lông như điếu đổ, đã dự báo rằng: "Không khéo Tiến Minh lại không thành công tại SEA Games này, dù rằng rất thuận lợi khi hàng loạt đối thủ trên cơ đã không dự SEA Games 27".

Theo họ, Minh là tay vợt số một SEA Games 27. Vì vậy, các đối thủ phải sợ Minh chứ không việc gì Minh phải sợ các đối thủ. Thế thì, thầy trò Minh không được phép than.

Trong những ngày vừa qua, theo dõi SEA Games 27 chúng ta thấy báo chí đưa khá dày về những vụ kiện cáo, than thở của các HLV Việt Nam. Trong khi đó, hình như các nước chẳng thấy than van, kiện cáo gì? Dĩ nhiên, cái chuyện gian lận, ép uống ở sân chơi SEA Games thì đã quá rõ rồi. Nhưng phải chăng thiên hạ chỉ chăm chăm "đè" thể thao VN ra mà ép thôi chăng?

Tôi không tin như thế. Bởi trong nhiều lần dự SEA Games trước đây, tôi cũng đã chứng kiến không ít vụ mà quân mình được hưởng lợi từ trọng tài. Cho phép tôi không nêu ra những trường hợp cụ thể để giữ giá trị màu vàng của chiếc huy chương mà dù sao VĐV cũng đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để có nó. Nhưng đại khái sự hưởng lợi của chúng ta có trong những trường hợp mà chủ nhà cần "đè" một đối thủ nguy hiểm.

Ví dụ SEA Games tổ chức tại Indonesia, thì chủ nhà rất ngại Thái Lan trong việc tranh chấp ngôi đầu bảng xếp hạng. Thế là không ít trường hợp võ sĩ VN vào chung kết với Thái Lan thì những người bị ép không phải là chúng ta. Cái này thường rơi vào những môn chấm điểm theo cảm tính, không rõ ràng như các môn võ, thể hình, TDDC...

Vì vậy, với những môn chấm điểm đầy cảm tính, thường người ta im lặng vì ngầm hiểu cuộc chơi là thế đấy. Ngay các nhà quản lý thể thao VN cũng hiểu, nhưng họ vẫn thích mang ra nói nhằm biện minh cho sự thất bại.

Riêng với những môn rõ ràng, hay ho như cầu lông chẳng hạn, thì những lời than van kiểu thầy trò Anh Hoàng-Tiến Minh thể hiện một điểm yếu về mặt tâm lý. Thạc sĩ tâm lý thể thao tốt nghiệp tại Thụy Điển-anh Đào Tiến Dũng trong một lần trò chuyện cùng tôi đã cho biết: "Tôi đã tiếp cận với Tiến Minh, với nhiều vận động viên thể thao khác và thấy rằng chính cái thói quen hay than thở "tại..., bị..." đã khiến họ thiếu tự tin khi nhập cuộc. Đừng nghĩ rằng những lời nói than thở, trách móc ấy không ảnh hưởng đến kết quả thi đấu".

Chính vì vậy, Tiến Dũng mới tha thiết xin góp sức cho thể thao VN trong vai trò một chuyên gia tâm lý. Tiếc rằng tấm lòng của anh không được đón nhận, để rồi bây giờ trở thành một thành viên trong đội ngũ chuyên gia tâm lý cho thể thao Singapore!

Ngày ấy, tôi nói với Đào Tiến Dũng rằng: Với thể thao VN, thật ra các VĐV chưa phải là những người đầu tiên cần phải hỗ trợ về tâm lý. Muốn giải quyết từ gốc, phải "chữa" cho các quan chức, các HLV. Đội ngũ này tự tin hơn, giảm hơn căn bệnh tìm kiếm lý do để bào chữa cho thất bại, khi ấy chuyện tâm lý của VĐV là chuyện nhỏ!

Huy Thọ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục