Bầu Đức và những tủi hận cay đắng vì bóng đá

14:05 Thứ năm 30/10/2014

Từng không được đối tác tiếp chuyện, thất bại nặng nề với thương vụ Lee Nguyễn, ông Đức vẫn quyết tâm làm bóng đá quyết liệt.

Ông Đức đang là bầu bóng đá hot nhất Việt Nam. Để có thể thành công như hiện tại, ông bầu gốc Bình Định trải qua không ít lần cay đắng. Nhưng những thất bại ban đầu lại là nghị lực để ông tiến tới những thành công rực rỡ sau đó…

Bầu Đức nhiều năm lăn lộn đóng góp cho bóng đá Việt. Ảnh: Kỳ Lân.

Hoàng Anh là ai? Gia Lai ở đâu?

Năm 2002, bầu Đức có quyết định gây chấn động làng bóng đá Đông Nam Á khi mua Kiatisak về đá giải hạng Nhất Việt Nam (năm này, HAGL chưa lên V-League). Thương vụ lớn về bóng đá đầu tiên ông thực hiện với nhiều gian nan của một kẻ “chẳng ai biết mình là ai mà lại đi làm chuyện như không tưởng”.

Sau này bầu Đức tâm sự, bấy giờ ông bị dư luận trong nước đánh giá “tay này chắc chơi ngông thôi”. Sang Thái Lan, bầu Đức cũng không thể gặp ngay ngôi sao số một của bóng đá khu vực khi đó vì họ không tiếp ông - một người còn vô danh trong làng bóng. Quá trình kiên trì đến “lỳ lợm” của ông mang lại kết quả là các cuộc gặp mặt. Kiatisak đã bị ông thuyết phục và đồng ý qua Việt Nam thi đấu với nhiều khoản ưu đãi mà đến các CLB ở Singapore, Indonesia… cũng chào thua. Khi đó, báo Thái Lan giật tít: Hoàng Anh là ai? Gia Lai ở đâu?

Vượt qua những cay đắng ban đầu, bầu Đức có thương vụ chuyển nhượng thành công nhất cho đến nay. Vượt ngoài khuôn khổ bóng đá, đây là cú áp phe giúp công việc làm ăn của ông bước sang trang mới với sự phát triển tính bằng cấp số nhân.

HAGL chưa thể mời Arsenal

Năm 2007, bầu Đức có chuyến qua Anh để bàn về việc hợp tác với CLB Arsenal. Tại đây, với sự nhiệt tình và cầu thị, ông được ban lãnh đạo CLB này tiếp đón nồng hậu. Bầu Đức có nhã ý đặt vấn đề mời CLB lừng danh này qua Việt Nam thi đấu giao hữu. Nhưng HLV Wenger nói thẳng rằng HAGL chưa đủ trình để mời đội bóng của ông sang thi đấu vì khoảng cách quá chênh lệch. Điều này làm vị Phó chủ tịch VFF rất thấm thía.

HLV người Pháp gợi ý cho ông cách để rút ngắn cách biệt đó là đào tạo trẻ. Và học viện HAGL Arsenal JMG ra đời sau đó không lâu. Sau 7 năm đào tạo, hiện nay khóa một của học viện đang làm say mê hàng triệu người hâm mộ và mở ra cánh cửa sáng cho bóng đá Việt Nam.

Lee Nguyễn và '98% HAGL vô địch V-League'

Năm 2009, Lee Nguyễn là thương vụ bầu Đức dành nhiều công sức đầu tư và chịu tốn kém thứ hai sau thương vụ Kiatisak. Mục tiêu khi lấy cầu thủ Việt kiều đang nổi đình nổi đám ở Mỹ là muốn HAGL tìm lại thời hoàng kim. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Đây là vụ làm ăn thất bại của ông khi chỉ một mùa sau đó, Lee Nguyễn phải rời đội bóng vì lý do nội bộ với HLV Kiatisak.

Sau đó, bầu Đức gần như ít xuất hiện và có những tuyên bố mạnh mẽ như trước. Ông âm thầm theo dõi, chăm sóc lứa cầu thủ của học viện để chờ ngày đưa HAGL trở lại. Ngày đó đang đến rất gần khi Công Phượng và các đồng đội chuẩn bị dự V-League 2015.

Ông Đức nếm đủ cay đắng khi làm bóng đá. Ảnh: Kỳ Lân.

Cầu thủ bây giờ nhiều đứa càng lớn càng mất dạy

Lời trần tình chứa đựng nhiều cay đắng của bầu Đức cách đây vài năm, trong cuộc gặp gỡ giữa các ông bầu diễn ra tại TP HCM. Ông kể về những thói hư, tật xấu của nhiều cầu thủ tinh tướng, hạch sách, chạy theo đồng tiền. “Cầu thủ mình đào tạo nhiều công sức nhưng khi đủ lông đủ cánh lại đưa ra yêu sách rồi nơi khác trả cao hơn là bay mất”.

Bài học này theo ông mãi đến bây giờ. Đó là lý do ông quyết “bao bọc” các cầu thủ U19 HAGL cho dù họ đã ở gần tuổi đôi mươi. Tiền bạc của cầu thủ ông đều gửi về cho gia đình, ông cấm treo thưởng nóng trước trận hay trước giải, bắt các cầu thủ phải học hành đàng hoàng…

Nếu không thay đổi, HAGL rút khỏi V-League

Bầu Đức từng nghẹn ngào phát biểu vào thời điểm sôi sục thay đổi của bóng đá Việt Nam tháng 9/2011. Ông cho rằng nếu VFF không thay đổi những yếu kém hiện nay thì ông, dù rất yêu bóng đá, cũng sẽ rút lui khỏi V-League và chỉ tập trung làm bóng đá trẻ. Ông chỉ ra các yếu kém của ban tổ chức giải, ban kỷ luật, trọng tài… và cả cách quản lý, điều hành của VFF.

Sau đó, bầu Đức bắt đầu tham gia trong các tổ chức bóng đá như Phó chủ tịch HĐQT VPF, rồi Phó chủ tịch VFF nhằm chung tay giải quyết các vấn đề ông từng chỉ ra.

Thất bại này do tôi đến 70%

Một lần cay đắng khác của bầu Đức là khi lần đầu tiên ngồi ghế trưởng đoàn U19 Việt Nam tại vòng chung kết U19 châu Á. Tại đây, trước khi gặp U19 Hàn Quốc trận mở màn, ông có bài động viên các cầu thủ. Nhưng nó lại gây tác dụng ngược khiến các cầu thủ thường ngày vẫn vui vẻ trò chuyện với ông bị tâm lý, đôi chân nặng nề không thể thi đấu tốt và thua 0-6.

Ông nói bản thân cả đêm không ngủ được vì trằn trọc tìm lý do thất bại. Cuối cùng, bầu Đức thấy nguyên nhân ở mình khi cứ mỗi lần có mặt trên sân là đội thua, dù ông cho rằng mình không “duy tâm”. Ông quyết định không xuất hiện cùng đội để các cầu thủ giải tỏa tâm lý. Ở giải U21 quốc tế tại Cần Thơ, “lời nguyền” ông có mặt là thầy trò ông Giôm thua được hóa giải.
Ngọc Hà | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục