Bao giờ châu Á viết lại bản đồ bóng đá?

12:09 Thứ sáu 10/08/2012

Nhật Bản và Hàn Quốc đã không thể tạo nên một trận chung kết toàn châu Á trong mơ ở Olympic London 2012, nhưng họ đã để lại dấu ấn đậm nét với những trận đấu mạnh mẽ và quả cảm trên đất Anh. Tuy nhiên, các thất bại không thể biện minh trước Mexico và Brazil cho thấy bóng đá châu Á vẫn còn những khoảng cách khá xa với châu Âu hay Nam Mỹ và gần hơn, họ vẫn chưa thể vượt qua châu Phi trên bản đồ túc cầu thế giới.

Ở World Cup thì châu Á đã làm được nhiều hơn, với việc Hàn Quốc vào bán kết năm 2002 trên sân nhà và CHDCND Triều Tiên vào tứ kết năm 1966 (so với hai lần vào tứ kết của các đại diện châu Phi, Cameroon ở Italia 1990 và Ghana ở Nam Phi 2010). Nhưng tại đấu trước Olympic, khoảng cách vẫn còn rất lớn khi các đại diện lục địa đen đã có 2 HCV các năm 1996 và 2000. Nhưng vấn đề không chỉ là bảng xếp hạng và thành tích.

Khoảng cách về trình độ giữa ĐT Hàn Quốc và ĐT Brazil là rất lớn - Ảnh: Getty

Trong cả thập kỷ vừa qua, bóng đá châu Phi mới là thế lực đang lên đích thực ở các đấu trường đỉnh cao. So sánh những ngôi sao lớn ở các giải đấu hàng đầu và chất lượng đích thực của cầu thủ, bóng đá châu Á vẫn chưa thể tạo ra ảnh hưởng mang tính toàn cầu như châu Phi. Các nền bóng đá mạnh nhất ở đây chưa thể sản sinh ra những George Weah, Jay Jay Okocha hay mới hơn là Samuel Eto’o, Didier Drogba. Tương tự như vậy, giải vô địch châu Phi đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng và là nơi tập trung các tuyển trạch viên đến từ những đội bóng hàng đầu châu Âu, trong khi giải đấu tương tự ở châu Á chủ yếu vẫn chỉ là một sân chơi nội địa thuần túy.

Hàn Quốc và Nhật Bản, không chỉ nhờ vào thành tích ở Olympic lần này, là những nền bóng đá đang cố gắng tạo ra sự khác biệt cho châu Á. Đó không phải là câu chuyện lãng mạn về thành công bất chấp điều kiện cuộc sống khó khăn hay sự tỏa sáng của những cầu thủ đường phố xuất thân từ các khu ổ chuột. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đầu tư rất mạnh tay cho các cơ sở đào tạo trẻ với hạ tầng hảo hạng tốn rất nhiều tiền và thành tích đến với họ dựa rất nhiều vào sức mạnh kinh tế, chứ không chỉ là tố chất tự nhiên và tài năng thiên bẩm, như với hầu hết ngôi sao bóng đá châu Phi.

Nhưng một khi không có tài năng, nhất là với bóng đá, câu hỏi đặt ra là châu Á có thể thực sự vươn lên một đẳng cấp mới không, hay những gì diễn ra ở Olympic chỉ là chuỗi ngày vui vẻ ngẫu hứng sẽ qua mau. K-League, giải vô địch Hàn Quốc, là giải chuyên nghiệp lâu đời nhất ở châu Á, nhưng sang năm tới nó mới tròn 30 tuổi. Còn J-League mới được 20 năm. Các giải khác của những đội mạnh ở vùng Vịnh còn ít tuổi đời hơn.

J-League đang tăng trưởng rất nhanh và là tiêu chuẩn cho phần còn lại của châu Á. Tính chung mọi yếu tố, Nhật Bản có thể tự hào giải đấu của họ năm trong tốp 20 trên thế giới. Tuy nhiên, các đội bóng ở đây vẫn còn thiếu sức hút với những ngôi sao lớn nhất do không cạnh tranh được về tài chính với những đồng nghiệp Trung Đông hay những nhà giàu mới nổi như Trung Quốc. Đổi lại, J-League là nơi đào tạo lý tưởng cho các cầu thủ trẻ, nhiều người được gửi sang châu Âu tập huấn nhờ vào tiền của CLB.

Giải đấu tiếp tục góp phần quan trọng sản sinh ra những tài năng trẻ và trở thành hình mẫu cho các giải đấu khác ở châu Á khác, như UAE, Qatar hay Trung Quốc, noi theo, dù còn chậm chạp. Những gì Nhật Bản và Hàn Quốc làm được ở Olympic London 2012 là thành quả của cả một quá trình vận động lâu dài và hai nền bóng đá số một châu Á đương nhiên còn muốn nhiều hơn thế, đặc biệt là ở những sân chơi toàn cầu như World Cup, nơi châu Á vẫn còn lép vế so với phần còn lại của thế giới.

T.T | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục