Bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh: Đề nghị... trời ơi

08:59 Thứ năm 13/06/2013

Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vừa nhận được công văn số 517 của cục Quản lý phát thanh – truyền hình Việt Nam thuộc bộ Thông tin truyền thông. Trong đó có nhiều đề nghị mang tính bắt buộc, nhưng lại có vẻ như sai về luật khiến ngay chính những đài truyền hình liên quan được coi là hưởng lợi cũng đành cười ruồi cho qua chuyện.

Giải bóng đá Anh không chỉ thu hút người hâm mộ mà còn thu hút được những tài năng như Mourinho. Ảnh: Internet.

Theo công văn 517, bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) đề nghị VTV buộc phải ép đối tác của mình là K+ không được nhận chuyển nhượng bản quyền từ Canal Plus, để ban điều hành đàm phán đại diện cho các đài truyền hình, được thành lập theo quyết định của bộ, đàm phán lại việc mua bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam.

Yêu cầu bắt buộc này xem ra hơi buồn cười, bởi ngay từ đầu VTV đã không hoàn thành nghĩa vụ đứng đầu trong nhóm đàm phán, để K+ đi trước một bước. Giờ thì hợp đồng kinh tế giữa K+, Canal Plus và đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh đã hoàn tất. Bộ TTTT lấy quyền gì để yêu cầu xoá bỏ một hợp đồng kinh tế. Nếu thật sự bị đối tác nước ngoài kiện lại về chuyện hợp đồng kinh tế bị phá bỏ, liệu cục Quản lý phát thanh truyền hình mà cụ thể là ông cục trưởng Hoàng Vĩnh Bảo có gánh được hậu quả, chịu đủ trách nhiệm?

Hơn nữa VTV là một cổ đông lớn của K+, họ không phải là ông chủ thật sự ở công ty nên lấy quyền gì để “buộc” đối tác phải tuân theo ý định của mình. Đó là chưa nói tới việc, VTV cũng được chia lợi nhuận từ K+, liệu VTV có “cam tâm” bóp chết doanh nghiệp mà mình chiếm tới 51% số vốn. Sau khi yêu cầu VTV “buộc” đối tác huỷ bản hợp đồng, phía Bộ TTTT còn yêu cầu tiếp: “Buộc VSTV phải chia sẻ bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh với các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trong cả nước theo hướng học hỏi quy định CCM của Singapore”.

Đây lại tiếp tục là một yêu cầu chẳng giống ai. Tại sao lại phải bắt buộc học hỏi quy định CCM của Singapore? Ai là đơn vị thẩm định quy định của Singapore được coi là chuẩn mực mà Việt Nam phải theo. Nhưng, điều vô lý lớn nhất trong việc này chính là những câu chữ theo kiểu “bảo kê” từ cục Quản lý phát thanh truyền hình, khi yêu cầu sâu vào chuyện làm kinh doanh của các đơn vị truyền hình trả tiền. Vì sao VSTV phải chia sẻ cho các doanh nghiệp khác một thương vụ lý ra chỉ của riêng họ? Bộ TTTT dựa vào điều nào, khoản nào để “buộc” một đơn vị kinh doanh phải làm theo ý mình?

Lạ lùng hơn, ông Hoàng Vĩnh Bảo còn yêu cầu, “VSTV và VTV cần tận dụng hạ tầng truyền dẫn của các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền khác để truyền dẫn bóng đá Anh tại Việt Nam”. Vẫn chưa rõ “truyền dẫn bóng đá Anh” mà phía cục yêu cầu là gì?

Nói cho nhanh, việc các đối tác nắm giữ bản quyền truyền hình giải bóng đá Anh muốn bán bản quyền của mình cho ai, theo tiêu chí nào là quyền của họ. Nếu ngay từ đầu, các đài truyền hình Việt Nam hợp tác với nhau hơn, VTV làm tốt nhiệm vụ của mình hơn thì mọi chuyện đã khác. Còn bây giờ, khi hợp đồng kinh tế đã được ký kết xong. Khi mọi sự đã rõ ràng và K+ đã nắm chắc trong tay bản quyền truyền hình, thì việc ra một văn bản mang tính ép buộc cả đối tác nước ngoài, không chỉ làm xấu đi hình ảnh về môi trường làm ăn ở Việt Nam mà còn chẳng dựa trên luật lệ nào. Ngay chính một đại diện của đài truyền hình lớn nhất nhì trong cả nước cũng nói rằng, công văn 517 của cục Quản lý phát thanh truyền hình là “không ăn thua”.

Xem ra, cùng với việc bộ TTTT phải tém dẹp lại các trang điện tử đang khiến dư luận bức xúc, họ còn phải tư duy hơn để ra những quy chế cụ thể với các đài truyền hình dùng ngân sách nhà nước, để không diễn ra tình trạng đi sau hốt hậu quả để rồi ra những văn bản đề nghị hết sức trời ơi kiểu này.
Thảo Du | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục