Đường đua “chiến thắng chính mình”
Ironman là cuộc thi ba môn phối hợp nổi tiếng thế giới với gần 200 cuộc thi đã diễn ra ở khắp nơi trên khắp hành tinh. Sự kiện được tổ chức bởi World Triathlon Corporation (WTC), bao gồm bơi 2,4 dặm (3,86km), đạp xe 112 dặm (180,25km), chạy marathon 26,2 dặm (42,2km). Tham dự cuộc thi này, các VĐV hầu hết đều không đặt mục đích giành giải thưởng, mà là chiến thắng chính mình. Tuy nhiên, việc vượt qua những thử thách ở 3 nội dung không phải ai cũng làm được. Thống kê cho thấy, trên thế giới chỉ có khoảng 1% người đủ sức vượt qua 3 cuộc thi có thời gian kéo dài lên tới 17 tiếng đồng hồ này.
Giải năm nay mang tên “đường đua nhiệt đới” Ironman Langkawi, diễn ra tại Malaysia. Đây là một trong những đường đua được đánh giá khắc nhiệt nhất trên thế giới, có đường xe đạp nhiều dốc với độ cao chênh lệch hơn 1.200m cùng thời tiết nóng, ẩm của vùng Đông Nam Á. Chính vì thế, tỷ lệ bỏ cuộc (DNF - không hoàn thành) tăng dần qua từng môn thi bơi, đạp xe và chạy bộ. Cũng cần nên biết rằng đây là giải Ironman 140.6 duy nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Con số 140.6 chính là tổng quãng đường140.6 dặm (226km) mà các VĐV phải vượt qua. Cụ thể, các VĐV phải hoàn thành bơi 3,8km, đạp xe 180km và chạy bộ 42km trong thời gian tối đa 17 giờ đồng hồ.
Lần đầu tiên Việt Nam có VĐV tham dự “đường đua nhiệt đới” Ironman Langkawi, với các thành viên Đặng Ngọc Lâm, Hoàng Kim Anh Tú và Trần Đình Minh Anh. Các VĐV của chúng ta tranh tài với hơn 1.000 đối thủ trên thế giới.
Để hoàn thành 3 chặng đua thử thách với sóng to và nhiều sứa (nội dung bơi), đường đua nhiều dốc, cua gấp (xe đạp), thời tiết nắng nóng (chạy), các VĐV Việt Nam đã phải sang Malaysia sớm để khảo sát. Nội dung xe đạp là khó khăn nhất bởi độ cao chênh lệch (Elevation) của 1 vòng cung đường đua xe đạp khoảng 600m, 3 dốc gắt khoảng 80m (tương đương 4 lần cầu Nhật Tân) liên tiếp ngay ở quãng đường đầu tiên.
Theo một thành viên đội tuyển Việt Nam kể lại, cuộc thi diễn ra dưới thời tiết nắng nóng trong 2/3 thời gian thi đấu. Chưa hết, cơn mưa to ập xuống khoảng 4 giờ chiều gây ra những khó khăn cho các VĐV Việt Nam hoàn thành 10km cuối cùng ở nội dung đạp xe và marathon. Ở cuộc đua xe đạp, VĐV Đặng Ngọc Lâm 2 lần bị hỏng xe, nhưng anh vẫn nhanh chóng thay đồ dự phòng để hoàn thành cuộc thi.
Sau khoảng 14 giờ 30 phút, Hoàng Kim Anh Tú đã về đích đầu tiên trong 3 thành viên team Việt Nam. Anh trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên hoàn thành giải ba môn phối hợp khắc nhiệt nhất thế giới.
Sau 16 giờ 32 phút, "người sắt" Đặng Ngọc Lâm là VĐV Việt Nam thứ 2 hoàn thành Ironman Langkawi. Hơn 20 phút sau, Minh Anh cũng đã hoàn thành trong 16 giờ 53 phút.
Dù không đạt giải, nhưng Đặng Ngọc Lâm, Hoàng Kim Anh Tú và Trần Đình Minh Anh đã ghi tên mình ở cuộc thi Ironman. Cờ Việt Nam đã tung bay tại Malaysia, trong niềm hạnh phúc của các VĐV và gia đình của họ. Tất cả đã chiến thắng chính mình, đã chứng minh không có giới hạn nào mà người Việt Nam không thể vượt qua.
“Người sắt” Đặng Ngọc Lâm
Trong 3 thành viên tuyển Việt Nam, Đặng Ngọc Lâm không chỉ là người anh cả, mà còn là một tấm gương vượt qua chính mình, chiến thắng mọi thử thách của cuộc sống.
Trong giới thể thao nghiệp dư Việt Nam, Đặng Ngọc Lâm được nhiều người biết đến với biệt danh Lâm “sắt” hay Lâm “bẹo”.
“Bẹo” là vì anh từng rất béo, nặng tới gần 100kg. Đó là thời điểm cách đây 4 năm, khi Ngọc Lâm đang công tác tại một công ty viễn thông ở Hà Nội. Anh Lâm kể rằng trước đó mình không bị “phì” như vậy bởi chơi thể thao rất giỏi, từ bóng đá, bóng bàn, cầu lông, tennis… Nhưng sau khi bị đứt dây chằng đầu gối trong một trận bóng đá, chàng trai 7X đã phải xa rời thể thao. Sau đó do không có chế độ ăn, ngủ, tập luyện hợp lý, Lâm trở thành một gã bụng phệ.
Vốn là dân yêu thể thao, lại không chấp nhận sống trong thân hình to béo, nặng nề, Đặng Ngọc Lâm đã phẫu thuật đầu gối, sau đó anh chuyển sang tập xe đạp, chạy và bơi. “Tôi phải có sự thay đổi, không thể sống như này được”, Đặng Ngọc Lâm kể lại.
Từ Lâm “bẹo”, Ngọc Lâm bắt đầu được nhiều người thay bằng cái tên đầy ý chí: Lâm “sắt”. Anh tham dự hầu hết các cuộc thi khắc nghiệt nhất nhằm vượt qua giới hạn bản thân. Anh đặt ra từng cột mốc để mình phải vượt qua, nếu không làm được thì phải cố tới cùng. Trước khi lần đầu tiên tham dự cuộc thi ba môn phối hợp Ironman cự ly full 140.6 dặm diễn ra tại Malaysia, Lâm “sắt” đã “nuốt” ngon lành cuộc thi Ironman 70.3 diễn ra tại Đà Nẵng hồi tháng 5 năm nay.
“Để chuẩn bị cho giải Ironman Langkawi, tôi đã chuẩn bị từ tháng 7. Mỗi tuần tôi có 2 buổi đạp xe, hai buổi chạy, hai buổi bơi. Do chân của tôi hơi yếu nên tôi còn tập thêm gym."
Ironman Langkawi là cuộc thi đầu tiên trong hành trình chinh phục các giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới. Chúng tôi sẽ không dừng lại, luôn chiến đấu để vượt qua giới hạn của mình”, Lâm “sắt” chia sẻ sau khi hoàn thành cuộc thi khắc nghiệt nhất thế giới tại Malaysia.