ASIAD 17: Thể dục dụng cụ ghi dấu lịch sử

15:34 Chủ nhật 28/09/2014

ASIAD 17 - Incheon 2014 mới qua 8 ngày thi đấu chính thức, nhưng các nội dung thi đấu cuối cùng của Thể dục dụng cụ đã khép lại tối 25-9. ĐT Thể dục dụng cụ Việt Nam, với nòng cốt là các VĐV Thủ đô và một số gương mặt tiêu biểu của Hải Phòng, Quân đội đã thi đấu đạt những kết quả rất đáng khích lệ, giành 1 HCB, 3 HCĐ. Dù chưa thể giành HCV, nhưng thành tích đó vẫn rất đáng tự hào, bởi TDDC Việt Nam chưa bao giờ có huy chương ở các kỳ ASIAD trước đây.

Đội tuyển TDDC Việt Nam tham dự ASIAD 17 gồm 9 VĐV, trong đó Hà Nội có 6 VĐV, Hải Phòng, Quân đội, TP Hồ Chí Minh mỗi đơn vị có 1 VĐV. Kết quả thi đấu, Phan Thị Hà Thanh giành 1 HCB cầu thăng bằng, 1 HCĐ nhảy chống. 2 HCĐ còn lại do công của Đinh Phương Thành (xà kép) và Đặng Nam (vòng treo).

Hà Thanh với tấm huy chương đầu tiên cho TDDC Việt Nam. (Ảnh: Trọng Phú)

Đã có nhiều tiếc nuối, vì ai cũng mong thấy TDDC sẽ có HCV, nhất là khi các VĐV của chúng ta đã từng giành HCV ở các cúp thế giới về TDDC. Nhưng với giới chuyên môn, việc giành được huy chương TDDC ở ASIAD đã là một thành tích rất đáng kể, bởi thi đấu TDDC ở ASIAD rất khác với ở các Cúp thế giới đơn môn. Các đoàn thể thao của CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc… đều sở hữu những VĐV thuộc top đầu thế giới, Olympic. Ví như hai đối thủ xếp trên Phan Thị Hà Thanh ở nội dung nhảy chống, Hong Un Jong (CHDCND Triều Tiên) từng giành HCV Olympic Bắc Kinh, còn Oksana Chusovitina (Uzbekistan) giành HCB Olympic Bắc Kinh 2008, HCV ASIAD 2002, HCV Olympic 1992... Trong bối cảnh ấy, việc Phan Thị Hà Thanh chấp nhận tấm HCĐ ở nội dung sở trường nhảy chống là điều dễ hiểu. Nhưng Hà Thanh thậm chí còn làm được hơn thế khi giành được HCB cầu thăng bằng, chỉ thua duy nhất VĐV nổi tiếng người Triều Tiên Kim Unhyang. Nữ VĐV người Hải Phòng đã cho thấy sự trưởng thành về kỹ thuật cũng như sự vững vàng về tâm lý thi đấu, sẵn sàng chinh phục các đỉnh cao của TDDC.

Cùng với sự tỏa sáng của Phan Thị Hà Thanh, niềm vui thực sự đối với TDDC Việt Nam còn bởi 2 VĐV giành HCĐ Á vận hội là Đinh Phương Thành và Đặng Nam đều mới ở tuổi mười chín đôi mươi. Trong bối cảnh những đàn anh của TDDC nam là Nguyễn Hà Thanh không dự ASIAD 17 vì bị chấn thương, Phạm Phước Hưng chưa đạt phong độ tốt nhất sau thời gian lâm bệnh, việc Thành và Nam giành được HCĐ ASIAD cho thấy TDDC Việt Nam đã có được lực lượng kế cận xứng đáng, đủ sức đảm nhiệm trọng trách ở các kỳ thi đấu quốc tế ở Olympic 2016, 2020, ASIAD 18-2019…

Lần đầu tiên TDDC Việt Nam giành được huy chương ASIAD, nhưng đã có tới 4 huy chương, trong đó có 1 HCB, càng cho thấy rằng sự đầu tư khoa học, bền bỉ đối với các tài năng sẽ đem lại thành công ngoài mong đợi. Trao đổi với chúng tôi, HLV đội tuyển TDDC Trương Tuấn Hiền từng chia sẻ: "Hai tháng trước thềm ASIAD 17, đội tuyển TDDC Việt Nam đã có chuyến tập huấn tại Nhật Bản với điều kiện tập luyện, ăn ở rất tốt. Một bác sĩ trước đây từng làm việc tại ĐT nữ TDDC Nhật Bản đã giúp đỡ đội tuyển TDDC Việt Nam trong điều trị, hỗ trợ phục hồi chấn thương cho VĐV. Đây là tiền đề quan trọng để các VĐV có được thể trạng và tâm lý tốt nhất, tập trung rèn luyện chuyên môn trước khi bước vào giải đấu quan trọng".

TDDC nằm trong số ít các môn thể thao Olympic cơ bản, đòi hỏi quá trình luyện tập lâu dài, bền bỉ, và các VĐV phải đối diện nguy cơ chấn thương rất cao khi phải thường xuyên nâng độ khó các bài tập nhằm chinh phục đỉnh cao. Nếu tiếp tục được quan tâm hơn về y học thể thao, phục hồi chấn thương, dinh dưỡng kết hợp sử dụng thuốc hợp lý, chắc chắn các VĐV của chúng ta sẽ còn tiến xa hơn ở đấu trường Á vận hội và Thế vận hội.

Thu Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục