Ảo tưởng nhanh, bi quan nhanh: Đó là đặc tính của bóng đá Việt Nam

21:21 Thứ bảy 04/04/2015

(TinTheThao.com.vn) - Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông như mạng, báo đài…thì khoảng cách giữa khán giả và các đội tuyển bóng đá Việt Nam ngày càng gần hơn nhờ những tin tức được đưa kịp thời và được tiếp nhận dễ dàng. Nhưng chính từ đó đã nảy sinh ra những cái nhìn chủ quan hoặc nóng vội về nền bóng đá nước nhà.

Phải khẳng định một điều rằng chưa chắc những nơi được xem như quê hương bóng đá như Anh hay Brazil mà CĐV lại cuồng nhiệt như ở Việt Nam. Trên đất nước hình chữ S này nhà nhà xem bóng đá và người người đều có thể trở thành bình luận viên (BLV) hay huấn luyện viên (HLV). Tình yêu bóng đá của chúng ta dù chưa đến mức tôn thờ kiểu tôn giáo như tại Argentina, Italia nhưng nó không kém sự say mê đặc biệt. Chính từ tình yêu đó đã sinh ra sự yêu thương, kỳ vọng được đặt vào những chàng trai khoác lên mình chiếc áo đỏ có ngôi sao vàng.

Nhưng không phải tình yêu nào cũng trọn vẹn và sự kỳ vọng nào cũng được đền đáp xứng đáng. Sau thế hệ vàng của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn…thì bóng đá Việt Nam dù mặc lên mình chiếc áo chuyên nghiệp nhưng cũng dần đánh mất niềm tin mà người hâm mộ dành cho họ. Những vụ bán độ của U23, CLB rồi tổ chức đánh bạc….đã kéo niềm tin của CĐV xuống mức thấp nhất.

Người ta tự hỏi rằng ngay cả danh dự tổ quốc, danh dự bản thân mà các cầu thủ còn bán thì còn đến xem bóng đá nữa làm gì? Những khán đài vắng tanh, sự ghẻ lạnh khi đội tuyển ra nước ngoài thi đấu…là các phản ứng của người hâm mộ. Nhưng không trách họ được bởi trong hàng triệu con người ta đó, dù ai cũng có thể làm BLV nói ra rả ý kiến của mình nhưng không phải ai cũng có cái nhìn khách quan và chính xác dù chỉ ở mức tương đối. Sự bi quan của chúng ta lớn đến mức đã trở thành như một phản xạ có điều kiện, ngay khi Việt Nam thua sốc Malysia tại AFF Cup thì điều đầu tiên được nghĩ đến là “bán độ”.

Cũng xin nhắc lại rằng nguyên nhân có sự nghi vấn đó bởi Việt Nam đã thua lúc mà không ai nghĩ rằng họ sẽ thua. Vâng, chúng ta đã thắng ngay trên đất Mã Lai thì cớ làm sao lại thua tại Mỹ Đình được? Ngay tức thì CĐV Việt Nam nghĩ về những chuyện buồn cũ khi không giải thích được nguyên nhân thất bại hiện tại. Tuy nhiên có sự hụt hẫng đó chẳng qua vì họ quá tin vào một cuộc cách mạng của ông Miura mà thôi. Khi quá yêu mà bị phản bội (cứ cho là như vậy) thì sự đau đớn càng bị nhân lên rất nhiều lần.

Nói đến ông Miura cần nhắc lại một chi tiết thế này. Đó là khi ông sang Việt Nam làm việc chẳng mấy ai tin rằng ông sẽ làm nên chuyện khi tin tức ở đâu đấy cho hay ông chỉ là BLV trước khi sang Việt Nam và trong quá khứ cũng chẳng huấn luyện đội bóng lớn nào. Nhưng khi Việt Nam chơi khởi sắc tại AFF Cup và ASIAD thì người ta quay ra tán dương ông thầy người Nhật hết lời và tin rằng ông sẽ đưa bóng đá nước nhà sang một chương mới.

Và những nhân tố được hy vọng cùng làm nên cuộc cách mạng với HLV Miura là lứa cầu thủ của học viện Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) – Arsenal. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…sau những màn toả sáng cho đội tuyển U19 đã tạo nên cơn sốt thật sự tại Việt Nam. Dù chưa gặt hái được chiến tích nào nhưng họ đã nổi tiếng không kém gì những ngôi sao K-Pop hay những nhân vật đình đám trong làng giải trí.

Hình ảnh họ tràn ngập trên báo chí, tranh ảnh rồi quảng cáo nhiều đến mức ai cũng tin rằng đây là tương lai, là hy vọng của bóng đá Việt Nam. Không hy vọng sao được khi họ được so sánh với những Messi hay Pirlo. Và một đội bóng có Messi và Pirlo…thì đáng sợ đến mức nào. Chính vì vậy đã có không ít những cuộc hội họp, những diễn đàn kêu gọi đưa lứa cầu thủ này đi SEA Games để săn vàng cho đất nước nhằm thoả nguyện giấc mơ đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.

Trong cơn sốt U19 đó người ta quên rằng họ còn rất trẻ và sự thành công của họ mai sau vẫn còn là một dấu hỏi bởi thế giới đâu hiếm những thần đồng xuất chúng như Robinho, Pato …nhưng sau cùng cũng chẳng lên đến đỉnh điểm của mình. Bởi thành công ở giải trẻ và cấp đội tuyển là hai chuyện khác xa nhau. Cứ cho rằng lứa Công Phượng, Tuấn Anh vẫn được phát triển tài năng của mình thì có quá không khi cho rằng họ là tương lai của cả một nền bóng đá ?

Chúng ta cần bình tĩnh đánh giá tài năng của họ và tạo điều kiện để tài năng đó được phát triển tự nhiên chứ không vội đè lên vai những sức ép hay kỳ vọng quá lớn, đồng thời xem đó là cơ sở để định hướng phát triển những lứa cầu thủ tiếp theo.

Sự thiếu kiên nhẫn luôn được nhắc đến nền bóng đá Việt Nam nhưng đến bây giờ nó vẫn không được khắc phục mà ngày một nặng thêm. Chúng ta quá vội vàng bi quan trước những thất bại, đánh mất niềm tin vào tương lai nhưng cũng rất nhanh chóng đặt tình cảm, hy vọng đến mức áo tưởng vào một sự chuyển biến thần kỳ. Chừng nào chúng ta biết kiên nhẫn, biết tĩnh táo thì khi ấy bóng đá nước nhà mới thật sự có được sự hy vọng.

Cát Tường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục