10 năm sau ngày Chelsea rơi vào tay Abramovich: Tiền bạc hủy hoại bóng đá Anh

14:42 Thứ hai 17/06/2013

Chứng kiến cách tỷ phú Roman Abramovich vung tiền sau khi thâu tóm Chelsea năm 2003, người ta chỉ có thể miêu tả hành động của ông ta là "điên rồ". Sau 10 năm chi tiêu một cách "điên rồ", nhà tài phiệt người Nga đã làm tha hóa, biến dạng hoàn toàn giải đấu bóng đá cao nhất của nước Anh.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi





 

Bóng đá đồng tiền

Vào tháng 6/2003, Roman Abramovich chính thức trở thành ông chủ của Chelsea. Ông mang đến sân Stamford Bridge một kế hoạch đầy tham vọng với mục tiêu rõ ràng là biến The Blues trở thành thế lực hàng đầu trong làng túc cầu Châu Âu. Sau 10 năm, nếu đơn thuần nhìn vào danh hiệu, Abramovich đã thực hiện được lời hứa của mình.

Một năm trước khi Chelsea rơi vào tay Abramovich, họ chỉ có thể mua được cầu thủ làng nhàng như Enrique De Lucas. Tuy nhiên, túi tiền khổng lồ của nhà tỷ phú đã lôi kéo hàng loạt cái tên Joe Cole, Juan Sebastian Veron hay Claude Makelele khoác áo màu xanh để nhận mức lương khủng khiếp. Danh sách những cái tên đình đám đổ bộ Stamford Bridge cứ kéo dài mãi.

Trong thời gian mười năm vừa qua, Chelsea đoạt được 3 danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh, 4 FA Cup, 2 League Cup, 1 Champions League, 1 Europa League. Đó có thể coi là thành công vô cùng ấn tượng với đội bóng bị đánh giá là "tầm trung" hồi những năm đầu thế kỷ.

Thế nhưng, để đạt được những danh hiệu nói trên, Abramovich đã phải chi ra khoản tiền khổng lồ. Tờ Business Insider thống kê, trong 1 thập kỷ trở thành ông chủ tại Chelsea, Abramovich đã chi hơn 2 tỷ bảng (1,5 tỷ bảng dùng để trả lương cầu thủ, 874 triệu bảng mua sắm cầu thủ). Trung bình, để Chelsea đoạt được 1 danh hiệu, Abramovich đã chi không dưới 200 triệu bảng.

Đua nhau bán linh hồn

David Dein, cựu phó chủ tịch FA, là một trong những người cực lực công kích ảnh hưởng xấu mà Roman Abramovich tạo ra tại giải Ngoại hạng Anh. Buộc phải cạnh tranh với Chelsea, các đội bóng phải chi ra những khoản tiền khổng lồ nhằm lôi kéo cầu thủ. Chưa hết, họ buộc phải trả lương rất cao cho cầu thủ nếu không muốn anh ta đầu quân cho CLB khác.

"Trước năm 2003, mức lương 50.000 bảng/tuần là điều hết sức phi lý. Tuy nhiên, hiện tại, các cầu thủ ngày càng đòi hỏi cao hơn. Mức lương 200.000 bảng/tuần dần dần dành cho những cầu thủ hàng đầu trở nên phổ biến. Điều tệ hại là, những cầu thủ khác sẽ nghĩ: ít nhất mình cũng phải được trả 100.000 bảng/tuần. Cứ như thế, quỹ lương của các CLB sẽ phình đến vô tận" - David Dein nhấn mạnh - "chưa hết, giá chuyển nhượng cũng bị đẩy lên rất cao. Do sự chi tiêu hoang tàng của Chelsea, những đội bóng khác cũng bị xoáy vào cuộc chơi".

Hậu quả rất dễ thấy là các CLB ở Anh ngày càng lún sâu vào vũng bùn nợ nần. Ví dụ, nhà đương kim vô địch M.U hiện là con nợ lớn nhất tại Premier League (ước tính 800 triệu bảng). Không thể thanh toán nổi nợ nần, các CLB buộc phải chọn lựa: bán mình cho những nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê, cùng với Chelsea, tại Anh hiện nay có rất nhiều đội bóng khác đã hoàn toàn nằm trong sự khống chế của những ông chủ không phải người Anh. Bao gồm Arsenal (thuộc về Stan Kroenke), Blackburn (thuộc về gia đình Rao), Man City (thuộc về Sheik Masour), M.U (thuộc về gia đình Glazer), Aston Villa (thuộc về Randy Lerner), Birmingham (thuộc về Carson Yeung), Liverpool (thuộc về John Henry)….

Cuộc chạy đua đến chức vô địch Ngoại hạng Anh gần như là cuộc đua độ bạo chi của các ông chủ CLB. Nói cách khác, do sự khởi đầu của Roman Abramovich, Premier League hiện nay đã biến dạng thành giải đấu của đồng tiền hơn là cuộc so tài thể thao.

Những phiên bản lỗi của Chelsea

Nhờ sự đầu tư của Roman Abramovich, Chelsea đã gặt hái không ít thành công. Tuy nhiên, đầu tư nhiều không phải bao giờ cũng mang lại các danh hiệu.

Sự kiện QPR phải xuống hạng trong mùa giải vừa qua là cú đánh chí mạng vào tham vọng của nhà tỷ phú Tony Fernandes, người đã bỏ ra 35 triệu bảng để thâu tóm CLB này hồi cuối năm 2011. Dẫu đã chi tổng cộng 142 triệu bảng để mang về những hảo thủ như Julio Cesar, Christopher Samba, Wright-Phillips, Loic Remy…, QPR vẫn ngậm ngùi chia tay giải Ngoại hạng Anh.

Tương tự như vậy, những cuộc đổ bộ của Tập đoàn GFH vào Leeds, Carson Yeung vào Birmingham, Randy Lerner vào Aston Villa cũng không mang lại thành quả tích cực. Thậm chí, sự đầu tư thiếu hiểu biết đã làm các CLB suy yếu. Ví dụ dễ thấy nhất là trường hợp Aston Villa, đội bóng từng cạch tranh suất dự Champions League 3 năm trước song giờ đây vui sướng vì không phải xuống hạng.

Những "phiên bản lỗi của Chelsea" càng góp phần tha hóa bóng đá Anh. Theo các nhà phân tích, nếu bóng đá Anh tiếp tục tiến theo con đường mà Roman Abramovich đã mở ra, họ sẽ sớm nhận được kết quả đắng cay.

FA kiên quyết chống "ngoại xâm"
 
Trong cuộc họp thường niên của FA diễn ra vào tháng 4 vừa qua, vấn đề "các CLB Anh rơi vào tay ông chủ nước ngoài" là chủ đề được bán tán nhiều nhất. Dưới sự điều hành của chủ tịch David Berstein, FA đã nhất trí sẽ làm mọi cách trong khả năng để ngăn chặn tình trạng mà họ gọi là "ngoại xâm" đối với bóng đá Anh. Trong các kế sách được đưa ra, FA đang tính đến khả năng sẽ can thiệp sâu vào quyết định của các CLB trong trường hợp họ muốn "trao thân" cho những ông chủ giàu có. Đây là phương án tương đối mạnh, song, rất khó thực hiện.
00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục